Điều chỉnh chương trình, sách giáo khoa phổ thông:

Giảm tải có “đúng huyệt”?

ANTĐ - Đồng loạt thông báo những nội dung sẽ giảm tải cả 12 lớp phổ thông từ tiểu học đến THPT ở gần như tất cả các bộ môn là tín hiệu tích cực từ Bộ GD-ĐT đáp ứng mong mỏi của hàng triệu giáo viên, học sinh cả nước. Tuy nhiên, việc giảm tải này có đúng chỗ và đúng tinh thần được nêu hay không còn phụ thuộc nhiều vào sự lắng nghe của Bộ cũng như sự quan tâm, góp ý của xã hội.

Loại bỏ nội dung trùng lặp

Giảm tải sẽ giúp học sinh bớt  áp lực sách vở, tạo điều kiện giáo dục toàn diện

 Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, với nội dung và phạm vi giảm tải được đặt ra lần này thì đây sẽ là đợt chỉnh sửa chương trình và sách giáo khoa (CT-SGK) lớn nhất với tất cả các cấp học. Theo đó, việc giảm tải năm học 2011-2012 sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính. Nhóm thứ nhất là giảm tải những kiến thức được viết trong CT-SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau. Chẳng hạn như cùng một kiến thức đó được dạy ở cả môn sinh học, môn hoá học, công nghệ hay cùng một nội dung đó được dạy ở cả môn giáo dục công dân và cả hoạt động ngoài giờ lên lớp chủ yếu ở cấp THCS và THPT. 

Nhóm thứ hai là giảm tải những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dựng CT-SGK theo quan điểm đồng tâm. Nhóm thứ ba là giảm tải những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Ví dụ, Ở môn Địa lý lớp 6, bài 18 - Thời tiết, khí hậu và nhiệt độ không khí, câu hỏi 2 “Tại sao lại có sự khác nhau giữa khí hậu đại dương và lục địa?” được đánh giá là không phù hợp với học sinh lớp 6 và nội dung của bài không đủ kiến thức để trả lời.

Nhóm thứ tư là rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương. Ví dụ, đối với môn công nghệ thì ở các thành phố có thể dạy về kĩ thuật trồng cây cảnh hay kĩ thuật thuỷ canh thay vì phải dạy kiến thức về trồng cây gây rừng. Nhóm thứ năm là những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại. Ví dụ: Bài “Mỹ thuật thời Trần” của lớp 7 và bài “Một số công trình mỹ thuật thời Trần” trước đây được dạy cách nhau 8 tuần thì nay sắp xếp hai tiết này ở hai tuần liền nhau để giáo viên và học sinh thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị đồ dùng dạy - học và mạch kiến thức được liên tục, không ngắt quãng.

Có kịp triển khai năm học mới?

Đến thời điểm này, học sinh cả nước đã tựu trường bắt đầu năm học mới. Ngày 17-8, dự thảo nội dung giảm tải các cấp học đã được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến rộng rãi cán bộ, giáo viên. Nhiều ý kiến cho rằng, khi học sinh đã tựu trường mới xin ý kiến về giảm tải thì hơi chậm để triển khai luôn trong năm học này. Đến thời điểm này, một số giáo viên, trường Giảng Võ, Phan Chu Trinh… của Hà Nội đều chưa biết về việc được hỏi ý kiến góp ý cho dự thảo giảm tải CT-SGK. Với 12 lớp và ở tất cả các bộ môn thì rõ ràng việc lấy ý kiến, tập hợp, phân tích và lựa chọn để đưa vào tài liệu giảm tải chính thức lần này không thể thực hiện qua loa trong một vài tuần.

“Lâu nay chúng tôi thấy rằng việc viết SGK hay điều chỉnh giảm tải của Bộ GD-ĐT chưa hẳn đã xuất phát từ ý kiến của những người đứng lớp là những người trực tiếp sử dụng  CT-SGK và thực sự sâu sát với học sinh. Những góc nhìn thực tế nhiều khi khác với các nhà nghiên cứu ” - một giáo viên THCS ở Hà Nội cho biết. “Sau nhiều lần đóng góp nhưng chưa thấy có sự điều chỉnh theo yêu cầu, không ít tâm lý cán bộ, giáo viên có phần nản, không nhiệt tình với việc hỏi ý kiến bởi một phần là không hiểu cách thức làm việc của Bộ GD-ĐT”- giáo viên này cho biết thêm.

Còn theo ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết, việc rà soát CT-SGK để nâng cao chất lượng dạy học đã được thực hiện theo tiến trình nhiều năm nay. Tháng 5-2008, Bộ GD-ĐT đã tổ chức đánh giá toàn diện CT-SGK trên cả nước ở tất cả các môn học và lớp học. Năm 2009, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện CT-SGK cấp THPT. “Đến năm học này, chúng ta có đủ thời gian để chuẩn bị và tập hợp ý kiến, trí tuệ, tâm huyết của toàn ngành nên có thể thực hiện giảm tải một cách mạnh mẽ hơn bằng việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm” - ông Hùng khẳng định.

Tuy nhiên, ông Phạm Mạnh Hùng cũng cho rằng có thể trong năm đầu, do giáo viên và học sinh mới làm quen với tài liệu hướng dẫn nên việc triển khai tổ chức thực hiện ở một số địa phương, cơ sở giáo dục sẽ có những khó khăn ban đầu và có thể được khắc phục sau một thời gian thực hiện.