Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn 2022: Vinh danh 3 tác giả nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tại lễ trao giải thưởng "Dế mèn lần 3 - 2022", cùng với việc không chọn ra được tác phẩm nào để vinh danh "Giải thưởng Lớn", ban giám khảo đã quyết định trao 2 trong số 5 giải "Khát vọng" cho 3 tác giả người nước ngoài.

“Dế Mèn” là giải thưởng thường niên được báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức từ năm 2020 nhằm nhằm tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc "của thiếu nhi", hoặc "vì thiếu nhi".

Theo đánh giá từ ban tổ chức giải thưởng, so với 2 mùa giải trước tổ chức vào năm 2020 và 2021 thì năm nay, số lượng các tác phẩm dự thi tuy ít hơn nhưng vẫn phong phú về thể loại, tạo nên một bức tranh chung về văn học nghệ thuật hướng tới chủ thể là các em nhỏ. Bên cạnh những tác giả đã thành danh, đáng chú ý là một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9-12 tuổi sáng tác. Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có những em còn tham gia cùng người lớn trong vai trò là họa sĩ minh họa các cuốn sách tranh hoặc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Cá biệt, có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ; có em viết truyện trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt - Anh, xác lập nên một kỷ lục đẹp trong đời sống văn học thiếu nhi vừa qua. Song song đó, giải thưởng cũng thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam.

Sau 2 vòng chấm chọn, ban giám khảo gồm 9 thành viên đã chọn ra được 11 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, trong đó có 6 truyện dài, 1 chùm truyện ngắn, 1 bộ thơ 5 tập, 1 truyện tranh, 2 sách tranh.

Tại vòng chấm chung khảo đầu tiên, hội đồng giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên gồm PGS-TS Ngô Văn Giá, họa sĩ Thành Chương, nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Lê Linh...đã bỏ phiếu để chọn Top 8 tác phẩm vào vòng chung kết. Đại diện ban giám khảo khẳng định, mặc dù "Dế Mèn" là một giải thưởng mới ra đời, có vị trí còn khiêm tốn, nhưng các tác phẩm lọt vào Top 8 cũng đã phải trải qua 3 cuộc "sát hạch" rất gian nan, để có thể vượt qua 89 tác phẩm còn lại.

Trong số 8 tác phẩm này, đáng chú ý có tới 3 tác phẩm có "bóng dáng" của đại dịch Covid-19. Trong đó, "Cơ bản của cơ bản" được tác giả Phạm Huy Thông được viết nhanh trong 1 tuần tự cách ly vì là F1. Hay "Trường học chẳng có gì vui?" nói đến câu chuyện khi dịch Covid -19 xảy ra, khi trường lớp đóng cửa, phải học online ở nhà thì những đứa trẻ nhận ra đến trường học thật ra rất vui. Còn "Covid trong mắt trẻ thơ" lại khiến người đọc bật khóc trước những nỗi đau Covid được cảm nhận qua góc nhìn trẻ thơ.

Từ 8 tác phẩm kể trên, ban giám khảo đã chọn ra 5 tác phẩm để trao 5 giải "Khát vọng Dế Mèn" gồm: "Biệt đội thám tử và Emma thảm họa" (2 truyện dài của Quyên Gavoye); "Cơ bản là cơ bản" (Phạm Huy Thông), "Đu đưa trên ngọn cây bàng" (Nguyễn Hoàng Diệu Thủy); bản thảo chùm truyện ngắn của tác giả Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi); "Chiếc dép thất lạc" (Geralda De Vos - Sofia Holt).

Tác giả Geralda De Vos và họa sĩ Sofia Holt

Tác giả Geralda De Vos và họa sĩ Sofia Holt

Đặc biệt, bất ngờ nhất trong 5 tác phẩm được trao giải trên thì có 2 tác phẩm của 3 tác giả người nước ngoài đến từ Bỉ, Thụy Điển và Pháp. Theo đó, tác giả Geralda De Vos là một nghệ sĩ Bỉ, bà đến Việt Nam theo một chương trình lưu trú nghệ sĩ và vô tình đặt sự quan tâm đến những chiếc dép bị đánh rơi trên các nẻo đường. Họa sĩ Sofia Holt, người Thụy Điển đã đồng điệu với câu chuyện về "Chiếc dép thất lạc" của Geralda De Vos, và đã thể hiện bằng những bức tranh minh thấm đẫm những cảnh sắc Việt Nam.

Tác phẩm kể về một cô bé đánh rớt 1 chiếc dép trên đường. Đó là chiếc dép mà cô rất yêu quý nên quyết tâm tìm lại bằng cách dán thông báo tìm dép trong làng và còn gửi thư tới các làng bên cạnh. Câu chuyện gợi nhắc về thời xưa, khi con người biết quý đồ dùng và cảm nhận được từ chúng không chỉ giá trị hữu dụng của vật chất mà cả sự gắn bó của bản thân với các đồ dùng đó. Câu chuyện kết thúc bằng cảnh cô bé tìm lại được chiếc dép của mình nhờ "cô tiên" dép rớt - thực chất là người phụ nữ đi bán dép rong và kiêm nhặt dép rơi. Câu chuyện là một tiểu phẩm xinh xắn khơi gợi lại tình cảm của mỗi người về những đồ vật thân yêu giữa thời đại tiêu dùng.

Còn tác giả Quyên Gavoye là một chuyên gia di sản tại một thành phố ở Pháp, và cũng là bà mẹ của hai đứa trẻ. Hai cuốn sách "Emma thảm họa" và "Biệt đội thám tử" mà bà viết là sản phẩm của sự quan sát rất kỹ càng về cuộc sống của hai con, từ những chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày tại trường học, ở nhà và cả khu phố, đến cách các con hành xử với nhau và với bố mẹ. Những bài học về kỹ năng sống, nhờ thế, cứ dần hiện ra. Điều đặc biệt nữa là cả hai tác phẩm đều lấy bối cảnh ở Pháp nhưng tác giả rất có chủ ý quảng bá văn hoá Việt Nam. Hai cuốn sách vốn không được coi là một series, nhưng giữa chúng có một sợi dây xuyên suốt, đó là tâm trạng đầy hăm hở, háo hức của những đứa trẻ, ở nhà cũng như ở trường.