Giải pháp thông minh cho không gian đi bộ Hà Nội

ANTD.VN -Chiều 16-12 tại Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Chương trình Định cư Con người Liên hiệp quốc (UN Habitat), Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế “Giáp pháp thông minh và sáng tạo cho không gian đi bộ Hà Nội”. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, học giả, chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế.

Không gian cộng đồng dành cho người dân

7 tham luận của các kiến trúc sư, giáo sư đầu ngành trong và ngoài nước đã đánh giá tích cực không gian đi bộ Hà Nội gồm khu vực phố cổ và không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Đặc biệt, sau hơn 3 tháng tổ chức thí điểm, không gian đi bộ hồ Gươm đã thật sự trở thành một không gian cộng đồng dành cho người dân, thu hút khách du lịch tới Thủ đô tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015; không chỉ an toàn cho người tham gia mà còn tạo ra không gian thưởng thức các giá trị nổi trội của khu vực như cảnh quan, cây xanh, mặt nước tại khu vực trung tâm thành phố, các di sản vật thể và phi vật thể....

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: “Chúng ta cần nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của phố đi bộ hồ Gươm không chỉ để phục vụ cộng đồng, dân cư mà còn có tác động tích cực tới phát triển kinh tế và đóng góp đô thị. Vì thế, sự kiện phố đi bộ hồ Gươm cần được tuyên truyền mạnh mẽ để bạn bè quốc tế biết tới và truyền đạt kinh nghiệm phát triển đô thị, giúp nối dài các tuyến phố đi bộ Hà Nội”.

Sau thời gian thí điểm, phố đi bộ hồ Gươm còn tồn tại một số điểm cần được bổ sung, điều chỉnh như điều tiết âm thanh, ánh sáng theo hướng văn minh, phù hợp với chức năng từng khu vực; sản phẩm chất lượng và tiêu biểu; các dịch vụ tiện ích thuận tiện, văn minh; nghiên cứu điều chỉnh phân luồng giao thông và các bãi đỗ xe.

Phố đi bộ hồ Gươm sau hơn 3 tháng triển khai đã được các chuyên gia đánh giá cao.

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong xây dựng Thủ đô Seoul, GS Donyun Kim cho rằng, không gian đi bộ Hà Nội còn cần giải quyết cả không gian thị giác với những tấm biển quảng cáo không phù hợp. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có giải pháp đồng bộ như hạn chế phương tiện cá nhân bằng việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng, tích hợp giữa thiết kế và quy hoạch để tạo ra các không gian xanh, an toàn và lịch sự với người dân, đảm bảo môi trường có giá trị sáng tạo…

Hà Nội nên nối dài các tuyến phố đi bộ

Để phố đi bộ hồ Gươm hấp dẫn và sinh động hơn trong mắt người dân, KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, Hà Nội nên sử dụng nghệ thuật đường phố nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng và biến đổi bộ mặt thành phố, tạo bản sắc cho Thủ đô…

KTS Đoàn Kỳ Thanh cũng cho biết thêm, anh có ý tưởng biến vỉa hè của phố sách Đinh Lễ thành một tác phẩm nghệ thuật nhờ thay thế chất liệu gạch lát. Bằng các viên gạch phát sáng cảm quang và bên trong đặt dòng chữ “hello”, “bonjour”, “chao”… chắc hẳn ai cũng sẽ cảm thấy phố đi bộ hồ Gươm đẹp hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, ý kiến đóng góp của các chuyên gia nước ngoài như Israel, Nhật Bản cùng đồng tình với quan điểm Hà Nội nên có nhiều hơn các tuyến phố đi bộ. Nhưng để có được điều này, ngoài sự tham gia tích cực của người dân còn cần kể đến vai trò của cơ chế chính sách và các nhà quản lý.

TS Nguyễn Quang, Giám đốc chương trình Định cư Con người Liên hiệp quốc (UN-Habitat) khẳng định: “Ở nhiều nơi trên thế giới, không gian đi bộ đóng vai trò tích cực trong việc gia tăng giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội và môi trường cho thành phố. Và để không gian đi bộ có tác động tích cực, người dân cần được tham gia vào quá trình thực hiện. Ngoài ra, chính quyền cần có vai trò chủ động tạo điều kiện để các bên liên quan được tham gia vào quá trình phát triển không gian đi bộ”.

Ngoài những kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia còn chia sẻ về bài học khi xây dựng dự án nghệ thuật cộng đồng làng bích họa Tam Thanh (Quảng Ngãi) và không gian sáng tạo Zone 9.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm cho biết: “Những kinh nghiệm, bài học trong nước và trên thế giới cùng các sáng kiến về giải pháp thông minh và sáng tạo có được từ hội thảo, giúp chúng tôi rất nhiều trong việc điều chỉnh lại kế hoạch phát triển cũng như những hoạt động cụ thể trong thời gian tới, để phát triển không gian đi bộ được tốt hơn”.