Nâng lãi suất để hút USD về ngân hàng

ANTĐ - Vì không được hưởng lợi nên ngoại tệ gửi vào ngân hàng chủ yếu chuyển sang dạng không kỳ hạn và nhiều người đã rút tiền về “gối đầu” giường, trong khi đó Chính phủ lại muốn đi vay hơn 760 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước và quốc tế. Vậy có cách nào hóa giải nghịch lý này?

Chính phủ muốn hút USD về thì lãi suất phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước phải cao hơn mức lãi suất 0%. Thế nhưng, việc cho phép người dân và tổ chức tại Việt Nam được mua trái phiếu bằng USD, vô hình trung “tiếp sức” cho nạn đô la hóa.

Chưa kể, khi đáo hạn trái phiếu ngoại tệ, nếu thanh toán tiền gốc và lãi bằng VND theo tỷ giá tại thời điểm đáo hạn thì khó hấp dẫn nhà đầu tư. Bởi đến thời hạn thanh toán, nếu thị trường cung cầu USD biến động mạnh làm VND mất giá, nhưng tỷ giá USD/VND vẫn bị “neo chặt”, thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt thòi lớn.

Khi kỳ vọng lãi suất trái phiếu ngoại tệ không thể cao thì việc phát hành trái phiếu quốc tế sẽ đẩy tình trạng đô la hóa tăng lên. Trong khi đó, lãi suất USD trên thế giới đang trong xu hướng tăng.

Câu hỏi được một số chuyên gia đặt ra là liệu chúng ta có bỏ qua nguồn lực USD dồi dào trong nước? Thay vì, phát hành trái phiếu ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cần tăng lãi suất huy động ngoại tệ trong nước ở mức 0,25-0,5%/năm thay vì mức 0% như hiện nay.

Mức lãi suất này không đủ sức hấp dẫn người dân đổ xô đầu cơ ngoại tệ nhưng lại đủ để kích thích gửi ngoại tệ vào ngân hàng. Lượng ngoại tệ nằm trong dân hiện còn khá lớn, vì thế việc các ngân hàng áp dụng lãi suất huy động 0% đã tạo ra “điểm nghẽn” lớn.

Đặc biệt từ đầu tháng 6, các ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay ngoại tệ, nhu cầu vay đang tăng lên. Người dân nắm giữ ngoại tệ đang theo dõi xem nên “đổ” tiền đô vào kênh nào có mức lãi suất trên 0% mà các ngân hàng đang áp dụng.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần vốn, việc nâng trần lãi suất huy động USD có thể “kéo” dòng ngoại tệ đang phân tán trở lại hệ thống ngân hàng. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn, kênh hỗ trợ tín dụng ngoại tệ với lãi suất vay USD thường thấp hơn rất nhiều so với vay VND, có thể kéo giảm chi phí vay vốn và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.