Giọng ca opera Phúc Tiệp: Vào sâu trong lòng đất để hóa thân đời thực nhất cùng người thợ lò

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ca sĩ Phúc Tiệp được biết đến là một trong những giọng ca Opera hàng đầu, kế cận lớp tiền bối của dòng nhạc thính phòng Việt Nam. Với chất giọng khỏe khoắn và đầy nội lực, anh được cố NSND Doãn Tần và NSND Quang Thọ yêu quý dìu dắt. Sau khi tham gia một số cuộc thi âm nhạc với nhiều giải thưởng, giọng ca gốc Thái Bình bền bỉ với tình yêu dành cho nhạc bác học và kiên định giữ “lửa” dòng nhạc này trong vai trò giảng viên thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Phúc Tiệp tự hào khẳng định mình là “dân thính phòng” chính hiệu. Hơn 20 năm âm thầm ca hát, nam ca sĩ bất ngờ tái xuất với dấu ấn MV “Tôi là người thợ lò” và album “Vết xưa”.

Cuộc chơi với nhạc xưa

- Phóng viên: Chào Phúc Tiệp, điều gì khiến anh quyết định trở lại làm sản phẩm âm nhạc ở thời điểm này sau bao năm chuyên tâm vào công việc giảng dạy thanh nhạc?

- Ca sĩ Phúc Tiệp: Thật lòng, nếu để nói về thính phòng thì tôi tự tin mình có chuyên môn, nhưng tôi thấy mình vẫn thiếu dấu ấn trong cộng đồng nghe nhạc nói chung và mong muốn tạo ra một điều gì đó khác biệt trong sự nghiệp ca hát. Tôi trăn trở điều đó nhiều năm nay rồi và cũng đã thử rất nhiều cách với mong muốn tìm ra một lối đi riêng. Có điều, bài toán mà tôi đặt ra có vẻ hơi khó “nhằn”, vì tôi muốn dù hát dòng nhạc nào, kết hợp với ai đi chăng nữa thì cuối cùng trong đó vẫn có một chút dáng dấp của thính phòng.

“Tôi là người thợ lò” gây ấn tượng mạnh khi quay lại những hình ảnh đời thực nhất về những người công nhân mỏ

“Tôi là người thợ lò” gây ấn tượng mạnh khi quay lại những hình ảnh đời thực nhất về những người công nhân mỏ

- Chưa thể kết duyên với nhạc trẻ, thế mà bất ngờ anh chuyển hướng sang hát nhạc xưa. Hẳn là sự rẽ hướng này có lý do?

- Trong vài ba năm tìm tòi làm mới phong cách âm nhạc, tôi nhận ra giọng hát mình chỉn chu về kỹ thuật và tìm thấy cảm xúc thăng hoa ở dòng nhạc thính phòng. Nhưng sự tinh tế thì chưa đủ để bén duyên với các dòng nhạc mềm mại khác. Tôi tập cách sống chậm lại, tĩnh tâm hơn. Đúng lúc đó, tôi nghĩ đến việc hát nhạc xưa khi thấy bản thân đã đủ độ va vấp, trải nghiệm và sẵn sàng thả lỏng hơn trong cách hát. Sau khi làm xong album “Vết xưa”, tôi đưa một vài người bạn nghe và ai cũng đều thốt lên ngạc nhiên: “Đây là Tiệp hát thật à? Tiệp mà hát được loại nhạc mềm thế này à?”.

- Nghe anh hát nhạc xưa quả thực rất khó tin đó là Phúc Tiệp, có điều đôi chỗ vẫn nhận ra anh bởi thấp thoáng hơi thở của nhạc thính phòng. Có vẻ như anh cố ý tạo ra màu sắc âm nhạc đó?

- Tôi đã “lăn như bi” tìm đến các nhạc sĩ không liên quan gì đến âm nhạc thính phòng với mong muốn làm mới mình. Song dù “lăn” đến đâu, tôi luôn kiên định với suy nghĩ, mình có thể làm một sản phẩm âm nhạc khác, mới mẻ và mới lạ, nhưng trong đấy phải là chính mình chứ không thể là người khác được. Chứ nếu như biến thành người khác thì những giá trị mà tôi tạo được hơn 20 năm nay bằng âm nhạc thính phòng coi như đổ sông đổ bể. Thế nên, việc lồng ghép chất thính phòng trong nhạc xưa là chủ ý của tôi. Tôi đã phải tiết chế khoảng 70% chất giọng của mình khi hát dòng nhạc này, giống như một người bình thường có giọng nói hào sảng, nhưng giờ đây phải nói nhỏ lại, chậm lại, sao cho vẫn đảm bảo độ tròn vành rõ chữ và giàu cảm xúc.

- Nhiều người tò mò về việc sau khi tìm đến không ít nhạc sĩ tên tuổi để giải bài toán âm nhạc thì đến khi làm album nhạc xưa, anh lại chọn hợp tác với những tài năng âm nhạc “tay ngang”?

- Đúng là những người mà tôi hợp tác để làm ra album nhạc xưa lần này không phải những tên tuổi, nhưng họ đều là những tài năng “ở ẩn” và thứ họ có còn là sự đam mê cuồng nhiệt với âm nhạc. Ví dụ guitarist Mèo Ú (Trương Xuân Thủy) chưa từng học qua một trường lớp đào tạo bài bản nào về âm nhạc mà vốn là sinh viên trường Ngoại giao nhưng chơi đàn lại rất có hồn và cảm xúc. Kênh Youtube của guitarist này thu hút hàng triệu lượt theo dõi. Một guitarist khác là Đạo Nguyễn hiện đang là chủ nhiệm một phòng trà ở Hà Nội. Tôi nghĩ hát nhạc xưa càng đơn giản, gần gũi, tự sự bao nhiêu, càng dễ chạm được đến cảm xúc người nghe bấy nhiêu. Thế nên ở album này, tôi muốn bắt tay với những người mà tiếng đàn, tiếng nhạc mà họ đánh lên lại rất tự nhiên, có sức lay động tâm hồn thay vì “trưng trổ” về mặt kỹ thuật.

- Với anh, liệu có phải hát nhạc xưa chỉ là cuộc dạo chơi trong âm nhạc? Sau nhạc xưa, anh định sẽ hát nhạc gì?

- Nhạc xưa có thể nói là cuộc chơi của tôi trong âm nhạc, giống như tựa đề album “Vết xưa” vậy - một vệt sáng vút lên, một dấu vết để lại. Với tôi, việc chinh phục nhạc xưa không hề dễ chút nào. Kỹ thuật thanh nhạc thì đơn giản, cái khó nhất là làm sao hát để ra được tinh thần ở bên trong ca khúc. Tôi muốn có một Phúc Tiệp hát dòng nhạc này khác biệt với những người khác. Còn sau album này, tôi đã nghĩ đến việc hát nhạc Đoàn Chuẩn Từ Linh, nhạc Phú Quang… nhưng tôi sẽ chọn hát những bài ít người hát, chưa được phổ biến, rất hay và đậm chất tự sự.

Mạo hiểm quay MV ở bối cảnh “ăn cơm dương gian, làm việc địa phủ”

- Không chỉ gây bất ngờ khi bén duyên nhạc xưa, anh còn khiến không ít người “choáng váng” khi trình làng cả MV vô cùng đặc biệt “Tôi là người thợ lò”. Sự đặc biệt đầu tiên phải kể đến là việc MV được quay ở mỏ than sâu 175m dưới lòng đất. Từ đâu mà anh có ý định táo bạo này?

- MV được ghi hình từ năm 2019, trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng phải đến bây giờ tôi mới chọn được thời điểm phù hợp để ra mắt khán giả. Cách đây 3 năm, tôi nhận lời tham gia chương trình truyền hình thực tế “Sống ở mỏ” phát trên sóng VTV3 nên có dịp trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và công việc thường nhật của một công nhân mỏ, từ khoan vỉa than, ngồi nặn “bua mìn”, nổ mìn, vác thiết bị nặng vài chục kg xuống hầm sâu, sửa chữa, vận hành máy móc trên mặt đất… Khi nhận lời mời tham gia chương trình này, tôi đã nghĩ tới việc sẽ làm MV “Tôi là người thợ lò” quay lại những hình ảnh đời thực nhất về những người công nhân mỏ và cả trải nghiệm của mình khi sống, làm việc cùng với họ. Khác với những MV trước đó chỉ làm mang tính ước lệ, tôi muốn làm ra một MV giúp mọi người hiểu rõ về sự lao động của những người công nhân mỏ.

- Đây quả thật là một trải nghiệm để đời vì từ trước đến nay chưa có nghệ sĩ nào xuống tận lòng đất sâu như vậy để quay MV cả. Tới giờ nghĩ lại, cảm giác của anh khi đó thế nào?

- Thật ra, người bình thường mà xuống hầm lò sâu 70 - 80m và lâu khoảng 2 - 3 tiếng là không chịu nổi. Tôi đã theo chân các công nhân xuống hầm sâu tới tận 175m, kinh qua đủ các công việc mà họ làm 8 tiếng/ngày và nhiều lần xúc động rơi nước mắt vì những hy sinh thầm lặng nhưng lớn lao của họ. Trước khi xuống đó, tôi cứ hình dung dưới lòng đất kia là than bùn nên những người công nhân khi trở lên ai cũng đen sì đen sịt, người ướt sũng như vừa mới nhúng từ vũng bùn lên vậy.

Song thực tế không phải thế. Toàn bộ địa tầng bên dưới hầm lò kia là những vỉa than. Ở đó, các công nhân thở qua đường dẫn ôxy chạy từ trên mặt đất, bụi khủng khiếp mỗi khi có mũi khoan được vận hành… Mồ hôi quện với bụi than khiến ai nấy đều lấm lem từ đầu xuống chân, cho đến khi ra khỏi hầm lò chỉ còn mỗi hàm răng là trắng. Hình ảnh những người công nhân mỏ bước lên mặt đất, dốc ủng ra là òng ọc nước, đó chính là mồ hôi của họ chảy ra sau 1 ngày làm việc. Thế nhưng, tất cả đều rất yêu đời và lạc quan. Trong MV này, họ cũng xuất hiện với nụ cười, ánh mắt cực kỳ đời thường và chân thật.

- Anh có sợ không khi mạo hiểm xuống tận lòng đất sâu như vậy?

- Tôi và toàn bộ mọi người bao gồm đạo diễn, quay phim, kỹ thuật... trước khi xuống hầm lò đều phải ký cam kết đó là hoàn toàn tự nguyện. Nếu rủi ro xảy ra chuyện gì thì hoàn toàn chấp nhận, không khiếu nại. Tôi trộm nghĩ, người chết chỉ chôn sâu vài ba mét, nhưng các công nhân mỏ làm việc sâu tới tận 175m, thậm chí có những hầm lò sâu đến vài trăm mét. Người ta có câu “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” là để nói về công việc của những người thợ lò là vì thế. Trong hầm sâu và tối, chỉ cần tắt chiếc đèn pin đeo trên đầu thì không gian xung quanh đã giống như âm phủ rồi. Khi đó, tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao để có thể ghi lại sự hy sinh của họ trong MV này. Có lẽ nó lớn hơn nỗi sợ.

- Sau 2 sản phẩm rẽ ngang này, anh còn định gắn bó chung thủy với thính phòng như hơn 20 năm qua không?

- Tôi luôn tự nhắc mình vẫn là một ca sĩ thính phòng, dù làm gì đó khác biệt thì cuối cùng vẫn cứ mang màu sắc đặc biệt của thính phòng. Giống như cái cây âm nhạc có thể chiết thêm nhiều cành, nhưng gốc rễ vẫn cứ là nhạc thính phòng.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!