Giành giật và mất mát: ai khổ hơn ai?

ANTĐ - Trong thẳm sâu tâm hồn mình, tôi biết mình là một người mẹ không tốt. Tôi đã đánh trượt cơ hội được nuôi con và rồi ngày càng xa con trai yêu dấu.

Các anh chị kính mến!

Trong thẳm sâu tâm hồn mình, tôi biết mình là một người mẹ không tốt. Tôi đã đánh trượt cơ hội được nuôi con và rồi ngày càng xa con trai yêu dấu. Tôi, cả tin và ngây thơ, tin vào sức mạnh của tình yêu. Và tôi không nghĩ, chồng tôi lại là kẻ mưu mô và phản trắc, tìm mọi cách để giành phần thắng về mình.

Nếu bạn biết cách đây hai chục năm, người đàn ông tài hoa, thành đạt được nhiều người yêu quý trong thành phố này chỉ là một sinh viên ốm đói nặng hơn bốn chục ký lô và lúc nào ánh mắt cũng chớp chớp sợ sệt, thì bạn sẽ không nghĩ rằng tôi nói xạo. Khi ấy, tôi học cùng khoa, gần như là đứa con gái duy nhất để mắt đến anh. Dù tôi biết, anh hay dấm dúi làm thơ tặng những cô gái khác, gửi qua thư hay hộc bàn. Anh biết làm thơ, có tài ca hát, mấy cái tài lẻ sinh viên khiến các cô gái ưa thích, nhưng thường thì chẳng bền lâu và khá vô tích sự khi bước vào đời. Những cô gái khoa tôi khi ấy có nhiều sự lựa chọn. Những anh chàng bảnh bao, con ông cháu cha. Những anh chàng có gia đình Việt kiều lặng lẽ gửi tiền về, hàng tháng đi mua đồ và quần áo hiệu con cá sấu mặc thả cửa.

Và cả những anh chàng là tài tử, bạn có thể thấy họ trong những bộ phim hay vở kịch ngoài rạp. Họ không phải là sinh viên, nhưng hàng tuần họ lượn lờ ký túc xá trường sư phạm để tặng hoa các cô gái, mời họ đi coi phim hay đôi khi chỉ là đi công viên uống nước sâm và ăn vài cuộn bò bia. Nhưng với chúng tôi, khi ấy đi với diễn viên là niềm hạnh phúc. Cô gái nào yêu được chàng công tử hào hoa là thấy tự hào. Chỉ có tôi âm thầm ở bên cạnh anh, chàng trai nghèo gầy xác. Về sau, đã có lần anh kể với một anh bạn làm phóng viên về điều đó. Và hình ảnh tôi trên tờ báo đó như một... nữ thần, đầy hy sinh và “có đôi mắt xanh” nhìn ra được tài năng trong con người anh. Đến giờ, nghĩ lại tôi bật cười, kèm chút cay đắng. Còn khi đó tôi không khỏi xúc động, tôi đã ôm lấy anh và hôn lên mái tóc của anh. Tôi thực sự hạnh phúc.

Nhà tôi khi ấy không giàu. Mẹ tôi bán thực phẩm. Các chị gái tôi mỗi người mỗi nghề và góp sức nuôi nhau. Cuộc sống không giàu có nhưng tiệm tùng nền nép. Mỗi ngày, tôi hay nấu cơm cho cả nhà vào buổi sáng, rồi lén cho vào cà mèn đồ ăn để mang vào ký túc xá cho anh. Khi ấy, anh toàn ăn mì gói trừ cơm, bữa trưa đạm bạc vô tận. Quê anh ở Phú Yên, năm nào cũng mất mùa hay bão lụt. Thậm chí có năm, mẹ anh còn phải chạy lụt, ghé ký túc xá của con trai tá túc vài hôm. Mỗi khi tôi mang cơm vào ký túc xá, đám bạn lại cười. Nhưng anh thì thích lắm. Nhìn anh ăn cơm xong, lại ôm đàn hát cho tôi nghe một bản tình ca, tôi cảm thấy mọi mệt nhọc tan biến. Khi ấy, tôi cũng có tham gia đội văn nghệ của trường, và tôi đã từng là một hoa khôi. Thế nên, nhiều người rất ngạc nhiên vì sao tôi lại yêu anh. Chỉ có tôi biết tôi yêu anh vì sự hiền lành chăm chỉ đó.

Ngày chúng tôi cưới nhau, tất cả mọi người đều ngỡ ngàng. Mẹ tôi cũng bần thần mất cả tuần. Không nỡ cản con gái nhưng dường như trực giác của mẹ nhắc nhớ điều gì đó, bà cảm nhận được cuộc hôn nhân của chúng tôi không bền. Sau này mẹ tôi nói, nhìn cái khóe miệng như túm lại, mẹ biết đây không phải là người sang cả. Nó sẽ sống ích kỷ và sẽ giành giật mọi thứ của người khác bằng được, nếu nó muốn. Nhưng lúc đó con yêu rồi, sướng khổ đời con chịu, như cái lẽ đời ông trời bắt tội, mẹ có cấm cản thì con cũng sẽ tìm đường khác để vượt qua và lao đến mà thôi. Mẹ nói mãi về sau cơ, chứ khi ấy có ai cản thì tôi cũng vẫn yêu anh. Tôi là vậy. Cả tin đến vụng dại. Nên hay chịu thiệt thòi.

Chúng tôi cưới nhau được 8 năm thì tôi, nghỉ việc dạy học, ở nhà chăm sóc cậu con trai lên 3. Sở dĩ cưới 8 năm mà con trai tôi mới 3 tuổi là vì 5 năm đầu tiên chúng tôi chung lưng đấu cật để lo lắng cho sự nghiệp của anh. Khi đó mẹ anh đã bán toàn bộ ruộng vườn ở Phú Yên để vào Sài Gòn, gom góp mua được một miếng đất ở ngoại ô Thủ Đức và tôi bán hết tất cả nữ trang trong ngày cưới, cộng với vay đỡ của họ hàng cất được một căn nhà cấp bốn. Chốn an cư đã có, nhưng cũng phải đi làm trả nợ và cũng phải kiến thiết cuộc đời. Tôi làm dâu người phụ nữ miền Trung ấy, không phải đắng cay muôn phần. Bà mẹ chồng cũng thương con dâu, nhưng cách nghĩ cách sống chặt chẽ của bà làm tôi lắm khi phát mệt.

Nhiều khi tôi nhủ thầm, có lẽ bởi bà chiu nhiều cay cực, mưa bão giành giật cuộc sống với con người nên lúc nào bà cũng rơi vào tư thế phải “thủ sẵn”. Chồng tôi ra trường được 3 năm thì bắt đầu chuyển qua làm cho một công ty nước ngoài. Ngoại ngữ tốt, cộng với sự chăm chỉ, anh là hình mẫu cần có của những công ty nước ngoài đang tìm kiếm lao động bản địa có trình độ, để quản lý một lớp người phía dưới, vốn chủ yếu là lao động chân tay. Nhận lương bằng đô la, anh đi làm chăm chỉ, cuộc sống của chúng tôi vì thế ổn định nhanh chóng. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến tôi yên tâm nghỉ việc dạy học sau gần chục năm đi dạy. Tôi yên tâm ở nhà chăm con và nghĩ rằng mình sẽ làm thêm một việc gì đó như thêu thùa hay... chụp hình, công việc để vui và có thời gian để chăm sóc gia đình. Tôi không ngờ đó là nguyên nhân khiến gia đình tôi tan vỡ.

Tôi thừa nhận, sau này khi nghỉ làm, ở nhà tôi hay có suy diễn và rồi có những cơn ghen lắm khi phát cuồng. Nhưng càng về sau tôi càng thấy đúng. Anh có tiền, mọi thứ đổi thay. Khi anh bắt đầu chuyển qua công ty mới, cùng góp cổ phần và nhanh chóng trở thành ông chủ, thì sự thay đổi càng rõ rệt. Tôi bắt đầu theo dõi và thậm chí thuê cả thám tử, phát hiện ra anh đã cặp kè và có bồ với rất nhiều cô người mẫu, nơi công ty anh thường xuyên cộng tác để tổ chức các tour biểu diễn. Anh cũng bắt đầu có một vài bài hát được các ca sỹ hát trên sân khấu và trên tivi. Người ta hay gọi anh là doanh nhân nghệ sỹ. Có lần, tôi bắt quả tang anh dẫn gái vào khách sạn. Và tôi làm trận lôi đình. Thực sự tôi không chịu đựng nổi cảm giác bị phản bội. Tôi làm chồng tôi bẽ mặt giữa chốn đông người. Và đó là lý do khiến chúng tôi chia tay. Mẹ chồng tôi thương cháu, hàn gắn mọi điều. Nhưng chồng tôi sĩ diện và tự ái, kiên quyết ly hôn. Chúng tôi ra tòa và đương nhiên tôi được quyền nuôi con, vì cháu còn quá nhỏ. Tôi ôm con về nhà mẹ đẻ, khóc lớn như một cơn mưa.

Đúng là khi có tiền người ta dễ đổi thay, câu này ngàn đời vẫn đúng. Chồng tôi là một điển hình như thế. Và me chồng tôi, như một người sẵn sàng làm mọi việc vì con, vì dòng giống, là người tư vấn nhiệt thành nhất để chồng tôi tìm mọi cách giành quyền nuôi con. Tôi ở nhà, phụ mẹ tôi bán hàng tạp hóa, cuộc sống bần hàn nhưng con trai tôi lúc nào cũng vui. Cuối tuần, tôi chủ động đưa con về nhà nội để cháu không bị xa cách. Tôi không ngờ, mọi chuyện bắt đầu từ những câu nói bi bô của con trẻ. Khi tôi có những chuyến đi xa trong câu lạc bộ sáng tác nhiếp ảnh nghiệp dư, tôi cũng gửi con qua nhà nội.

Cũng nói thêm là khi chia tay nhau, tôi rất buồn, tôi lấy chiếc máy ảnh cũ của ba tôi để đi chụp hình cho vui. Tôi được các chị gái trong nhóm nhiếp ảnh của thành phố dẫn dắt và thỉnh thoảng câu lạc bộ lại rủ nhau đi sáng tác vài ngày. Chụp hình xong, rửa ra, cùng bình luận, cuối năm chọn tham gia triển lãm. Hoàn toàn không phải là cái nghề kiếm sống. Nó là cái việc để mình quên sầu đi. Chồng tôi và luật sư của chồng nói, tôi không đủ điều kiện để nuôi con. Vì tôi không có công việc ổn định, không có thu nhập và cũng không có thời gian để chăm sóc con. Tòa đã tuyên anh được quyền nuôi con. Tôi gào lên như cọp cái. Tôi khóc âm ĩ trước tòa. Và tôi khóc ầm ĩ trước nhà chồng tôi nhiều ngày sau đó.

Nhưng tất cả đã kết thúc. Tôi phải chấp nhận sự thật, rằng tôi đã mất quyền được ở gần con.

Tôi uống rượu và khóc như mưa. Tôi thật là con đàn bà ngớ ngẩn.

Mẹ tôi ôm tôi khóc, thua trắng tay rồi con à. Mẹ biết, với những đứa như nó, khi muốn có gì sẽ có bằng mọi giá. Thôi đành chấp nhận đi con.

Tôi biết mình buộc phải chấp nhận. Nhưng sao cuôc đời tôi lại đắng cay đến nhường này. Ngày mai tôi sẽ sống ra sao?

Trần Dương Thịnh (30 tuổi, cán bộ nhà nước, quận Phú Nhuận, TP. HCM)

Tôi vẫn nghĩ rằng, luật pháp có sự công bằng, dù với trường hợp của chị, nghe có phần bất nhẫn. Nhưng đã là luật thì không thể khác. Chị thực sự không lo được một cuộc sống đủ đầy về vật chất cho con. Và vì buồn chán, chị cũng lại tìm quên bằng những chuyến đi. Tôi cho rằng những chuyến đi ấy là tốt đẹp, nhưng có vẻ như nó không phù hợp với một bà mẹ có con lên ba. Chồng chị, tất nhiên là người muốn chiếm hữu mọi thứ, và cũng giải quyết sĩ diện và tự ái nữa. Nhưng tôi nghĩ, anh ấy cũng không có quyền tước mọi thứ ở chị. Việc anh ấy nuôi con cũng không phải khiến chị mất trắng. Con chị vẫn ở đó và chị vẫn có quyền thăm và chăm sóc con bình thường, cái này là pháp luật bảo hộ. Anh ấy dù có tự ái và ích kỷ đến mấy, cũng không thể ngăn cản tình mẫu tử. Hãy tin vào điều đó và nhìn mọi thứ tích cực hơn. Chúc chị mọi điều may mắn!

Phan Hàn Lâm (25 tuổi, nhân viên kinh doanh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Việc chồng chị thuê luật sư để giành quyền nuôi con, nghe có phần cay đắng và nghiệt ngã. Tôi nghĩ nếu là người đàn ông rộng lượng thì sẽ chu cấp cho vợ con đầy đủ thay vì giành giật quyền nuôi con về phía mình. Chị có cái dở là không biết cách đối thoại với người cũ của mình. Nhưng thôi, bây giờ mọi chuyện đã thế rồi. Tôi nghĩ, có cãi vã hay tức giận cũng chỉ làm tình hình xấu đi và khi quan hệ của ba mẹ căng thẳng thì con chị sẽ là người gánh chịu tất cả. Chi bằng xoa dịu tình hình. Theo tôi biết, đến 10 tuổi, bé có quyền quyết định mình sống với ai. Ngày đó cũng không quá xa. Nhưng muốn bé sống với mình, chị hãy làm một bà mẹ tốt trước đã. Mong chị bình an…