Xung quanh đề xuất tuyển giáo viên Philippines tại TP.HCM:

Giáo viên người Việt không đủ “trình”?

ANTĐ - Việc Sở GD-ĐT TP. HCM sẽ cử đoàn cán bộ sang Philippines để trao đổi cụ thể việc tuyển 100 giáo viên tiếng Anh người Philippines, hưởng mức lương 2.000 USD/tháng, bởi giáo viên trong nước không đảm bảo chuẩn đã gây bất bình đối với đội ngũ giáo viên ở TP.HCM  và cả phụ huynh những người đương nhiên phải chịu 100% mức phí đó.

Nếu trả lương thỏa đáng, nhiều giáo viên Anh ngữ giỏi sẵn sàng quay lại bục giảng

Đề án khó hiểu

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Chủ trương tuyển 100 giáo viên người Philippines nằm trong khuôn khổ đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020” nhằm tạo môi trường ngôn ngữ, nâng cao năng lực nghe và nói tiếng Anh cho giáo viên và học sinh.

Việc các trường tự hợp đồng thông qua các trung tâm ngoại ngữ, có khi không rõ nguồn gốc giáo viên, năng lực sư phạm hạn chế dễ dẫn đến chất lượng chuyên môn chưa đảm bảo, sau nhiều năm thí điểm, chất lượng giao tiếp của cả giáo viên tiếng Anh người Việt và học sinh không nâng lên. Trong khi đó, việc tuyển dụng 100 giáo viên này có cơ sở pháp lý rõ ràng, các giáo viên có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành hệ chính quy và có các chứng chỉ về giảng dạy tiếng Anh. Bên cạnh đó, TP.HCM lại có sự hợp tác nhiều mặt với Philippines trong đó có giáo dục. Đại diện Sở GD-ĐT cùng Sở Nội vụ, Sở Tài chính... đã có chuyến làm việc nghiên cứu, thẩm định vào tháng 8-9/2012 trước khi có quyết định trên… Tuy nhiên khi ông Sơn chính thức công bố thông tin này, đã gây nên phản ứng mạnh từ dư luận.

 

TS. Nguyễn Văn Đường – Đại học Nông Lâm TP.HCM cho rằng: “Học tiếng nước ngoài là phải chuẩn mực, học phải hiểu cả văn hóa của họ, nên cách tốt nhất là học với người bản xứ. Đối với người Philippines, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, cách phát âm chắc chắn không bằng người Anh, Australia, Mỹ… việc tuyển giáo viên người Philippines dạy cho học sinh tiểu học càng phải cân nhắc kỹ lưỡng, bởi học sinh sau này có thể sẽ nói tiếng Anh như người Philippines”.

Anh Trần Ngọc Dương, tiếp viên hàng không Vietnam Airlines nói:  “Tôi thấy người Philippines phát âm tiếng Anh chẳng khác người Việt chúng ta, tất nhiên họ lưu loát hơn vì ở nước họ sử dụng tiếng Anh nhiều hơn chúng ta, nhưng không có nghĩa là họ phát âm chuẩn xác như người bản ngữ”. Cô giáo Vũ Thu Huyền – giáo viên tiếng Anh trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp cũng bức xúc: “Nếu chỉ tuyển giáo viên người Philippines để hỗ trợ và nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh người Việt là không cần thiết, nhất là mức chi phí quá cao, thù lao 2.000 USD/tháng, với 35 tiết dạy, tính ra hơn 50 USD/tiết”. 

Lý lẽ không thuyết phục

Tại sao TP.HCM không tuyển giáo viên người bản ngữ như Anh, Australia, Mỹ, Canada... lại sang Philippines tìm giáo viên? Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM lý giải: Sở đã khảo sát và nhận thấy, giáo viên người Australia yêu cầu mức thù lao 5.000 USD/tháng, người Anh thì 10.000 USD/tháng, trong khi giáo viên Philippines chỉ 2.000 USD/tháng.

Tại Philippines, tiếng Anh là một trong hai ngôn ngữ chính thức, nó không chỉ được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày mà trong ngôn ngữ hành chính. Khi PV hỏi: Sở có hay không chính sách tuyển giáo viên người Việt có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn từng học ở nước ngoài, giáo viên người Việt liệu có được hưởng mức lương 2.000 USD không? Ông Chương cho biết: Với giáo viên giỏi tiếng Anh người Việt, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài lại không thiết tha với mức lương cũng như áp lực giảng dạy, giáo án, họ bảo làm ngoài lương cao hơn, thoải mái hơn. Vì thế việc làm này về bản chất là hết sức dân chủ, bởi TP.HCM cũng có thể tuyển người Việt học ở những nước nói tiếng Anh, hoặc cũng có thể tuyển những giáo viên bản ngữ Mỹ, Anh, Australia… nếu họ chấp nhận mức kinh phí tương tự.

Trong khi đó, chị Võ Thị Vân, Thạc sỹ chuyên ngành tâm lý giáo dục ở Anh về tâm sự: Nếu TP.HCM trả cho tôi mức lương “khủng” như vậy, tôi sẵn sàng bỏ ngân hàng để quay lại với nghề mà tôi từng học, từng gắn bó và mong được đứng trên bục giảng. Tuy nhiên điều cản trở nhất vẫn là các thủ tục tuyển dụng rất “tréo nghoe”. Tôi học đại học Sư phạm ở Việt Nam, học thạc sỹ tâm lý ở Anh mà khi dự tuyển, vẫn bắt tôi phải học 3-6 tháng để có chứng chỉ phương pháp sư phạm, chứng chỉ khóa học tâm lý sư phạm… cứ máy móc như vậy làm sao thu hút được người có trình độ. TS. Vũ Thị Phương Anh - Hiệp hội các trường Đại học ngoài công lập cũng đồng tình: Chỉ cần trả 1.000 USD/tháng thôi, rất nhiều giáo viên Việt Nam sẽ dự tuyển, bởi truyền thống người Việt, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, có ai lại nỡ quay lưng với nghề…