- Chi 1,5 tỷ đồng cứu khẩn cấp tháp nghiêng B3 Khu di tích Mỹ Sơn
- Cột mốc số 0 của Hà Nội nên xây nằm hay đứng?
- Thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Nam Đồng

Hiện nay, một trong những khó khăn lớn của công tác quản lý, phát huy giá trị di tích trên địa bàn TP Hà Nội là nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo. Mặc dù, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, huy động xã hội hóa để tu bổ nhưng không đáp ứng được nhu cầu.
Trước thực trạng đó, thực hiện các giải pháp về đầu tư, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy sức mạnh của nhân dân để tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa, Sở VH-TT Hà Nội đã phối hợp cùng UBND các quận, huyện, thị xã lập danh mục di tích tu bổ tôn tạo giai đoạn 2018-2020. Trong đó, danh mục được phân chia theo nguồn đề nghị từ ngân sách xây dựng cơ bản thành phố, ngân sách sự nghiệp thành phố, nguồn từ ngân sách quận, huyện đầu tư, nguồn từ ngân sách quận, huyện đối ứng (bao gồm cả nguồn xã hội hóa).
Tính đến hết quý I-2018, số di tích đang được triển khai lập hồ sơ chống xuống cấp là 23 di tích, số di tích được trình chủ trương lập dự án (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) là 17, số di tích được trình chủ trương lập báo cáo tu sửa cấp thiết là 6 di tích, số di tích trình thẩm định dự án hoặc thiết kế bản vẽ thi công là 20 di tích. Số di tích được lập quy hoạch tổng thể là 3 di tích gồm: chùa Thầy, chùa Tây Phương và Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Trong thời gian tiếp theo, Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Thành phố xem xét, bố trí từ nguồn xây dựng cơ bản đầu tư tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt (theo hạng mục ưu tiên), hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích cấp quốc gia (trước mắt ưu tiên tập trung các di tích phục vụ du lịch, di tích xuống cấp nặng). Bên cạnh đó là nguồn kinh phí sự nghiệp hỗ trợ sửa chữa, tu sửa cấp thiết để chống đỡ, gia cố tạm thời hoặc sửa chữa nhỏ để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ, bị hủy hoại đối với các di tích xuống cấp nặng do cấp huyện quản lý; sửa chữa, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các di tích cách mạng kháng chiến.
Các quận, huyện, thị xã bố trí kinh phí do cấp mình quản lý và đối ứng kinh phí với di tích được hỗ trợ từ ngân sách thành phố (trước mắt ưu tiên tập trung các di tích phục vụ du lịch, di tích xuống cấp nặng); tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Các địa phương thực hiện giải pháp đầu tư trong công tác tu bổ tôn tạo di tích với khoảng 200 di tích được tu bổ, tôn tạo; trong đó có từ 60 - 150 di tích được thành phố đầu tư và hỗ trợ đầu tư, số còn lại từ ngân sách của huyện và huy động xã hội hóa.