Giảm áp lực nặng nề cho cả xã hội

ANTĐ - Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2016, dư luận xã hội đã ghi nhận những thành công so với kỳ thi năm ngoái. Thí sinh không còn phải đổ dồn về các thành phố lớn trong khi các trường đại học và ngay cả các địa phương đều có thể sử dụng cơ sở vật chất tốt nhất cho thí sinh của mình. Áp lực nặng nề lên cả xã hội kéo dài bao năm nay đã được giảm tải rõ rệt.

Điểm nổi bật nhất của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là địa phương nào cũng có 1 cụm thi. Thí sinh và người nhà ít phải di chuyển, không gây xáo trộn nhiều. Sĩ tử không phải vất vả tàu xe, giảm rủi ro, tai nạn giao thông, đỡ tốn kém. Tại các điểm thi, cụm thi của Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông giảm trông thấy, cảnh người nhà thí sinh đứng ngồi, chầu chực quanh khu vực cổng trường gần như giảm hẳn.

Đây là một bước đột phá của ngành giáo dục nhằm giảm áp lực cho cả xã hội. Toàn bộ chi phí tổ chức thi THPT đều từ ngân sách Nhà nước, tức là tiền thuế đóng góp của người dân. Vì thế, những đổi mới, cải tiến trong kỳ thi này không chỉ giảm áp lực đè nặng lên thí sinh mà còn mang lại hiệu quả xã hội sâu sắc.

Tuy nhiên, những người tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” cho rằng, từ việc tổ chức một kỳ thi chu đáo, kỹ lưỡng mang lại kết quả tốt đẹp, vẫn còn cơ hội để tạo thêm bước đột phá. Cụ thể, Bộ GD-ĐT có thể chủ động giao quyền mạnh tay hơn cho các địa phương và các trường đại học trong việc tổ chức thi THPT và xét tuyển đại học những năm tới. 

Thực tế, trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức thi 3 chung hoặc một kỳ thi nên trường đại học có thể lấy kết quả của kỳ thi để đỡ tốn kém. Tuy nhiên, hiện các trường đại học địa phương và các trường tốp giữa, tốp dưới việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Do số lượng thí sinh đăng ký không nhiều nên việc tổ chức thi rất tốn kém.

Bởi thế, nếu Bộ GD-ĐT không tổ chức thì nên để các trường đại học chủ động tuyển sinh, được vậy, cả xã hội chắc chắn sẽ... thở phào nhẹ nhõm như cất được gánh nặng trong kỳ thi THPT vừa diễn ra.