Hà Nội tiên phong thực hiện Đề án 06 trong hành trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia số (5): Thêm một lần được cảm ơn các đồng chí Công an Thủ đô!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đề án 06 đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, các tầng lớp trong xã hội. Phóng viên An ninh Thủ đô đã ghi nhận những ý kiến đánh giá về sự nỗ lực, quyết liệt triển khai Đề án 06 của lực lượng Công an Thủ đô.
Hành trình thực hiện Đề án 06 khiến cho người dân thêm tin yêu, cảm phục lực lượng Công an

Hành trình thực hiện Đề án 06 khiến cho người dân thêm tin yêu, cảm phục lực lượng Công an

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội): Công an Hà Nội luôn gần dân, sát dân để phục vụ nhân dân

“Lực lượng Công an Thủ đô thời gian vừa qua có rất nhiều việc, từ những việc “quốc gia đại sự” cho đến những việc rất cụ thể của nhân dân. Từ việc triển khai đưa Công an chính quy về xã, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, cấp căn cước công dân gắn chíp cho nhân dân và gần đây là hướng dẫn người dân cài đặt VNeID, kích hoạt định danh điện tử… Tôi đánh giá rất cao việc ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp thông tin Thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám, chữa bệnh tốt hơn, thuận lợi hơn cho người dân và cũng giúp tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tại diễn đàn Quốc hội, một số báo cáo và ý kiến đã nêu rõ ngành Công an dẫn đầu về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Để có được những kết quả đó, tôi biết ngành Công an đã huy động lực lượng rất lớn, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân làm ngày làm đêm, đến từng khu dân cư, thậm chí từng nhà dân để cấp căn cước cho dân, hướng dẫn người dân… Tất cả những việc làm cụ thể đó là minh chứng để thấy rằng, công an đang về gần với dân hơn, thực sự sát dân hơn và chỉ có gần dân, sát dân thì mới giải quyết được công việc và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Tôi rất ấn tượng và đánh giá cao việc ngành Công an nói chung, Công an Thủ đô nói riêng trong thời gian qua hết sức quyết liệt trong công cuộc phòng, chống tiêu cực trong chính ngành mình. Với Công an Hà Nội, việc xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ sai phạm đã thể hiện trách nhiệm và cả sự tự trọng nghề nghiệp của mình, khẳng định quyết tâm chấn chỉnh sai phạm trong chính ngành mình. Chính điều này giúp lực lượng Công an nhân dân vững mạnh hơn và cũng làm cho nhân dân ngày càng tin tưởng hơn vào công an”.

Bà Cấn Thị Việt Hà (Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 quận Hà Đông): Ghi nhận tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới của lực lượng Công an

“Trong quá trình triển khai Đề án 06, Ban chỉ đạo Đề án 06 quận Hà Đông ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị, nhất là sự chủ động tham mưu, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, các biện pháp, giải pháp sáng tạo, linh hoạt của lực lượng Công an quận cùng với sự đột phá trong nhận thức, tư tưởng của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, công nhân, viên chức trực tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn quận.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm, mang tính sáng tạo, đột phá đã được đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 quận Hà Đông gợi mở, giao cho các đơn vị, lực lượng, địa bàn, như nghiên cứu, tham mưu kiện toàn Tổ công tác thực hiện Đề án 06 trên cơ sở hợp nhất với Tổ công nghệ số cộng đồng, duy trì lực lượng nòng cốt là số đoàn viên, thanh niên am hiểu, có kiến thức về công nghệ thông tin, đã được hướng dẫn, tập huấn về các ứng dụng VNeID hay các thao tác gửi, cập nhật hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để hướng dẫn người dân trên địa bàn phường thực hiện.

Với vai trò Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 quận, mong rằng Công an quận tiếp tục chủ động tham mưu, hướng dẫn các đơn vị triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06; trọng tâm là tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án 06; triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; hướng dẫn, đôn đốc thực hiện đợt thi đua cao điểm hướng dẫn nhân dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử trên địa bàn TP Hà Nội với chủ đề “Đến từng nhà, rà từng người, xác lập tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ nhân dân”.

Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, thực hiện tái cấu trúc quy trình, xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính kết nối với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành để cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư (đặc biệt là lĩnh vực Tư pháp và Tài nguyên môi trường) để nâng cao chất lượng, nâng cao niềm tin của người dân đối với các dịch vụ công của Chính phủ”.

Ông Nguyễn Quang Trung (Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 quận Hai Bà Trưng): Đề án 06 mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước đột phá trong chuyển đổi số

“Nhiều phương pháp, hình thức mang tính chủ động, sáng kiến đã được Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 quận Hai Bà Trưng triển khai, như tổ chức xây dựng “Mô hình tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến” tại các địa bàn cơ sở đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, thiết thực, hiệu quả, không hình thức. Bố trí cán bộ, công chức thành thạo kỹ năng, thao tác để hướng dẫn người dân thực hiện việc đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công, xây dựng các video clip ngắn và các thao tác thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Việc triển khai các mô hình điểm về Đề án 06 đã mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân ghi nhận, tin tưởng, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tạo sự đồng thuận và tích cực phối hợp với lực lượng Công an trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án 06. Qua đó, giảm thiểu việc công dân kê khai sai lệch thông tin, phải điều chỉnh lại khi đã gửi hồ sơ trực tuyến.

Những kết quả bước đầu đã khẳng định việc triển khai thực hiện Đề án 06 là đúng đắn, kịp thời, góp phần tạo bước đột phá trong chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử, xã hội số, kinh tế số, công dân số. Cán bộ công chức, viên chức, chiến sĩ được quán triệt đầy đủ, nhận thức rõ tầm quan trọng của Đề án số 06; từ công tác chỉ huy, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo cho đến tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, cống hiến của mỗi cá nhân đều góp phần đẩy mạnh, nhân rộng việc thực hiện Đề án 06 đến các tổ chức và người dân trên địa bàn quận”.

Luật sư Đỗ Văn Thăng (Văn phòng Luật sư Giang Thanh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Đề án 06 giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

“Trước đây, sổ hộ khẩu được quy định tại khoản 1, Điều 24 - Luật Cư trú năm 2006 nhưng đến khi Luật Cư trú năm 2020 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 thì không còn khái niệm cụ thể về Sổ hộ khẩu. Và theo đó, từ ngày 1-1-2023, toàn bộ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú bằng giấy sẽ bị hủy bỏ (hết giá trị sử dụng) theo quy định tại khoản 3, Điều 38 - Luật Cư trú. Và Luật Cư trú quy định, mọi thông tin liên quan đến cư trú được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi người dân nhập hộ khẩu, xóa hộ khẩu, chuyển hộ khẩu, đăng ký tạm trú… đều được cập nhật trên hệ thống của Cơ sở dữ liệu về cư trú, thay vì được viết tay trong cuốn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy như trước đây.

Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Tiếp đến, ngày 4-4-2022 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 442/QĐ-TTg phê duyệt các danh mục công trực tuyến tích hợp cung cấp trên cổng dịch vụ quốc gia năm 2022, trong đó quy định cụ thể chi tiết danh mục các nhóm dịch vụ công thiết yếu của cá nhân và tổ chức, điều này đã từng bước hiện thực hóa chủ trương của Đề án 06.

Ngày 21-12-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định gồm 15 Điều quy định việc sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Trong đó, bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi…

Khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nghị định cũng bãi bỏ, thay thế một số cụm từ liên quan tới quy định về sổ hộ khẩu tại các nghị định liên quan tới một số lĩnh vực cụ thể như: Điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; hộ tịch, người có công, bảo trợ xã hội… Nghị định 104/2022/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.

Như vậy, Đề án 06 với việc xóa bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc nhiều lĩnh vực thiết yếu như cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động… đã giúp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính rất nhiều so với trước đây. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, giải quyết công việc nhanh chóng hiệu quả, đồng thời thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ… Một số loại giấy tờ trên thường dễ bị các đối tượng xấu làm giả hoặc sử dụng thông tin của người khác để thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau như lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao, rửa tiền thông qua các băng nhóm làm ăn phi pháp dùng tài khoản ngân hàng (làm từ căn cước công dân, chứng minh nhân dân của người khác) để nhận và chuyển tiền bất hợp pháp… Nhiều đối tượng đã dùng chứng minh nhân dân giả để mở nhiều tài khoản ngân hàng, sử dụng sim “rác” làm số điện thoại nhận tin báo của các tài khoản ngân hàng sau đó đăng nhập vào các ứng dụng vay tiền trực tuyến trên mạng internet và sử dụng các loại giấy tờ giả mạo này để đăng ký hồ sơ vay tiền và chiếm đoạt tài sản…

Việc tích hợp các thông tin, dữ liệu cá nhân vào căn cước công dân gắn chíp giúp người dân có thể quản lý và bảo mật các giấy tờ tùy thân dễ dàng hơn, tránh bị thất lạc, bị các đối tượng xấu sử dụng để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các tính năng của “chip” điện tử trên thẻ căn cước công dân đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử… khi kết nối, sử dụng các ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân, tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, gian lận, lừa đảo trên không gian mạng…

Ngoài ra, việc tích hợp các thông tin, dữ liệu cá nhân vào căn cước công dân gắn chíp có thể phát triển, hoàn thiện và triển khai các ứng dụng di động công dân số từ VNEID có thể mở rộng tích hợp thêm các thông tin như: ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm… Khi các dữ liệu cá nhân được tích hợp đồng bộ sẽ giúp công tác quản lý cũng như điều tra phá án nhanh chóng, hiệu quả hơn”.

Bà Cù Thị Kim Thuận (Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 5, phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội): Hành trình thực hiện Đề án 06 khiến cho người dân thêm tin yêu, cảm phục lực lượng Công an

“Là Bí thư Chi bộ và Trưởng ban Công tác Mặt trận, tôi tham gia các Tổ cơ động của Công an phường “đi từng ngõ, gõ từng nhà” ngay từ những ngày đầu triển khai Đề án 06. Chúng tôi, những cán bộ ở cơ sở thường xuyên tối, ngày cùng cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô khắc phục mọi khó khăn, vất vả, tranh thủ mọi lúc mọi nơi để điều tra cơ bản, thu thập, xác minh thông tin, địa chỉ và số điện thoại liên lạc với công dân không có mặt tại địa phương phục vụ việc tuyên truyền, vận động công dân đi thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phủ kín căn cước công dân. Những đêm muộn, các cán bộ ở Công an phường vẫn túc trực với máy móc đầy đủ để phục vụ người dân phải đi làm xa nhà, hay ca kíp; đăng ký cấp căn cước công dân gắn chíp, hay kích hoạt định danh điện tử được lồng ghép với những hoạt động khác như khám, chữa bệnh, hội làng…

Các đoàn thể của CATP Hà Nội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cũng triển khai mô hình hướng dẫn người dân định danh điện tử ở nơi công cộng, vào trường học, xuống khu phố hướng dẫn vận động từng người dân. Thanh niên tuyên truyền cho thanh niên, phụ nữ giúp phụ nữ sẽ hiệu quả hơn nhiều. Từ đó họ lại về nhà hướng dẫn và thực hiện cho người thân. Người dân lúc đầu còn thờ ơ, sau đã rủ nhau đi làm căn cước công dân hay định danh điện tử, đó chính là kết quả của công tác tuyên truyền, vận động mà lực lượng công an là nòng cốt.

Có không ít các tình huống “dở khóc, dở cười” khi công dân cao tuổi nhất quyết không làm căn cước công dân gắn chíp vì sợ bị theo dõi, lộ lọt thông tin. Các cán bộ công an đều nhẹ nhàng giải thích, lần đầu chưa được thì đến lần 2, lần 3; tuyên truyền miệng người dân chưa nghe thì chuyển sang trực quan bằng hình ảnh, video, mạng xã hội. Các đồng chí công an luôn chu đáo, hết lòng, hết sức, nên người dân dần chuyển sang tin tưởng, làm theo. Rất nhiều câu chuyện xúc động trong hành trình làm căn cước công dân và định danh điện tử khiến người dân thêm tin yêu, cảm phục lực lượng công an. Rõ nét nhất là không chỉ sử dụng ôtô, xe máy cá nhân chở người cao tuổi, neo đơn đi làm căn cước công dân mà còn đến từng nhà riêng người già yếu, khuyết tật, bệnh nặng để làm căn cước công dân…

Có nhiều chiến sĩ trẻ mới có gia đình, con nhỏ nhưng cũng không quản ngại ngày đêm bám cơ sở phục vụ người dân. Khi tôi hỏi “không về với vợ con à” thì chỉ cười nói: “Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, song sớm ngày nào, người dân được lợi ngày ấy, công tác quản lý cũng hiệu quả hơn, cố gắng hết mình cô ạ”. Kể ra để thêm một lần được cảm ơn các đồng chí Công an Thủ đô!”.