Hà Nội và cuộc gặp của thương nhớ

ANTĐ - Tôi sống ở nước ngoài, nhưng mỗi lần về Hà Nội, cứ sắp qua đoạn phố Bà Triệu và góc Đoàn Trần Nghiệp, tôi đều dặn taxi đi chậm lại để nhìn khu nhà mình đã lớn lên cùng bao đứa trẻ khác. Cả ba lần tôi trở về thì đều bị hẫng hụt vì tất cả đều biến dạng. Những ngôi nhà chen chúc, bịt kín không gian. Đường vào hẹp lại. Nhà xây đua lấn trên không dưới đất. Lối đi xưa tràn nắng, nay như đường hầm Paris. Nắng lượn trên cao, không còn kẽ để lọt. Vườn bao quanh khu nhà cùng ổi, nhãn, hoa sữa, giàn mướp hương đã bị những cửa hàng lít nhít, lô nhô thay thế.

Hà Nội và cuộc gặp của thương nhớ  ảnh 1Hà Nội xa trong ký ức xưa, nhưng gần trong nỗi nhớ

Paris, nơi tôi đã định cư năm 1988 và sinh ra 4 đứa con (3 gái,1 trai) của mình. Paris, nơi tôi dạy các con những việc thông thạo, đọc và viết; kể cho chúng nghe những câu chuyện Hà Nội gắn tuổi thơ tôi. Paris là nơi tôi thường trở đi trở lại những góc phố, con đường để liên tưởng “như Hà Nội” trong cuộc gặp của thương nhớ.

Tôi sinh ra tại Trạm xá 135 Bà Triệu và sống tại số nhà 187 cùng dãy phố lẻ của phố dài từ này. Phố bắt đầu từ hồ Gươm đổ ra đường Đại Cồ Việt băng qua phố đó là sang Bạch Mai. Phố Bà Triệu ngày càng chật chội, cũng bớt dốc như quy luật của các dốc khác ở nội đô, khi lòng đường cứ tôn cao, vỉa hè thường xuyên bị đào xới, lát gạch, đá mới. Khu phố nhà tôi đã đổi hoàn toàn. Nơi duy nhất còn khá nguyên vẹn là trường Tiểu học  Bà Triệu với cây hoàng lan ở góc đường Tô Hiến Thành - Bùi Thị Xuân. Trường duy nhất không có sân. Mỗi lần chào cờ, học sinh đi bộ sang nhánh trường phụ ở đường Bà Triệu. Hương hoàng lan tỏa thơm lớp học. Con gái thường tranh nhau nhặt những cánh hoa vàng uốn cong cong mềm mại như ngón tay vũ nữ, ướp vào sách.

Tối tối, đường Bà Triệu thanh bình. Trẻ con chơi trốn tìm, đuổi nhau vòng ra phố Đoàn Trần Nghiệp, Huyền Trân Công Chúa (nay là Bùi Thị Xuân). Mỗi tối mất điện, lũ trẻ tụ lại nghe người lớn kể chuyện ma. Những câu chuyện thật giả lẫn lộn như chuyện hoa sữa đầy huyền bí lôi cuốn. Cây hoa sữa thơm, đó là hương hồn trinh nữ oan ức nhập vào tỏa ra để cuốn đàn ông. Hít nhiều hương hoa sữa bị say, và đêm đêm mà ôm cây là quên đường về. Chúng tôi tưởng thật vì thỉnh thoảng có ông điên thất tình nằm ngủ dưới gốc cây này. Cả lũ sợ sởn gai ốc, vẫn cứ thích nghe. Khuya, cầu thang tối om, chẳng đứa nào dám về, phải đợi bố mẹ xuống đón. 

Trẻ nâng niu từng bông hoa, cái bút, hộp diêm, bìa, giấy bọc kẹo xanh đỏ, viên sỏi... mọi thứ đều thành đồ chơi. Thùng rác gần như rỗng. Thức ăn thừa bỏ vào thùng nước gạo đổi lấy chổi quét nhà. Chổi, guốc cùn, lông gà lông vịt, chai lọ đổi kẹo. Chật chội, có nhà nuôi vài con gà, con lợn. Gà xổng bay vèo từ tầng trên xuống. Trẻ hùa nhau đuổi bắt hộ chủ nhân. 

Khu Vân Hồ trước kia là khu triển lãm rộng lớn, với bãi cỏ mênh mông trực thăng đỗ xuống được. Nhiều đêm, đèn vừa bật, đàn cà cuống lạc bay vào. Chúng tôi bắt, khều lấy vài giọt cà cuống thơm hòa vào nước mắm, ăn bánh cuốn chay. Thỉnh thoảng mấy đứa rủ nhau đi bắt châu chấu ở bãi cỏ đem bỏ vào bao diêm nuôi. Trẻ em trai gái cùng chơi nu na nu nống, nhảy dây, đá cầu, đánh khăng, nhảy ngựa, chơi rải ranh, ô ăn quan. Sách truyện quý hơn vàng. Sách cũ đem ra cửa hàng cược thêm tiền đổi sách khác về đọc. Đứa nào cũng phải xếp hàng lấy nước, rửa bát, lau nhà, nấu cơm và thậm chí phải phụ gia đình làm thêm bóc lạc, đan len. Ăn ít thịt, hoạt động nhiều, đứa nào cũng dong dỏng, gầy gầy. 

Thời chiến tranh, trên nóc khu nhà đặt một khẩu súng máy. Còi báo động rú lên, mọi người xuống hầm trú ẩn, các cô chú tự vệ của Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo chạy ngược lại lên nóc nhà sẵn sàng chiến đấu. Bom đạn ném xuống Bệnh viện Bạch Mai, phố Huế, chúng tôi ngây ngô, tò mò đèo nhau bằng xe đạp đến xem, bị cấm vào, đứng xa chỉ nhìn đống gạch đổ nát, người lớn đang lao vào cứu người. Về nhà bị mắng, cả lũ cứ ngẩn ra, xin lỗi bằng cách dọn nhà thật sạch. Trẻ em không dám cãi người lớn, thầy cô giáo. Ngày Tết, trẻ hay theo gia đình vào cúng chùa để được ăn oản.  

Hà Nội bây giờ khá lên. Hoa còn tươi vứt vương vãi trên thùng rác, ngay ở Paris cũng ít khi thấy hoa còn tươi vứt thảm hại kể cả sau dịp lễ. Trẻ em Hà Nội giờ thạo các loại máy điện tử (máy tính, iPad, smartphone) chăn nuôi gia súc, gia cầm qua trò chơi trên máy. Sách in màu, bút đẹp vứt lỏng chỏng. Một số trẻ không nói sõi tiếng Việt vì học trường quốc tế. Đời sống hiện đại, tâm hồn lại nghèo đi. Nhiều nhà trẻ cả ngày chỉ biết nói chuyện với người giúp việc và computer (máy tính). Chúng đọc sách trên mạng, ăn uống tùy tiện, ngồi máy tính suốt ngày, người cứ tròn quay như con trùng trục. Ra đường là xe máy, ôtô đưa đón. 

Hà Nội hiện thời mở rộng, đông quá mà ít vui. Thiên hạ thích sống chen chúc nơi phố cổ sầm uất. Các sân chơi, vườn chung biến mất. Trẻ em sướng hơn nhưng thiệt thòi thiếu sân chơi, thiên nhiên, nên không biết chia sẻ cùng nhau. Ở Paris đô hội, đất cực đắt, vẫn rất nhiều vườn hoa, công viên rộng nổi tiếng: Vườn Tulleries, Luxembourg, Montsouris… Rừng Boulogne và Vincennes là hai lá phổi lớn của Paris.

Trường học giữa Paris hoa lệ, thầy cô giáo vẫn dạy học sinh tiết kiệm. Thầy cô giáo đề nghị phụ huynh tận dụng giấy trắng một mặt in hỏng bỏ đi, mang đến trường cho các cháu dùng tập vẽ, làm thủ công. Giờ thủ công, thầy cô dạy sử dụng phế liệu làm đồ chơi. Trẻ bên Paris vẫn chơi lò cò, nhảy dây. Họ dạy trẻ từ ba tuổi có ý thức tự lập, tự mặc quần áo, rửa tay chân, xếp giày dép, quần áo. Họ dạy cách sống chia sẻ cộng đồng, một lối sống văn minh biết cảm ơn và xin lỗi. Trẻ được bình đẳng song biết tôn trọng người lớn. Người lớn làm gương biết cảm ơn trẻ đã giúp mình. Người lớn nghe trẻ con trình bày, rồi phân tích cùng trẻ, không áp đặt người ít tuổi hơn. Trẻ sớm có ý thức biết nghĩ cho người khác. Các nắp, vỏ chai đựng nước khoáng mang đến trường để cho các tổ chức nhân đạo thu gom lấy tiền giúp trẻ em tàn tật. Đồ chơi còn tốt, giặt, rửa sạch, đồ dùng học tập thừa mang đến trường để thay đồ chơi cũ, hoặc chia sẻ cho trẻ em nghèo trên thế giới.

Hà Nội nay hiện đại, đông đúc, giàu lên mà kém sang, thanh lịch; thiếu không gian xanh. Những ngôi chùa biến mất, bị lấn chiếm, hoặc teo lại thọt lỏm giữa các cao tầng mới xây che khuất. Hà Nội xưa yên tĩnh vắng lặng, tiếng rao hàng vang lên tận tầng bốn, ve sầu ra rả giữa trưa hè. Những người bán rong đi xe đạp treo cái máy tăng âm mà ngay tầng hai nghe ồn ào không rõ. Động cơ xe máy, ôtô át tiếng ve. Sang đường phố Bà Triệu, chờ nửa giờ, không dũng cảm chưa chắc qua được. Xe máy ngổn ngang chật vỉa hè. Làm sao được cơ hội tản bộ ngắm phố. Khói bụi, ồn ào trùm lên Hà Nội. 

Khu Paris - Latin náo nhiệt tưởng thấp thoáng hình ảnh đường phố Hà Nội cổ. Tôi thường đến đây, nỗi nhớ Hà Nội không thể nào nguôi được. Hà Nội mãi là Hà Nội!

Hà Nội xa trong kí ức xưa, nhưng gần trong nỗi nhớ.