Giáp Tết, nhiều trẻ em bị bỏng nặng do tự chế pháo nổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng ngày 6/1, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (tỉnh Quảng Ninh) thông tin, bệnh viện vừa tiếp nhận em T.Đ.A (15 tuổi, ở phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí) nhập viện với vết thương vùng bàn tay trái và hai mắt. Nguyên nhân ban đầu là do em tự chế pháo nổ dẫn đến tai nạn.

Theo thông tin từ gia đình em T.Đ.A , chiều ngày 5/1, em T.Đ.A. tự chế pháo tại nhà không may phát nổ. Gia đình đã nhanh chóng đưa em đến bệnh viện để cấp cứu.

Bác sĩ kiểm tra vùng mắt cho bệnh nhân sau tai nạn do pháo nổ. (Ảnh: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển)
Bác sĩ kiểm tra vùng mắt cho bệnh nhân sau tai nạn do pháo nổ. (Ảnh: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển)

Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng hai mắt có nhiều dị vật, bỏng giác mạc độ 1, vết thương bàn tay trái, bỏng xây xát da mặt độ 1-2. Bệnh nhân đã được các bác sĩ xử trí và đang tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.

Trước đó, bệnh nhi N.H.L, (14 tuổi, trú tại thị trấn Yên Sơn, Tuyên Quang) cũng nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng bỏng vùng đầu, mặt, cổ, bàn tay trái, chân trái… do tự chế pháo nổ. Bệnh nhân khác ở Phù Ninh, Phú Thọ, mua bột hóa chất về chế pháo, không may phát nổ, bàn tay bị xé đôi, dập nát.

Bé trai 14 tuổi nhập viện trong tình trạng bỏng vùng đầu, mặt, cổ, bàn tay - Ảnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang
Bé trai 14 tuổi nhập viện trong tình trạng bỏng vùng đầu, mặt, cổ, bàn tay - Ảnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang

Các bác sĩ khuyến cáo: Trước những ngày giáp Tết, trẻ vị thành niên thường hiếu động có thể làm theo hướng dẫn trên các trang mạng xã hội, tự chế pháo bằng diêm hoặc bằng một số chất dễ gây cháy nổ rất nguy hiểm. Khi pháo nổ sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn, thường gặp ở các vị trí đầu, mặt, cổ, tay… có thể gây phù nề, cản trở hô hấp, trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp. Bỏng vùng mặt cổ có thể để lại di chứng về thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng. Vì thế, các bậc phụ huynh, nhà trường cần theo dõi chặt chẽ cũng như thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra với các em.

Nếu chẳng may bị bỏng cần đưa vết bỏng dưới vòi nước hoặc vào chậu nước mát và sạch ít nhất 30 phút để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát. Không áp dụng các biện pháp truyền miệng như bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng, nước mắm, mỡ trăn hoặc các thảo dược để chữa bỏng. Sau khi sơ cứu, cần đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện để xử trí kịp thời.