Giảm gánh nặng trĩu vai

ANTĐ - Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có vấn đề tiếp vốn, lãi suất thấp. Tới đây, Chính phủ sẽ điều hành theo hướng lạm phát giảm và xem xét giảm lãi suất theo xu hướng đó, đồng thời rà soát, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp trong năm 2013. Đó là thông điệp của Chính phủ trên Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra gần đây. Giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp đồng nghĩa với việc phải ổn định lạm phát cũng như giá trị VND, vì lãi suất là giá của tiền tệ. 

Bước sang năm 2013, theo các chuyên gia, nếu không điều hành linh hoạt, việc “neo” giữ tỷ giá quá lâu sẽ tạo nên sức nén và khi nó bật lên thì hậu quả khó lường. Không nên đưa ra biên độ tỷ giá “cứng” như năm 2012 vì nếu không thực hiện được cam kết ổn định tỷ giá sẽ gây bất ổn tâm lý thị trường. Giám đốc một trung tâm nghiên cứu kinh tế - tài chính nhấn mạnh việc duy trì lạm phát ổn định có ý nghĩa quan trọng gia tăng niềm tin cho thị trường. Ở một góc độ khác, việc giữ tỷ giá cố định suốt thời gian vừa qua, tuy có giúp Ngân hàng Nhà nước đối phó với lạm phát tốt hơn, nhưng sẽ tích tụ thêm khó khăn khi khu vực xuất khẩu thiệt hại do vượt quá điểm cân bằng giữa lợi ích và chi phí của việc “neo” giữ tỷ giá.

Quan điểm của Chính phủ là sẽ hạn chế việc tăng chi phí của doanh nghiệp, trong đó có cả thuế và phí. Năm nay, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng hạ thuế, đồng thời chỉ đạo rà soát, xem xét các khoản phí và lệ phí theo hướng không tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp lên tiếng kêu ca vẫn phải vay vốn cao hơn mức quy định. Khó khăn, đổ vỡ hiện nay một phần do chính sách, một phần khác do năng lực quản lý của doanh nghiệp.

Để giải cứu, gỡ khó cho doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị giảm lộ trình tăng, giãn thuế, phí và các loại lệ phí mới cũng như kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20% và khôi phục lại một số ưu đãi, đầu tư với doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đặt câu hỏi: Nếu hỏi doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn gì nhất và cần gì nhất? Câu trả lời hầu hết là: Cần lấy lại niềm tin. Doanh nghiệp đang cần một niềm tin và niềm tin chỉ có thể có từ sự minh bạch, nhất quán của chính sách. Vấn đề nợ xấu là đáng lo, nhưng không phải lo nhất. Có một thực tế hiển nhiên là, những doanh nghiệp tồn kho thấp nhưng công nợ phải thu lại lớn, không thu hồi được, thậm chí còn nguy hiểm hơn. Hiện, doanh nghiệp nợ xấu ngân hàng có thể thống kê được, song nợ xấu mà doanh nghiệp mắc nợ với nhau, các công trình Nhà nước còn nợ doanh nghiệp rất khó thống kê. 

Trong bối cảnh doanh nghiệp ngổn ngang, chồng chất khó khăn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, cần một môi trường cạnh tranh bình đẳng, cơ chế thông thoáng, loại bỏ các rào cản. Sự hỗ trợ về tài chính bao giờ cũng có giới hạn, nhưng sự cải cách thể chế, nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp mới là quan trọng. Đó mới thực sự là chia sẻ, giảm bớt gánh nặng trĩu vai doanh nghiệp.