Giải mã chiêu trò khi "tín dụng đen" bủa vây và những hệ lụy khôn lường

ANTD.VN -Chỉ cần vào trang Google gõ từ khóa "cho vay không cần thế chấp" hoặc" tín dụng đen" trong vài giây sẽ tìm thấy hàng triệu kết quả, là những lời mời chào hỗ trợ tín dụng hấp dẫn. Tình trạng tín dụng đen (TDĐ) đang nở rộ dưới hình thức cho vay lãi suất cao, kết hợp đòi nợ thuê kiểu “khủng bố” người vay tiền về cả tinh thần lẫn thể xác.

Với thủ tục vay đơn giản mà không cần tài sản thế chấp, nhiều người dân đã sập bẫy lãi suất, chỉ cần một cú điện thoại thì ngay lập tức “tiền tươi” sẽ được mang đến tận nhà cho người có nhu cầu vay.

Tưởng không cần thế chấp gì nhưng khi đã cầm tiền vay với thỏa thuận lãi suất cao ngất, người vay đang thế chấp cả hộ nhà mình, thế chấp sức khỏe, tính mạng, sự bình yên của gia đình mình. Đến hạn không trả tiền sẽ có người đến đúng địa chỉ trong hộ khẩu đòi nợ, xiết nợ bằng các cách từ chửi bới đến bắt giữ người, khủng bố cả người thân của "con nợ". Thế nhưng quả thật, vay dễ trả khó!

Số liệu thống kê mới đây của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản. Trong đó, khoảng 170 vụ lừa đảo liên quan đến việc huy động vốn lãi suất cao với số tiền chiếm đoạt đến nghìn tỷ đồng.

Trên thực tế, các tổ chức tín dụng đã nỗ lực trong việc cung ứng vốn nhằm hạn chế "tín dụng đen" phát triển. Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, tính đến 31-12-2018, có 78 tổ chức tín dụng có phát sinh số liệu dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống (đã bao gồm cho vay tiêu dùng của 13 công ty tài chính), với dư nợ đạt 1.416.933 tỷ đồng, chiếm 19,65% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và tăng 29,38% so với thời điểm cuối năm 2017, trong đó dư nợ dài hạn chiếm 78%.

Nguy hiểm hơn, sự biến tướng, lách luật của đối tượng vi phạm trong hoạt động “tín dụng đen” khá tinh vi. Trong nhiều năm qua, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ có những diễn biến phức tạp; diễn ra khắp nơi từ thành thị đến nông thôn. Thủ đoạn của các tổ chức TDĐ là núp bóng dưới hình thức cầm đồ, hỗ trợ tài chính, xây dựng “sân sau” để thành lập các công ty cho thuê tài sản, hoạt động kinh doanh tài chính, kinh doanh vật liệu xây dựng và được cấp phép hoạt động...

Tín dụng đen ngày càng có xu hướng tăng cao và ví loại tội phạm này như "cướp ngày". Hiện chiêu trò quen thuộc của các tổ chức TDĐ là dán tờ rơi, quảng cáo với nội dung "Vay tiền nhanh, không cần thế chấp, "Alo là có tiền!"... ở các trụ điện, bờ tường ở các hẻm, đường phố nơi có đông người qua lại. Thậm chí, những tờ quảng cáo này còn len lỏi đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào dân tộc thiểu số.

Để tạo lòng tin với người vay tiền, những người cho vay luôn tận tình hướng dẫn làm thủ tục và đưa ra các gói lãi suất linh hoạt mà không cần tài sản thế chấp. Tinh vi hơn, những người này còn sử dụng mạng in-tơ-nét để quảng cáo, cho vay trực tuyến với lãi suất cao. Lập các hợp đồng biến tướng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan chức năng; ghi lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất theo thỏa thuận trong giấy vay tiền được viết tay. Để hợp pháp hóa hoạt động TDĐ, nhóm người này thường yêu cầu người vay tiền viết giấy bán tài sản như nhà cửa, đất đai, ô-tô...

Quảng cáo cho vay tiền dán khắp nơi. Ảnh: Phạm Dự 

Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, trong giao dịch dân sự, người nào cho vay với lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự (hiện là 20%/năm), thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng... sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.

Trường hợp phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Trường hợp việc cho vay lãi nặng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 5 đến 15 triệu đồng.

Nguyên nhân khiến các tổ chức “tín dụng đen” phát triển nhanh là do một bộ phận người dân, nhất là thanh niên, thiếu niên không có việc làm ổn định, lún sâu vào tệ nạn cờ bạc, cá độ bóng đá, lô đề, nghiện ma túy… cho nên phải “vay nóng” để trả nợ. Các đối tượng hoạt động TDĐ cũng lợi dụng một số người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế, cần tiền chữa bệnh; mua sắm tài sản để đầu tư sản xuất nông nghiệp nhưng không có tài sản thế chấp, không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; cầm đồ, cho một số đối tượng vay nóng để tham gia cá độ bóng đá...

Việc phát hiện các vụ việc liên quan TDĐ gặp nhiều khó khăn do các bên thỏa thuận dân sự bằng miệng hoặc các hợp đồng giả cách không thể hiện lãi suất thực tế. Quy định về hành vi cho vay nặng lãi trong luật hình sự chưa chặt chẽ, chế tài xử lý quá nhẹ so với lợi nhuận mà các đối tượng thu được. Ngoài ra, tội cho vay nặng lãi được coi là tội ít nghiêm trọng cho nên thời gian tạm giam các đối tượng hoạt động TDĐ để đấu tranh, mở rộng điều tra bị hạn chế.

Bài học đầu tiên qua vụ tín dụng đen đối với chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật các cấp là phải chú ý lắng nghe, phát huy "tai mắt" từ nhân dân, có biện pháp phòng ngừa, sớm ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm hoạt động, băng nhóm tín dụng đen.

Người dân cần cảnh giác với các hình thức cho vay theo kiểu tín dụng đen.

Đặc biệt, người nghèo cần tỉnh táo "liệu cơm gắp mắm", tuyệt đối không vay nặng lãi để mua xe sang, sắm hàng hiệu để rồi tự nguyện trở thành những "con mồi" của tín dụng đen, vốn không bao giờ có lối thoát.