“Gỡ rối” dạy thêm học thêm

ANTĐ - Trước tình trạng dạy thêm học thêm diễn ra ở hầu hết các cấp học, Hà Nội đang gấp rút xây dựng quy định về quản lý hoạt động này. Khó khăn ngay từ cấp quản lý là việc xác định mức thu cũng như cách thức quản lý thực sự hiệu quả thay vì chỉ hợp thức hóa với các      thủ tục hành chính.

Học sinh tiểu học chỉ cần tham gia câu lạc bộ thay vì đi học thêm

Lách quy định

Dạy thêm học thêm (DTHT) vẫn được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh là không được phép đối với học sinh tiểu học trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Tuy nhiên, quy định này càng khiến nhiều phụ huynh bức xúc khi hàng loạt các hình thức dạy thêm trá hình dưới dạng quản lý ngoài giờ vẫn đang diễn ra mà không hề xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận, chính Sở cũng nhận được không ít khiếu nại của phụ huynh về tình trạng DTHT khá phổ biến ở bậc tiểu học.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng GD-ĐT Gia Lâm, đối với bậc tiểu học, nhu cầu gửi con ngoài giờ của phụ huynh là khá bức thiết vào các ngày nghỉ như thứ bảy vì nhiều gia đình bố mẹ vẫn phải đi làm. Chính bởi nhu cầu này, Gia Lâm vẫn đang cho phép các trường được nhận quản lý học sinh ngoài giờ trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. “Nhu cầu là có, nếu cấm nhà trường, phụ huynh sẽ phải gửi con ở nhà cô. Hiện vẫn có những cô sau giờ tan học 16h30 thì có tới 2 ca dạy thêm ở nhà hay thuê chỗ dạy. Trong khi ở trường cơ sở vật chất có, quản lý cũng tốt hơn, mức thu  chắc chắn là thấp hơn nếu gửi tư nhân” - ông Nguyễn Văn Quý cho biết. Được biết việc các trường được nhận quản lý học sinh tiểu học ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình được coi là một trong những hình thức DTHT trong nhà trường được Sở GD-ĐT Hà Nội đưa vào dự thảo quy định về quản lý DTHT trên địa bàn thành phố.

Loạn thu dạy thêm học thêm

Mức thu quá chênh lệch giữa cùng một bậc học cũng là một trong những nguyên nhân chính gây đơn thư, khiếu kiện. “Chúng tôi đi kiểm tra ở một số trường và biết được có trường tiểu học thu tiền DTHT tới 700.000 đồng/học sinh. Tuy nhiên, nếu để xử lý thì rất khó vì các trường đều có đơn thỏa thuận với phụ huynh. Chính vì vậy chúng tôi kiến nghị Sở   GD-ĐT Hà Nội cần đưa ra khung thu chi với hoạt động DTHT trong nhà trường để phụ huynh có thể yên tâm với hoạt động này” - đại diện Phòng  GD-ĐT Hà Đông cho biết.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hương, Phòng  GD-ĐT huyện Từ Liêm cho rằng vì không có quy định cụ thể nào với mức thu từ DTHT nên có giáo viên dạy tiểu học thôi cũng thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng trong dịp hè khi thu tới 100.000 đồng/cháu/buổi với một lớp hơn 30 học sinh. Không chỉ thắc mắc về mức thu DTHT từ phía phụ huynh mà ngay cả giáo viên nhiều trường cũng bức xúc về tỷ lệ chi cho các khâu quản lý hiện nay do hiệu trưởng quyết định. “Chúng tôi không muốn thu nhiều của học sinh nhưng nhà trường trích về tới 20% tiền DTHT của giáo viên để chi cho khâu quản lý. Với trường đông học sinh tính ra chỉ riêng việc quản lý nhà trường cũng thu được cả chục triệu đồng.” - một giáo viên THCS ở Hà Nội phản ánh. Trong khi đó, từ cấp quản lý, lãnh đạo phòng GD-ĐT Hà Đông cho biết, không có quy định về tỷ lệ chi này nên nếu hiệu trưởng có thỏa thuận với giáo viên, phụ huynh thì không có căn cứ để xử lý.

Phải có chế tài mạnh

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Tây Hồ khẳng định, nếu giáo viên dạy tốt thì có thu đến 500.000 đồng/buổi lớp vẫn đông nhưng điều khiến phụ huynh bức xúc là giáo viên dạy không ra gì, lại ép con họ đi học bằng nhiều cách thức. Quản lý DTHT hiện nay cần tập trung vào việc làm sao cho đảm bảo chất lượng theo đúng nhu cầu và chi phí phụ huynh bỏ ra thay vì chỉ đảm bảo đúng thủ tục hành chính, giấy tờ. Muốn vậy cần có kinh phí với công tác kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó không thể thiếu chế tài mạnh, cụ thể.

Bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng GD-ĐT Hoàn Kiếm cũng đồng quan điểm khi cho rằng chế tài hiện nay chưa đủ mạnh để xử lý những vi phạm trong hoạt động DTHT. “Theo tôi, nên áp dụng chế tài theo Luật Viên chức với hình thức xử lý rất quan trọng là hạn chế hoạt động nghề nghiệp. Theo đó, những giáo viên có hình thức ép học sinh đi học thêm, thu tiền cao, dạy không đảm bảo chất lượng thì các cấp quản lý có thể cho tạm dừng giảng dạy với môn học giáo viên đó đảm nhiệm trên lớp”.