Hà Nội tự tin định vị là trung tâm của Đông Nam Á và Đông Á (Bài 4): Khát vọng vươn tầm thành phố hàng đầu khu vực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với những định hướng lớn cùng các giải pháp đã được xác định, cụ thể hóa với lộ trình rõ ràng, Hà Nội đặt mục tiêu nỗ lực vươn lên cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực, châu Á và mang tính chất kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Với sự phát triển nhanh và vững chắc - Hà Nội đang vươn lên trở thành thành phố hàng đầu khu vực

Với sự phát triển nhanh và vững chắc - Hà Nội đang vươn lên trở thành thành phố hàng đầu khu vực

Điểm đến của các sự kiện chính trị, kinh tế tầm khu vực và toàn cầu

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Để xứng đáng vị thế của Thủ đô của một quốc gia gần 100 triệu dân, đang trỗi dậy nhanh, là điểm đến tin cậy, thân thiện của bạn bè quốc tế cũng như điểm đến làm ăn hiệu quả của giới kinh doanh toàn cầu, Hà Nội đã xác định những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm trước mắt cũng như tầm nhìn lâu dài tới giữa thế kỷ này để vươn lên thành thành phố lớn trong khu vực châu Á, có sức cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ.

Sau hơn 65 năm ngày giải phóng, Hà Nội đã có những sự phát triển vượt bậc, ngoạn mục về mọi mặt. Năm 1954, Hà Nội mới có 53.000 dân, diện tích 152km2. Năm 1961, thành phố được mở rộng, diện tích tăng lên 584km2, dân số 91.000 người. Năm 1978, Thủ đô mở rộng lần thứ hai với diện tích lên 2.136km2, dân số 2,5 triệu người; nhưng đến năm 1991, địa giới Hà Nội tiếp tục thay đổi, chỉ còn 924km2, song dân số vẫn ở mức hơn 2 triệu người.

Thủ đô Hà Nội sau khi được mở rộng vào năm 2008 có diện tích lên tới hơn 3.300km², nằm trong top 17 thủ đô có diện tích lớn nhất trên thế giới. Dân số Hà Nội đến năm 2020 lên tới khoảng 8,5 triệu người. Hà Nội nằm ở phía hữu ngạn sông Đà và hai bên của sông Hồng, trong đó đồng bằng chiếm 3/4 diện tích của thành phố. Bởi vậy, Hà Nội là nơi có vị trí và địa thế thuận lợi để trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học cũng như đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất của nước ta.

Trong quá trình phát triển vừa qua, nhất là từ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tầm vóc và vị thế của Hà Nội đã có thay đổi rất lớn, không những là quy mô mà còn chất lượng, đóng góp chung cho sự phát triển của cả nước ngày càng quan trọng. Hà Nội đã thật sự trở thành nơi giao lưu và hợp tác quốc tế mạnh mẽ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế như vậy, nhất là trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội có những lợi thế mà các địa phương khác không có và phải đặt quyết tâm cao hơn, mục tiêu phấn đấu cao hơn.

Hà Nội luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình của cả nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 7,39%/năm; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Quy mô, tầm vóc, vị thế, cũng như hình ảnh, uy tín của Thủ đô không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

Hà Nội hiện đang vươn tầm trở thành thành phố lớn, điểm đến quan trọng của các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Thủ đô Hà Nội đã tổ chức thành công những sự kiện lớn được cả thế giới dõi theo như Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên… với sự tham dự của lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới và khu vực.

Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc như bây giờ

Những kết quả quan trọng cùng nhiều bài học kinh nghiệm quý báu rút ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 giúp Hà Nội tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới với khí thế và quyết tâm cao. Mục tiêu tổng quát là xây dựng Ðảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực vào năm 2025. Ðến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh, thông minh, hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Mục tiêu trước mắt của Hà Nội tính đến năm 2025 là phát triển nhanh và bền vững thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, sáng tạo, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Hà Nội đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.

Tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Có thể thấy, với mục tiêu trên đây, Hà Nội đã khẳng định khát vọng vươn lên; từng bước nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và trên thế giới. Đó là bước tiến về tư duy tầm nhìn, Hà Nội không lấy các chỉ số cạnh tranh với các địa phương trong nước, mà sẽ vươn lên cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực, châu Á và mang tính chất kết nối toàn cầu. Như vậy, Hà Nội đặt mục tiêu cao hơn và điều đó đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn.

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Hà Nội đã đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025. Hà Nội xác định khâu đột phá đầu tiên là ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Thành phố tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu… kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số hướng tới đô thị thông minh, sáng tạo.

Dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Hà Nội cũng chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Chính vì thế, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta yêu cầu đặt ra với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác, mà phải “cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn”. Hà Nội phải vươn tầm thành thành phố hàng đầu của khu vực.

(Còn tiếp)