Hà Nội tiên phong thực hiện Đề án 06 trong hành trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia số (4): Hết mình vì nhiệm vụ chuyển đổi số Quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Họ có thể là những người đứng đầu Công an các quận, huyện, thị xã hay chỉ là một cán bộ khiêm nhường, một tập thể đoàn kết gắn bó. Bình dị với công việc chuyên môn, họ như những ngọn lửa nhỏ, góp phần thổi bùng lên thành công của Đề án 06 trong CATP Hà Nội.
Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng CAQ Tây Hồ trực tiếp cùng cán bộ, chiến sĩ phục vụ cấp CCCD cho tăng ni, Phật tử có hộ khẩu thường trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội

Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng CAQ Tây Hồ trực tiếp cùng cán bộ, chiến sĩ phục vụ cấp CCCD cho tăng ni, Phật tử có hộ khẩu thường trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội

Chuyện ở đơn vị “cuối bảng xếp hạng”

Đầu năm 2023, theo chỉ tiêu được CATP Hà Nội giao, CAQ Đống Đa còn tổng số 26.901 công dân chưa được cấp CCCD gắn chíp phải thực hiện vận động để thu nhận. Bằng nhiều giải pháp đã thực hiện theo Kế hoạch số 01 (ngày 3-1-2023) của CATP, CAQ Đống Đa đã thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho hơn 16.000 trường hợp, vẫn còn gần 11.000 trường hợp thường trú và 157 tạm trú chưa được cấp CCCD gắn chíp.

Cho đến thời điểm Giám đốc CATP ban hành Mệnh lệnh 01, CAQ Đống Đa vẫn có số lượng công dân chưa làm hồ sơ cấp CCCD nhiều nhất thành phố. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ sự chỉ đạo chưa quyết liệt đến nhận thức hạn chế của người dân, bởi đây là một trong 4 quận “lõi” của thành phố, dân cư phức tạp với các thành phần đa dạng. Có trường hợp chỉ huy CAQ trực tiếp gọi điện thoại vận động 5 lần vẫn chưa đi làm thủ tục…

Khó có thể nói hết được những trường hợp cá biệt trong quá trình vận động nhân dân thực hiện thủ tục cấp CCCD gắn chíp trên địa bàn quận Đống Đa. Trước thực trạng ấy, nhận trách nhiệm người đứng đầu trước lãnh đạo CATP, Thượng tá Nguyễn Đức Long, Trưởng CAQ Đống Đa đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH - CAQ phải tăng cường các giải pháp để tổ chức thu nhận hồ sơ, phấn đấu hoàn thành đúng thời hạn được CATP giao, hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD trước ngày 30-6.

Có lẽ, trong số 30 đầu mối cấp Trưởng Công an quận, huyện khi thực hiện Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP, Thượng tá Nguyễn Đức Long được xem là “lính mới”. Ngày 1-2-2023, Thượng tá Nguyễn Đức Long nhận quyết định bổ nhiệm Trưởng CAQ Đống Đa, nghĩa là khi Mệnh lệnh 01 triển khai, anh mới chỉ nhận nhiệm vụ vỏn vẹn 3 tháng. Hơn thế, Thượng tá Nguyễn Đức Long trưởng thành ở lực lượng Cảnh sát điều tra, đã trải qua các vị trí Đội phó, Đội trưởng, Phó Trưởng CAQ, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra CAQ với nhiệm vụ chính là chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận Đống Đa. Lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội với Thượng tá Nguyễn Đức Long lúc ấy thật sự hết sức mới mẻ.

Một hội nghị đánh giá về những tồn tại hạn chế trong công tác tổ chức cấp CCCD, xác thực định danh điện tử Công an quận Đống Đa đã thực hiện trong thời gian qua; thảo luận đưa các giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí chỉ huy quận, các đội nghiệp vụ có liên quan đã được diễn ra trước ngày Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP ban hành. Ngay trong ngày triển khai Mệnh lệnh 01, CAQ đã xây dựng kế hoạch triển khai, đồng thời xác định rõ mục đích, yêu cầu cần đạt được trong công tác cấp CCCD và xác thực định danh điện tử, đảm bảo việc tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn quận Đống Đa theo đúng phương châm “Hà Nội vì cả nước”.

Thực hiện việc tham mưu cho Ban chỉ đạo Đề án 06 cùng cấp đưa nội dung này vào nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện ngay đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ công dân thực hiện thủ tục cấp CCCD gắn chíp, kết hợp thu nhận hồ sơ định danh. Báo cáo đề xuất Quận ủy ra Chỉ thị về việc tập trung chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD, kích hoạt định danh điện tử cho toàn bộ công dân cư trú trên địa bàn quận Đống Đa.

CAQ Đống Đa tranh thủ kỳ thi tuyển sinh THPT năm 2023 hướng dẫn nhân dân kích hoạt định danh điện tử

CAQ Đống Đa tranh thủ kỳ thi tuyển sinh THPT năm 2023 hướng dẫn nhân dân kích hoạt định danh điện tử

Đối với những trường hợp đủ điều kiện thu nhận, CAQ đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng CAP, đồng thời chỉ đạo các đơn vị phải tạo điều kiện tối đa trong việc hỗ trợ công dân làm thủ tục thu nhận hồ sơ như dùng xe đưa đón các trường hợp đi lại khó khăn; tổ chức cấp tại cơ quan, trụ sở, địa điểm kinh doanh.. nơi có đông công dân chưa được cấp; đến nhà cấp cho các trường hợp không đi lại được, ốm đau, bệnh nặng. Đồng thời, CAQ tổ chức các hội nghị tuyên truyền về Đề án 06 tại các khu dân cư, cơ quan, đoàn thể… song song với việc hướng dẫn số công dân tải ứng dụng VNeID về điện thoại và kích hoạt tài khoản định danh đối với số đã được duyệt cấp tài khoản định danh mức 2.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học và tổ chức xã hội trên địa bàn tổ chức rà soát các trường hợp chưa được cấp CCCD gắn chíp nằm ngoài danh sách được Phòng Cảnh sát QLHC cung cấp, số công dân đến tuổi cấp CCCD để mời đi làm thủ tục. Định kỳ 20h hàng ngày, CAQ Đống Đa tổ chức giao ban kiểm điểm kết quả tổ chức thực hiện thu nhận hồ sơ CCCD, hướng dẫn công dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử đối với từng đơn vị để chấn chỉnh những tồn tại hạn chế đồng thời đề ra các giải pháp thực hiện trong ngày tiếp theo...

“Đồng chí Long đã “thuộc bài” hơn rất nhiều so với những ngày đầu triển khai Mệnh lệnh 01” - Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội nhận xét về cấp dưới của mình trong hội nghị giao ban Mệnh lệnh 01 ở tuần 4, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của người chỉ huy đứng đầu CAQ Đống Đa.

Hiện nay, chúng ta chuyển sang môi trường dữ liệu, chuyển từ truyền thống sang hiện đại, từ thủ công sang công nghệ, lực lượng công an cũng phải hoàn thành được nhiệm vụ đó, phải đảm bảo được việc quản lý dữ liệu, làm sạch dữ liệu. Nếu không hoàn thành được dữ liệu sẽ dẫn đến việc không thể đáp ứng được yêu cầu quản lý, phục vụ nhân dân trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số. Cụ thể hóa những quan điểm chỉ đạo ấy là sự nỗ lực không ngừng của mỗi CBCS lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, góp phần không nhỏ vào quá trình triển khai Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an)

Những ánh đèn sau ô cửa sổ

Kể từ khi Đề án 06 được triển khai trong lực lượng Công an Thủ đô, với 55 nhiệm vụ đề ra, có thể nói đây là một khối lượng công việc đồ sộ đặt lên vai CBCS lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Thủ đô. Từ dữ liệu dân cư, cấp CCCD đến triển khai 11/25 dịch vụ công thiết yếu theo nhiệm vụ của lực lượng công an, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, Công an Thủ đô luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu.

Căn phòng làm việc của Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng CAQ Tây Hồ luôn sáng đèn từ 5h sáng đến quá 0h ngày hôm sau. Đau đáu với công việc, người chỉ huy của CAQ Tây Hồ luôn trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD, kích hoạt định danh điện tử; làm thế nào để người dân được thụ hưởng những lợi ích mà Đề án 06 mang lại. CAQ Tây Hồ chính là đơn vị đầu tiên thuộc Công an cấp quận, huyện của CATP Hà Nội về đích chỉ tiêu cấp CCCD.

Trong đợt thi đua đặc biệt thực hiện nhiệm vụ thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chíp, làm sạch dữ liệu dân cư cho toàn bộ công dân, dưới sự chỉ đạo của chỉ huy, CBCS - CAQ quận Tây Hồ đã làm việc đúng theo phương châm của Giám đốc CATP “Làm hết việc, không làm hết giờ”, “Nỗ lực phải lớn, quyết tâm phải cao và hành động phải quyết liệt”, “Việc thực hiện Đề án 06/CP là nhiệm vụ chính trị và danh dự của lực lượng Công an nhân dân”, đồng thời quán triệt thực hiện một cách nghiêm túc nhất quán nguyên tắc “Đúng, đủ, sạch, sống” trong quá trình thiết lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

CAQ Tây Hồ đã thành lập 15 tổ công tác với 60 đồng chí là CBCS Công an các phường, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH triển khai đi 32 tỉnh, thành phố trong cả nước xác minh, tìm bằng được để cấp CCCD gắn chíp cho các công dân của quận Tây Hồ đang sinh sống, làm ăn tại TP.HCM, Khánh Hòa, An Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Kiên Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Nai, Long An, Gia Lai; Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình…

Ngoài ra, CAQ Tây Hồ còn tiến hành cấp CCCD gắn chíp cho các công dân không phải là người của quận Tây Hồ, có hộ khẩu thường trú tại các quận, huyện, thị xã khác của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác... “Trên địa bàn quận Tây Hồ có hơn 2.000 trường hợp hộ khẩu thường trú vẫn tại đây, nhưng người chuyển đi không rõ địa chỉ nơi đến, CATP và Cục Cảnh sát QLHC về TTXH yêu cầu làm giải trình để giảm trừ chỉ tiêu. Nhưng với tinh thần “đi đến cùng”, chỉ huy CAQ Tây Hồ nhận thấy cần phải làm sạch dữ liệu này để cấp triệt để cho nhân dân thì mới đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống” trong quá trình thiết lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, đã tập trung xác minh làm rõ nơi ở hiện tại của tất cả số công dân trên, tiến hành tính chỉ tiêu cần phải thực hiện cấp CCCD gắn chíp, xác thực và kích hoạt định danh điện tử đối với 8 Công an phường trên địa bàn quận, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công dân” - Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh chia sẻ.

Quan sát theo dõi cách làm của CAQ Tây Hồ và thấy rằng nếu Tây Hồ làm được thì các quận khác cũng có thể làm được, đó chính là khởi điểm cho Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP, cũng là sự ghi nhận của Đảng ủy, Ban Giám đốc đối với những việc làm hiệu quả của CAQ Tây Hồ.

CAQ Tây Hồ lập tổ công tác đi các tỉnh cấp CCCD cho người dân

CAQ Tây Hồ lập tổ công tác đi các tỉnh cấp CCCD cho người dân

Để dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”

Cụm từ “đúng, đủ, sạch, sống” dường như đã trở thành phương châm hàng ngày của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH CATP Hà Nội. Số hóa hồ sơ, cấp CCCD gắn chíp, kích hoạt định danh điện tử và hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ khác đã được triển khai để mỗi cái tên trên hồ sơ lưu trữ là một “thực thể sống”, để mỗi cá nhân trên hồ sơ, trong dữ liệu dân cư dễ dàng nhất thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong cuộc sống hàng ngày của mình. Đó là lý do vì sao, phía sau những ô cửa sổ tại trụ sở Đội Cảnh sát QLHC về TTXH công an các quận, huyện, thị xã luôn sáng đèn. Nó lấp lánh như những ánh sao đêm và họ - những CBCS trong đội ngũ ấy chính là những ngôi sao đêm, gác việc gia đình, trọn vẹn việc nước.

Theo Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - CATP Hà Nội, tính đến ngày 23-10-2023, toàn thành phố đã thu nhận 98,5% hồ sơ kích hoạt định danh điện tử và đã xác thực 85,2% định danh điện tử mức 1 và 2. Điều đó có nghĩa là 85,2% công dân của Thủ đô đã trở thành những “công dân số” được thụ hưởng những giá trị mà Đề án 06 mang lại. Kết quả ấy là hành trình 2 năm không mệt mỏi của toàn lực lượng Công an Thủ đô nói chung, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH nói riêng. Và hành trình ấy vẫn chưa dừng lại, bởi mỗi cá nhân luôn có sự biến động, lực lượng công an có trách nhiệm cập nhật những biến động ấy mỗi ngày để đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, nhiệm vụ làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sống, sạch” đã được CATP triển khai thực hiện từ tháng 3-2023 đến nay. Đặc biệt, Giám đốc CATP đã ban hành Kế hoạch 01, đây được xem là kế hoạch xương sống dài hạn, xác định “đúng, đủ, sống, sạch” là vấn đề cốt tử trong dữ liệu dân cư. “Thứ năm hàng tuần, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã ra văn bản thông báo chỉ tiêu nhóm dữ liệu còn tồn tại để chỉ huy công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, giao Công an xã, phường phải thường xuyên tra cứu, yêu cầu trao đổi, cũng như các yêu cầu dịch vụ công, làm sạch các nhóm dữ liệu” - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết thêm.

CATP Hà Nội thường xuyên sơ kết kết quả thực hiện Kế hoạch 01, đồng thời đã có những kế hoạch tiếp theo như Tổng kiểm tra tạm trú trên địa bàn; Tổng kiểm tra hủy định danh cá nhân; Tổng kiểm tra kế hoạch lưu trú. Các kế hoạch này xác định những nhóm dữ liệu nào trực tiếp đến người dân, dịch vụ công sẽ được ưu tiên xử lý trước.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, biến động dân cư của Hà Nội rất lớn, dù đã được sự phối hợp chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH hướng dẫn nghiệp vụ nhưng vẫn gặp phải nhiều tình huống đặc biệt. Tại hội nghị giao ban “gỡ khó” cho 14 Công an địa phương trong thực hiện Đề án 06 vào ngày 1-4-2023, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nói: “Chúng ta có quyền tự hào vì lực lượng Công an đã làm được những kỳ tích, duy trì, đảm bảo “nuôi sống” được những dữ liệu dân cư phát sinh từng ngày, từng giờ”. Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, luật pháp quy định lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH được quản lý địa bàn, nhân khẩu. Chính nhờ quản lý chặt chẽ được hộ, người, đối tượng, trong hàng chục năm qua, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã làm tốt nhiệm vụ đó, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

(Còn nữa)