Giêng hai lên với Tả Phìn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhớ cách đây mấy năm, tôi có dịp lên Sa Pa, bữa ấy mới ra giêng nên mắt nhìn cũng nhiều… hấp háy. Đang mải mê ngắm váy Mông, váy Dao ngoài phố chợ chợt bắt gặp câu nói của họa sĩ Tô Ngọc Thành (con trai út của danh họa Tô Ngọc Vân): “Các cậu vào Tả Phìn đi, tha hồ mà ngắm người thêu váy”.
Các bà các cô ngồi thêu váy

Các bà các cô ngồi thêu váy

Hoa đẹp…

Đường vào xã Tả Phìn khá dễ đi. Nếu không đi xe riêng thì đã có xe buýt từ trung tâm thị xã Sa Pa (Lào Cai) vào tới tận giữa xã, độ trên 10 cây số. Đây là một xã của bà con dân tộc Dao đỏ ở Sa Pa. Tả Phìn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đậm bản sắc dân tộc, thu hút du khách bởi vẻ hoang sơ, mộc mạc.

Người Dao đỏ ở Tả Phìn còn có nhiều đặc sản, mà đặc sản nhất là “món” tắm thuốc. Theo họa sĩ Tô Ngọc Thành cho biết thì từ rất lâu người Dao đỏ đã có bài thuốc này. Lá thuốc được lấy trên rừng và ban đầu chỉ là để dùng cho sinh hoạt gia đình. Nhưng nhận thấy những giá trị rất hợp với làm du lịch nên nhiều năm nay bà con đã nhân rộng nó ra thành một khâu của du lịch cộng đồng.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành dẫn chúng tôi vào thăm một nhà người quen ở ngay bến xe Tả Phìn, đó là nhà cô Lý Lở May (cô May là con thứ nên theo phong tục người Dao tên đệm chữ Lở, con lớn thì đệm chữ Tả). Cô May là cán bộ phụ nữ bản và đã “lọt mắt xanh” ông họa sĩ Thành nên mấy lần ngồi làm mẫu cho ông vẽ. Tôi hỏi: “Bác quen cô May bằng cách nào?”. Họa sĩ Tô Ngọc Thành thủng thẳng: “Tớ gặp cô ấy dưới chợ Sa Pa. Hôm đó cô May chở hoa lan xuống chợ bán, tớ thấy hay hay bèn lại gần hỏi mua rồi lẽo đẽo đi theo một đoạn đường dài. Được cô ấy gật đầu làm mẫu nên quen. Quen rồi thì vẽ một lần chưa đủ thì gạ tiếp để vẽ những lần sau”.

Địa lan Tả Phìn

Địa lan Tả Phìn

Nhà cô May gồm 3 gian, gian nào cũng rộng nên khá thoáng. Ấn tượng đập ngay vào mắt chúng tôi là những bức ảnh chụp cô cùng những tấm giấy khen của UBND huyện, của Hội phụ nữ huyện treo khắp nhà. Cô May ngoài làm công tác phụ nữ ra thì hàng ngày ngồi đạp máy khâu cắt vá quần áo, nhưng việc chính là trồng địa lan. Vườn lan ở ngay sau nhà, muốn tới phải đi vòng qua mấy buồng tắm thuốc.

Đó là một khu vườn như mọi khu vườn với những hàng rào tre ngăn cách với các vườn nhà khác, chỉ có điều trong đó bố trí rất nhiều chậu gốm sứ đặt trên những chiếc kệ. Sau một hồi ngắm nghía, tôi hỏi May: “Sao cô không trồng địa lan dưới đất mà toàn trồng trong chậu?”. Cô May phá lên cười, nghe điệu cười ấy tôi biết mình ngây ngô quá. Cười xong cô bảo: “Địa lan trồng trong chậu để tiện chở đi bán thôi. Ai muốn mua tại vườn cũng được. Trả giá xong thì cứ việc bê ra xe mà chở đi”. Ôi chao, sao mà tôi thấy mình “quê” đến thế. Đúng là địa lan trồng trong chậu tiện đủ đường. Tiện cho chăm sóc, tiện cho cắt tỉa và nhất là tiện cho chuyên chở.

Cô May cho hay, mỗi chậu địa lan thường có từ 10 - 20 cây tùy vào kích cỡ chậu. Tôi hỏi thêm: “Giá bán thế nào? Có tính tiền chậu không?”. Cô May lại cười: “Bán cả chậu chứ không bán riêng hoa hay riêng chậu. Chả nhẽ bán riêng hoa thì người mua phải nhổ cây lên à?”. Lại “quê” nữa, nhưng tôi hỏi cố: “Vậy giá bán thế nào?”.

Bấy giờ họa sĩ Tô Ngọc Thành mới tủm tỉm xen vào: “Bán là bán theo hoa. Nghĩa là cứ mỗi nhành hoa được bán với giá 1 triệu/nhành, chậu nhiều nhành thì nhiều triệu. Ví như chậu này (ông họa sĩ chỉ vào chậu hoa ngay cạnh tôi) có 15 nhành thì bán 15 triệu đồng”. Tôi đảo một lượt nhìn quanh vườn, có khoảng hơn 20 chậu hoa, mỗi chậu trên 10 cây, mỗi cây chỉ cần trổ 1 nhành hoa là đủ. Vị chi cả khu vườn địa lan nhà cô May này sẽ thu về trên 200 triệu đồng. Trừ chi phí đi cũng còn được hơn 100 triệu. Làm ăn lớn quá!

Và người đẹp

Đang ngẩn người hạch toán thu chi thì tôi nhận được cái kéo tay, ông họa sĩ họ Tô nói: “Giờ đi xem thêu váy. Muốn ngắm địa lan thì phải đợi cuối năm”. Đúng như họa sĩ Tô Ngọc Thành vừa nói, khu vườn bây giờ chỉ còn những chậu địa lan mới được trồng dành đón Tết năm sau.

Khu vực “gái đẹp ngồi thêu váy” như họa sĩ họ Tô khái quát vốn trước kia là dãy nhà kho hợp tác đối diện với khoảng sân rộng ở trung tâm xã. Giờ đây dãy nhà đó được chia thành các gian nhỏ, hoặc bán tạp hóa hoặc là làm dịch vụ. Trời vừa quang mây, không gian ấm hẳn lên, đó mới là lúc các bà, các cô trong bản tụ tập ra ngồi trên bậc hè chăm chú thêu thùa. Thấy chúng tôi bước lại gần, mấy cô gái trẻ ngước mắt lên nhìn lúng la lúng liếng. Cử chỉ ấy đến người vô tâm nhất cũng phải xao xuyến.

Tôi định lại gần hơn thì họa sĩ Tô Ngọc Thành ngăn lại: “Đừng đến gần quá kẻo các cô ấy dừng thêu thì… mất ngắm”. Đúng là “xem tranh thì phải xem xa”, các bà, các cô gái người Dao ngồi trên bậc hè thêu váy hệt như một bức tranh sinh động. Bộ quần áo đủ màu sắc, những gương mặt tươi như hoa, những tấm vải, những sợi chỉ thêu sặc sỡ… tất cả tạo thành một bức tranh chân thật nổi bật giữa cái nền rừng xanh núi thẳm. Đẹp! Đẹp tuyệt! Chúng tôi chẳng ai bảo ai đều rút điện thoại ra để định… làm mấy kiểu.

Nhưng tức thì các bà các cô đều dừng tay và quay mặt đi, có nhiều cô xinh xinh còn lảng sang chỗ khác. Hỏi ra mới biết, lẽ gì người ta ra đây ngồi thêu váy để các ông chụp miễn phí rồi đăng lên Facebook à? Nghe ra cũng thấy có lý, đơn giản là vì bây giờ là thời buổi thị trường rồi. Muốn đến gần chụp ảnh thì phải làm quen đã. Cách làm quen, như ông Thành ghé tai nói thầm, thì cũng rất đơn giản. Đó là hỏi mua một vài thứ đồ gì đó, vừa là làm quà lưu niệm, lại có cơ hội hỏi chuyện. Hỏi chuyện thân thân rồi mới đề nghị được chụp vài kiểu ảnh. Cũng có lý và phải như thế mới có lý.

Nắng xuân mở ra, gió giêng hai mát rượi, thoảng trong gió là mùi thơm của hoa đào, hoa lan nở cuối vụ. Tôi cảm thấy mãn nguyện sau khi đã chụp được mấy kiểu ảnh ưng ý. Chợt trong lòng thầm nhủ, nhất định mùa xuân năm tới sẽ trở lại Tả Phìn để thưởng hoa địa lan và ngắm được nhiều người đẹp hơn.