Giấy phép lái xe quốc tế sẽ có hiệu lực ở 73 quốc gia

ANTĐ - Từ năm 2015, Công ước Vienna về giao thông đường bộ bắt đầu có hiệu lực ở Việt Nam. Theo đó, giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế do Việt Nam cấp sẽ có hiệu lực ở 73 quốc gia. Để làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết:

Giấy phép lái xe quốc tế sẽ có hiệu lực ở 73 quốc gia ảnh 1Giấy phép lái xe quốc tế dự kiến sẽ được cấp vào quý I-2015

- Theo dự kiến, từ đầu năm 2015, Việt Nam sẽ cấp GPLX quốc tế và được sử dụng ở 73 quốc gia. Việc cấp GPLX quốc tế sẽ giúp người dân đang lao động, học tập tại nước ngoài không phải thi lại để lấy GPLX nước sở tại khi đã có GPLX tại Việt Nam và ngược lại. 

- PV: Lợi ích trong việc tham gia Công ước Viena về giao thông đường bộ như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Huyện: Công ước này cho phép người lái xe của 73 quốc gia tham gia Công ước được phép lái xe qua biên giới hoặc lái xe bên ngoài lãnh thổ quốc gia đăng ký với điều kiện chấp hành đầy đủ quy định về ATGT. Người lái xe chỉ cần trình GPLX xe có thời hạn giá trị và hợp lệ do quốc gia thành viên nơi người lái xe cư trú cấp cùng với giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc giấy tờ chứng minh quyền được sử dụng chiếc xe đang lái.

Tại Việt Nam, các biển báo và tín hiệu về giao thông đường bộ, GPLX cơ giới đường bộ sẽ được chuẩn hóa theo Công ước Vienna. Khách nước ngoài khi đến Việt Nam sẽ được sử dụng GPLX do cơ quan có thẩm quyền từ các nước tham gia Công ước Vienna cấp, mà không phải đổi sang GPLX Việt Nam.

- Không ít công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài thắc mắc, họ về nước thi lấy GPLX có được không và trường hợp đã có GPLX nước sở tại cấp thì về Việt Nam sẽ chuyển đổi như thế nào?

 - Tất cả công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài muốn thi lấy GPLX ở Việt Nam sẽ phải chấp hành theo Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ của Việt Nam. Sau khi được cấp GPLX quốc tế, công dân đó được lái xe bình thường ở các quốc gia đã tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ.

Trường hợp công dân ở bất kỳ nước nào trong số 73 quốc gia mà chúng ta tham gia Công ước Vienna đã có GPLX của nước sở tại, khi đến Việt Nam sẽ được cấp đổi một GPLX, tùy theo thời gian  lưu lại trong nước. Còn nếu họ đã có GPLX quốc tế thì sẽ sử dụng GPLX đó bình thường.

 - Tiến độ xây dựng thủ tục để cấp GPLX quốc tế đã đến đâu và cơ quan nào sẽ tiếp nhận thủ tục để cấp GPLX quốc tế?

- Tới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ trình Bộ GTVT xây dựng Thông tư quy định việc cấp GPLX quốc tế về các thủ tục, cơ quan cấp, cũng như các quy định khác. Đầu năm 2015, khi Bộ GTVT ban hành Thông tư này thì tất cả các đơn vị sẽ thực hiện theo. Tổng cục Đường bộ hoặc các sở GTVT đã được cấp GPLX bằng vật liệu PET sẽ được cấp GPLX quốc tế. 

- Hiệu lực của GPLX quốc tế  Việt Nam cấp là bao lâu và kinh phí như thế nào?

- GPXL quốc tế mà Việt Nam chuẩn bị triển khai cấp chỉ có giá trị trong 3 năm. Việc triển khai cấp đổi GPLX quốc tế phải đến cuối quý I, đầu quý II-2015 mới có thể thực hiện được, chi phí cấp đổi có thể ở mức 155.000 đồng.