Hà Nội tiên phong thực hiện Đề án 06 trong hành trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia số (2): Từ nghị quyết chuyên đề đến mô hình thực tiễn triển khai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi Đề án 06 chính thức được triển khai, giao UBND các cấp của thành phố Hà Nội thực hiện với sự phối hợp của lực lượng Công an, CATP Hà Nội đã chủ động tham mưu, là nòng cốt trong xây dựng mô hình điểm, sáng tạo để người dân tiếp cận với các tiện ích mà Đề án 06 mang lại.
Tranh thủ cấp CCCD cho người dân tại ngày hội bầu cử năm 2021

Tranh thủ cấp CCCD cho người dân tại ngày hội bầu cử năm 2021

Xây dựng Nghị quyết số 10, triển khai trong CATP Hà Nội

Ngày 11-2-2022, Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 56 về triển khai Đề án 06 trong CAND. Thực hiện Kế hoạch, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 40 ngày 28-2-2022 về triển khai Đề án 06 với tổng số 55 nhiệm vụ; giao các đơn vị trong CATP chủ trì, phối hợp thực hiện.

Đặc biệt, để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ CATP, ngày 21-6-2022, Đảng ủy CATP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10 về việc tăng cường sự lãnh đạo đối với việc thực hiện Đề án 06 trong Đảng bộ CATP, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của lực lượng Công an nhân dân. Đáng chú ý, Nghị quyết này của Đảng ủy CATP ra đời trước khi Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Nghị quyết số 13, cũng với nội dung về tăng cường lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án 06.

Nghị quyết 10 khẳng định, Đề án 06 đang bước vào giai đoạn “then chốt”, các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn và cũng chưa có trong tiền lệ, nếu không tập trung thực hiện sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ, tiến độ của Đề án.

Cấp ủy Đảng các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc CATP thống nhất nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án 06 xuyên suốt theo 4 cấp Công an; xác định việc thực hiện Đề án là một trong những công tác trọng tâm của năm 2022 và những năm tiếp theo, từ đó, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Đề án 06, Quyết định số 10695 với các biện pháp, giải pháp linh hoạt, nhiệm vụ, lộ trình, thời gian cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ đơn vị thực hiện, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành sớm các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Đề án 06 và Quyết định 10695; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể từng nội dung công việc gắn với tiến độ hoàn thành, để đạt được những kết quả cụ thể, qua đó tạo dấu ấn lan tỏa trong các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án.

Cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô trao đổi, thực hiện kích hoạt định danh điện tử cho các trường hợp không có điện thoại thông minh

Cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô trao đổi, thực hiện kích hoạt định danh điện tử cho các trường hợp không có điện thoại thông minh

Các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các đơn vị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương, Thành ủy Hà Nội về cải cách hành chính; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Đề án số 06, Quyết định 10695… Phối hợp nghiên cứu, rà soát, tham mưu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan đến Đề án 06, Quyết định 10695 của Bộ Công an, việc khai thác Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội...

Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh ngay những tồn tại, thiếu sót đã chỉ ra trong công tác “làm sạch” dữ liệu; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Công an về bổ sung, cập nhật dữ liệu dân cư, bảo đảm luôn “đúng, đủ, sạch, sống” gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và từng cá nhân phụ trách; gắn kết chặt chẽ công tác bổ sung, cập nhật dữ liệu với nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú, quản lý đối tượng, quản lý địa bàn và công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Phối hợp với các bộ phận chức năng của Bộ Công an, các sở, ngành có liên quan tham mưu, triển khai thực hiện việc kết nối, tích hợp, khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, UBND thành phố phục vụ 5 nhóm tiện ích đã xác định trong Đề án 06.

Cùng với đó, tăng cường tham mưu thực hiện việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Bộ Công an về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi, chức năng quản lý.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các dịch vụ công của lực lượng CAND trên môi trường điện tử theo đúng tiến độ, cải cách triệt để các thủ tục, quy trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy nhanh chuyển đổi trạng thái từ môi trường làm việc truyền thống sang môi trường điện tử, tiến hành số hóa các dữ liệu, nhất là để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tiếp xúc công dân tại trụ sở.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06, các cấp ủy Đảng, các đơn vị trong CATP luôn xác định lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, giảm thiểu các thủ tục hành chính phiền hà, hướng tới mục tiêu minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước…

“Các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ CATP có trách nhiệm chỉ đạo Đảng bộ, Chi bộ mình phụ trách triển khai thực hiện Nghị quyết này, xác định rõ những việc cần làm ngay, những việc làm thường xuyên và những việc thực hiện theo lộ trình, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn của đơn vị để thực hiện” - Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết.

Cán bộ chiến sĩ CAH Thạch Thất thực hiện thủ tục cấp đăng ký xe cho công dân tại trụ sở Công an xã

Cán bộ chiến sĩ CAH Thạch Thất thực hiện thủ tục cấp đăng ký xe cho công dân tại trụ sở Công an xã

Vì mục tiêu cao nhất phục vụ nhân dân

Cụ thể hóa Nghị quyết số 13 của Đảng ủy Công an Trung ương, Nghị quyết số 10 của Đảng ủy CATP, hàng loạt mô hình điểm đã được triển khai với mong muốn Đề án 06 thực sự đi vào đời sống xã hội.

Chỉ một tháng sau khi có Nghị quyết 10, Giám đốc CATP Hà Nội đã ban hành Mệnh lệnh số 01về mở cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây được xem là “trận đánh tổng lực cuối cùng” trong “chiến dịch” lịch sử kéo dài 2 năm qua, đặt ra nhiệm hoàn thành các chỉ tiêu cấp CCCD trước thời điểm sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị vào ngày 31-12-2022.

Giữa thời bình, “mệnh lệnh chiến đấu” được ban hành. Theo Mệnh lệnh 01, bắt đầu từ ngày 25-7 đến ngày 25-8, tại trụ sở Công an xã, phường, thị trấn triển khai 3 ca cấp CCCD gắn chíp, từ 7h đến 22h hàng ngày, đảm bảo tận dụng tối đa thời gian sử dụng các bộ thiết bị thu nhận. Mỗi CBCS lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đều ý thức trách nhiệm của người chiến sỹ giữa thời bình. Đó không phải là những cuộc đấu trí, là những pha giáp mặt tội phạm mà đó là cuộc chiến xuyên thời gian, cần mẫn, tỉ mỉ với những đường vân, con số, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và hạn chế đến mức thấp nhất sự “sai”.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, Thiếu tá Đinh Việt Hùng - Trưởng CAP Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy chia sẻ, ngay khi Giám đốc CATP Hà Nội ban hành Mệnh lệnh 01 về mở cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, theo đúng tinh thần của Mệnh lệnh, chúng tôi chia làm 3 ca/ ngày, mỗi ca có 5 cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm thủ tục tại phường. Quy định là vậy nhưng trong những ngày máy cấp CCCD đặt tại Công an phường, đơn vị hoạt động liên tục đến tận 23h, thậm chí chờ đến khi hết công dân thì tổ công tác mới ra về.

Phục vụ nhân dân là yêu cầu cao nhất của Nghị quyết của Đảng ủy CATP về thực hiện Đề án 06

Phục vụ nhân dân là yêu cầu cao nhất của Nghị quyết của Đảng ủy CATP về thực hiện Đề án 06

“Cao điểm của đợt thực hiện Mệnh lệnh 01 này chỉ có 6 ngày (máy đặt tại phường trong 6 ngày) nên ai cũng cố gắng vì nó chẳng thấm vào đâu so với cao điểm trước kéo dài nhiều tháng. Ai cũng cảm thông, chia sẻ công việc với nhau, bữa cơm của anh em chiến sĩ cũng vội vàng, tất cả đều vì mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân có CCCD gắn chíp. Việc trao đổi nghiệp vụ sử dụng thiết bị, công nghệ thông tin được tiến hành thường xuyên để các CBCS kịp thời cấp CCCD gắn chíp cho người dân nhanh chóng, chính xác, đảm bảo an toàn. Cùng với việc cấp CCCD gắn chíp, đơn vị hướng dẫn người dân mở tài khoản định danh điện tử, hầu hết người dân ngay sau khi được thu nhận hồ sơ cấp CCCD đã tích hợp luôn xác thực định danh điện tử” - Thiếu tá Đinh Việt Hùng bày tỏ.

Tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, để triển khai Mệnh lệnh 01, Công an quận đã ban hành Kế hoạch 239 về thực hiện cao điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp. Trung tá Nguyễn Thị Kim Thúy - Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH chia sẻ, khác với “chiến dịch” cấp 50 triệu thẻ CCCD vào tháng 3-2021, trong cao điểm lần này, lực lượng Công an có sự hỗ trợ của tổ cộng đồng thuộc Đề án 06. Chỉ huy Công an quận đã yêu cầu cán bộ, chiến sĩ Công an các phường chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án 06 cùng cấp đưa nội dung cao điểm vào nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo Tổ công tác 06 tại các tổ dân phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ công dân để đảm bảo huy động tối đa công dân chưa được cấp CCCD trên địa bàn thực hiện thủ tục cấp CCCD gắn chíp kết hợp với thủ tục cấp định danh điện tử.

Tổ chức tuyên truyền về công tác thu nhận hồ sơ CCCD gắn chíp bằng nhiều hình thức như phối hợp với cơ quan báo chí đăng bài trên Cổng thông tin điện tử quận, mạng xã hội, tham mưu tăng thời lượng phát thanh, tuyên truyền lưu động... Tham mưu Ban chỉ đạo Đề án 06 của quận, phường chỉ đạo các đơn vị thành viên tuyên truyền đến toàn bộ công dân trên địa bàn quận nắm được chủ trương của việc cấp thẻ CCCD gắn chíp và ủng hộ, tham gia. Trong đó, tập trung vào nội dung đến ngày 31-12-2022 sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực sử dụng, thẻ CCCD gắn chíp được tích hợp các thông tin sẽ là giấy tờ để công dân thực hiện giao dịch thay thế sổ hộ khẩu.

Thời điểm ấy, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm hiện có gần 15.000 công dân đủ điều kiện chưa làm thủ tục cấp CCCD. Công an quận đã giao chỉ tiêu cho từng phường, đảm bảo trung bình mỗi ngày cấp cho khoảng 490 hồ sơ. Để đạt được con số này không phải là điều đơn giản vì một bộ phận người dân, đặc biệt là người cao tuổi chưa nhận thức được tầm quan trọng của CCCD gắn chíp, không muốn đi làm dù thủ tục rất nhanh gọn. “Với các công dân lớn tuổi, nhiều CSKV đã phải đến tận nhà đón các cụ đi làm CCCD. Thậm chí có cán bộ phải bỏ tiền túi để trả chi phí thuê xe đưa đón vì các cụ bảo “không có tiền”. Khó khăn là thế nhưng vì nhiệm vụ chung, tất cả đều cố gắng, nỗ lực hoàn thành” - chỉ huy Đội Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết.

Khi Mệnh lệnh 01 kết thúc, đúng vào ngày Giải phóng Thủ đô, thêm một cao điểm mới lại được CATP Hà Nội triển khai - cao điểm 90 ngày đêm triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định Luật Cư trú năm 2020 về việc Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án số 06/CP trên địa bàn TP Hà Nội. Trong những ngày tháng ấy, như những dòng sông không bao giờ ngừng chảy, nhiệm vụ triển khai Đề án 06 trong lực lượng Công an Thủ đô chưa bao giờ dừng lại…

Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội: Cán bộ Công an vừa làm chuyên môn, vừa làm tuyên truyền

Cấp Căn cước công dân gắn chíp rồi hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID cho người dân thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành Công an trong cuộc “cách mạng” chuyển đổi số nhằm phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Có thể thấy, thời gian qua, ngành Công an đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công việc này rất quyết liệt, từ cấp thành phố đến tận xã phường. Ở cấp phường xã đều đã được tăng cường lực lượng, không chỉ Công an mà huy động cả cán bộ ở các đơn vị khác cùng tham gia.

Cài đặt VNeID để tích hợp tất các loại giấy tờ cá nhân của người dân mang lại rất nhiều lợi ích, như giúp người dân đỡ phải mang nhiều giấy tờ mỗi khi đi làm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng hiểu được những ý nghĩa quan trọng mà ứng dụng VNeID mang lại. Do vậy, việc tuyên truyền có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, và các cán bộ Công an không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình mà còn trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân.

Tôi biết khi Công an mời người dân đến để hướng dẫn cài VNeID, nhiều người dân cũng không hào hứng ngay vì họ ngại mất thời gian, thậm chí có người còn thấy phiền toái. Thế nên chỉ có tuyên truyền đầy đủ ý nghĩa, trách nhiệm và quyền lợi của người dân cũng như công việc mà ngành Công an triển khai, để người dân hiểu được thì mới tạo đồng thuận và thực hiện. Khi người dân hiểu được rồi thì chính người dân chủ động liên hệ với Công an để được hướng dẫn. Và đến nay, lực lượng Công an Hà Nội đã làm rất tốt việc này.

Về cách triển khai, lực lượng Công an đã thực hiện rất tốt như tổ chức thành nhiều điểm, đến từng khu vực dân cư, tổ chức đón tiếp người dân, tuyên truyền giải thích cho người dân. Quan sát thực tế từ phường Thanh Xuân Bắc nơi tôi sinh sống, tôi thấy nhiều người dân cao tuổi khi được hướng dẫn cài VNeID, được cán bộ công an cài hộ trên điện thoại rồi, cũng không phải ai cũng hiểu ngay. Thế nên nhiều khi Công an còn phải viết ra giấy cả mật khẩu truy cập vào VNeID để các cụ mang về, vì người cao tuổi hay quên…

Phải nói rằng đó là sự nỗ lực rất lớn của Công an Hà Nội, mất rất nhiều công sức, thời gian và cả tâm huyết để hoàn thành nhiệm vụ và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Tiến Hưng (Ghi)

(Còn nữa)