Coi chừng "bẫy" giá vàng

ANTĐ - Giao dịch vàng trong những ngày gần đây “sôi sục”  khi giá vàng tăng khoảng 20-30% và nhiều nhà đầu tư đã chộp lấy cơ hội này. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo khi “cá mập” bán ra chốt lời, “cá bé” thoát ra không kịp sẽ lỗ lớn. Đổ tiền vào vàng thời gian này cực kỳ rủi ro, nhất là khi “sóng vàng” đã lên khá cao so với đầu năm.

Sự kỳ vọng giá vàng lập lại kỷ lục 38,5-39 triệu đồng/lượng đã kích thích lực mua vàng trên thị trường. Đặc biệt, thị trường xuất hiện “sóng” mạnh, tăng tới hàng trăm USD/ounce khi Anh rời khỏi EU. Không bỏ lỡ cơn “sóng” lớn, nhiều nhà đầu tư trong nước đã dốc vốn vào kênh này vì tin rằng giá vàng có thể sẽ tăng thêm vào những ngày tới.

Sở dĩ nhiều người lao vào vàng vì một số tổ chức kinh doanh vàng trên thế giới dự báo giá vàng sẽ vượt qua 1.400 USD/ounce, tương đương với giá trong nước vào khoảng 38,5-39 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, sau cú sốc Brexit thị trường vàng thế giới đang dần ổn định trở lại. Ngoài ra, thông tin kinh tế Mỹ tốt lên, vốn chảy vào USD sẽ khiến cho giá vàng “thủng” qua mức 1.300 USD/ounce. Nếu quả như vậy thì những người nhảy vào “ôm” vàng ở ngưỡng cao hiện nay có nguy cơ lỗ lớn.

Trong thời gian tới, nếu giá vàng thế giới không thể giữ vững trên mức 1.340 USD thì không loại trừ vàng sẽ trở lại xu hướng giảm. Đương nhiên, giá vàng sẽ còn nhiều biến động trong thời gian ngắn sắp tới. Việc nước Anh rời khỏi EU khiến kinh tế sẽ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực. Tình trạng này đẩy nhà đầu tư vào cơn “say” vàng, “ôm” vàng nhiều hơn và càng đẩy giá vàng có xu hướng đi lên trong ngắn và trung hạn.

Đại diện Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam khuyến cáo, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng với khả năng giá vàng giảm dưới 1.300 USD/ounce. Do đó, không nên mua vàng với mục đích đầu cơ lướt sóng. Hơn thế, giá vàng đang ở mức cao trong 1 năm trở lại đây, chưa kể giá trong nước biến động không theo kịp giá thế giới.

Cần phải nhắc lại “bài học” giá vàng mà nhiều người đã “sập bẫy”, phá sản vì đầu cơ vàng hồi năm 2010 khi giá vọt lên mức 49 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhiều năm sau đó liên tục sụt giảm tới đáy 32 triệu đồng/lượng. Từ cơn “sóng vàng” này, dư luận đặt câu hỏi: Ngân hàng Nhà nước, làm sao có thể huy động vàng lưu giữ và hàng trăm nghìn tỷ đồng nhàn rỗi trong dân để đổ vào nền kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh thay vì “rót” vào đầu cơ rủi ro hay cá độ bóng đá, làm ăn bất chính rồi để lại những hậu quả tai hại cho xã hội?