Hà Nội: Tự tin định vị là trung tâm của Đông Nam Á và Đông Á (Bài 1): Xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế đất nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - LỜI TÒA SOẠN: Tại Hội nghị “Hà Nội 2020: Hợp tác, đầu tư và phát triển” ngày 27-6-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng “trong tương lai không xa, Hà Nội không phải là trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa giáo dục của Vùng Thủ đô nữa, mà Hà Nội tự tin định vị mình là trung tâm của Đông Nam Á, và Đông Á”. Có thể khẳng định, những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Thành tựu kinh tế đã giúp Hà Nội giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, dẫn dắt các địa phương khác cùng phát triển...

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã vạch ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến năm 2025 là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ số, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh thu hút đầu tư, trọng tâm là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế; tạo sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các địa phương khác…

Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Một trung tâm kinh tế năng động của cả nước

Phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô Hà Nội. Nằm giữa trung tâm đồng bằng Bắc bộ, với điều kiện tự nhiên và giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, Hà Nội không chỉ phải đóng vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, mà còn phải phấn đấu trở thành 1 trong 2 đầu tàu kinh tế của đất nước, là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.

Trọng trách trên là thử thách lớn nhưng cũng là cơ hội để Hà Nội khẳng định mình, phấn đấu để xứng đáng với niềm tin của cả nước. Với truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, cùng bản lĩnh vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã vượt qua mọi khó khăn, đưa Thủ đô trở thành một trung tâm kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp đáng kể cho ngân sách đất nước. Những ai xa Hà Nội lâu ngày khi trở lại đều ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng của Thủ đô. Những tuyến đường cao tốc nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố, đường vành đai, cầu bắc qua sông Hồng, những công trình lớn, những khu đô thị mới… được xây dựng, làm thay đổi bộ mặt thành phố. Đó là diện mạo bên ngoài, còn nội lực bên trong thì có thể cảm nhận qua những con số nhiều ý nghĩa.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% tổng sản phẩm nội địa (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3% đến 7,8%), cao hơn giai đoạn 2010-2015 (6,93%). Riêng năm 2020, GRDP của Hà Nội ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, tương đương 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 2 năm liên tiếp.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng mạnh; khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09%. Tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân đạt 7,12%/năm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 48,47 tỷ USD, tăng 1,34 lần so với năm 2015. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội tăng 15 bậc, lên vị trí thứ 9 cả nước.

Đáng chú ý là kể cả trong giai đoạn thử thách khi đại dịch Covid-19 hoành hành, khi nhiều nơi có mức tăng trưởng âm hoặc tăng trưởng không đáng kể, Hà Nội vẫn duy trì được mức tăng trưởng, kiểm soát được dịch bệnh. Theo thống kê, GRDP 9 tháng năm 2020 của Hà Nội tăng 3,27%, gấp 1,54 lần mức tăng của cả nước; thu ngân sách đạt 63,5% dự toán, bằng 92,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng “trong tương lai không xa, Hà Nội không phải là trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa giáo dục của Vùng Thủ đô nữa, mà Hà Nội tự tin định vị mình là trung tâm của Đông Nam Á, và Đông Á”. Ảnh: Công Hùng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng “trong tương lai không xa, Hà Nội không phải là trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa giáo dục của Vùng Thủ đô nữa, mà Hà Nội tự tin định vị mình là trung tâm của Đông Nam Á, và Đông Á”. Ảnh: Công Hùng

Hướng tới mục tiêu “tự tin định vị vai trò trong khu vực”

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế thành phố có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 8.300 đến 8.500 USD. Ở tầm xa hơn, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp hiện đại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Hà Nội 2020: Hợp tác, đầu tư và phát triển” còn mong muốn trong tương lai không xa, Hà Nội “tự tin định vị mình là trung tâm của Đông Nam Á, và Đông Á”.

Để giữ vững vai trò đầu tàu, hướng tới những mục tiêu lớn trong tương lai, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã vạch ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến năm 2025 là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ số, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh thu hút đầu tư, trọng tâm là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế; tạo sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các địa phương khác…

Là một cực tăng trưởng trong “tam giác phát triển” gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Hà Nội có nhiều điều kiện trở thành một trung tâm thương mại, liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố lân cận. Muốn vậy, Hà Nội phải có giải pháp thu hút đầu tư công nghệ cao, chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistics, nông nghiệp công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao… Thực tế, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã phối hợp tổ chức hơn 100 cuộc giao thương kết nối giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Hà Nội ký kết trên 5.000 biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm…

Thực hiện thành công những định hướng trên là cơ sở để Hà Nội hoàn thành những mục tiêu nêu trong trong Báo cáo chính trị trình Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 7,5 - 8,0%; cơ cấu kinh tế đến năm 2025: dịch vụ 65 - 65,5%, công nghiệp và xây dựng 22,5 - 23%, nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4 - 1,6%; GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố đến cuối nhiệm kỳ dưới 0,5%; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố; tỷ lệ hộ người dân được cung cấp nước sạch đạt 100%...

Thủ đô Hà Nội đang vươn mình thay đổi mạnh mẽ từng ngày, từng giờ, hướng tới mục tiêu một thành phố hội nhập và năng động, được người dân cả nước và bạn bè quốc tế ghi nhận.

(Còn tiếp)