Giải mã bí ẩn di sản dưới lòng đất, tìm ra hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, phục dựng tổng thể Hoàng thành Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - LỜI TÒA SOẠN: Viện Nghiên cứu Kinh thành, tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, là cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Đây là tổ chức nghiên cứu khoa học mới, được tách ra từ Viện Khảo cổ học, có chức năng nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu về kinh thành cổ Việt Nam; nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong thiết kế trưng bày bảo tàng và bảo tồn di sản văn hóa.

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm thành lập, Viện Nghiên cứu Kinh thành vừa công bố những nghiên cứu mới nhất về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý tại Hoàng thành Thăng Long. Ngay lập tức, nghiên cứu này đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu và dư luận. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành xoay quanh những công bố có giá trị lịch sử này.

Toàn cảnh kiến trúc cung điện thời Lý

Toàn cảnh kiến trúc cung điện thời Lý

Lý giải bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý

- PV: Thưa ông, Viện Nghiên cứu Kinh thành là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện “Dự án chỉnh lý nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long”, sau nhiều năm nghiên cứu, những di sản dưới lòng đất đó đã kể thêm cho chúng ta những điều gì, có phát hiện thú vị nào nữa hay không?

- PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành: Chúng ta biết rằng, những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất tại 18 Hoàng Diệu (năm 2002-2004) và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (năm 2008-2009), đã tìm thấy một quần thể gồm 53 dấu tích nền móng công trình kiến trúc, 7 móng tường bao, 6 giếng nước, minh chứng xác thực lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long hoa lệ dưới vương triều Lý.

Kể từ đó đến nay, mặc dù khảo cổ học đã minh chứng thuyết phục rằng, các dấu tích nền móng kiến trúc cung điện thời Lý dưới lòng đất khu di tích Hoàng thành Thăng Long đều là kiến trúc gỗ, có bộ mái lợp ngói rất công phu, tráng lệ, hiếm có nơi nào có được, trở thành niềm tự hào của di sản. Nhưng hình thái kiến trúc cung điện thời Lý vẫn là điều bí ẩn, không có đủ cơ sở để nhận diện như kiến trúc Cố Cung (Thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc), Changdokung (Thủ đô Seoul - Hàn Quốc) hay Nara (Nhật Bản). Bởi lẽ, kiến trúc cung điện thời Lý thuộc loại kiến trúc cổ đã bị thất truyền. Do đó, việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc là vô cùng khó khăn.

Cũng trong nhiều năm qua, để có thể giải mã được những bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức thực hiện nhiều phương pháp nghiên cứu như: tái điều tra khai quật khu di tích 18 Hoàng Diệu; nghiên cứu giải mã loại hình, chức năng các loại ngói lợp mái kiến trúc; điều tra, nghiên cứu mô hình kiến trúc đang lưu giữ tại các bảo tàng; nghiên cứu di vật đồ gỗ đào được tại di tích; nghiên cứu sử liệu, đặc biệt là nghiên cứu so sánh với kiến trúc kinh đô cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nghiên cứu kiến trúc cổ ở Bắc Việt Nam.

Trong những năm 2011-2014, khi tổ chức tái điều tra, khai quật nghiên cứu khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phát hiện thêm được rất nhiều vấn đề khoa học mới, làm sáng rõ hơn tính chất, niên đại và chức năng các loại hình di tích kiến trúc đã xuất lộ từ năm 2004. Trên sơ sở tư liệu đó, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã thiết lập hệ thống bản vẽ tổng thể mặt bằng kiến trúc cung điện thời Lý rất có giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hình thái kiến trúc. Từ đó, công cuộc nghiên cứu giải mã về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý bắt đầu được triển khai.

Hình thái bộ mái kiến trúc cung điện thời Lý

Hình thái bộ mái kiến trúc cung điện thời Lý

Hiện tại, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã từng bước giải mã về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý. Phát hiện quan trọng và là chìa khóa để giải mã thành công về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, đó là kiến trúc “đấu củng”.

- “Đấu củng” - thuật ngữ kiến trúc này có nguồn gốc từ đâu và nó có phải là hình thái kiến trúc quen thuộc đối với kiến trúc cung điện ở Hoàng cung Thăng Long hay không?

- “Đấu củng” là thuật ngữ kiến trúc bắt nguồn từ Trung Quốc. Đây là một loại kết cấu đỡ mái gồm hai bộ phận cấu thành, đó là “đấu” và “củng” nên được gọi là “đấu củng”. Trong đó, “đấu” đóng vai trò là bệ đỡ, còn “củng” giống hình khuỷu tay, đóng vai trò là tay đỡ, được dùng để đỡ một kết cấu khác bên trên.

Đây là phát hiện có ý nghĩa rất lớn, cung cấp cơ sở khoa học quan trọng trong việc nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc cung điện thời Lý. Từ đây, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã nghiên cứu phục dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý và đã giới thiệu tại khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội năm 2016. Đây là lần đầu tiên hình ảnh về kiến trúc cung điện thời Lý sau hơn nghìn năm được tái hiện, giúp cho chúng ta hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa.

Phục dựng hình thái tổng thể toàn bộ Hoàng thành Thăng Long

- Từ thành công này, Viện Nghiên cứu Kinh thành có tiếp tục nghiên cứu phục dựng tổng thể hình thái kiến trúc của toàn bộ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long hay không, thưa ông?

- Tất nhiên rồi, từ thành công bước đầu này, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu phục dựng tổng thể hình thái kiến trúc của khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Từ đó, bức tranh toàn cảnh về cung điện, lầu gác của thời Lý được tái hiện trên nền các vết tích khảo cổ học dưới lòng đất khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội. 64 công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long đã được nghiên cứu phục dựng, gồm 38 công trình kiến trúc cung điện và hành lang, 26 kiến trúc lục giác cùng hệ thống tường bao, đường đi và cổng ra vào công trình. Đây là một quần thể kiến trúc cung điện, lầu gác cực kỳ đặc sắc, được quy hoạch xây dựng rất bài bản, khoa học vào thời kỳ vàng son của vương triều Lý.

Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào nói rằng, Hoàng cung Thăng Long thời Lý vốn từng được xây dựng rất nguy nga, tráng lệ và có nhiều công trình kiến trúc gỗ to lớn, hoành tráng, không thua kém so với các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở châu Á.

Hình thái kiến trúc thời Lý được phục dựng bởi Viện Nghiên cứu Kinh thành

Hình thái kiến trúc thời Lý được phục dựng bởi Viện Nghiên cứu Kinh thành

- Kế thừa những nghiên cứu và phát hiện đặc biệt có ý nghĩa kể trên, những bí ẩn về Hoàng thành Thăng Long sẽ tiếp tục được giải mã theo hướng nào?

- Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Kinh thành sẽ đẩy mạnh nghiên cứu so sánh, giải mã sâu hơn về chức năng, kỹ thuật lợp của các loại ngói khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Trên cơ sở đó tiến hành phục dựng hình thái bộ mái của kiến trúc thời Đại La, thời Đinh - Tiền Lê, thời Trần, đặc biệt là hình thái bộ mái kiến trúc Điện Kính Thiên, Tòa Chính điện trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ, thế kỷ XV.

Viện Nghiên cứu Kinh thành đã từng bước giải mã về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý. Phát hiện quan trọng và là chìa khóa để giải mã thành công về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, đó là kiến trúc “ĐẤU CỦNG”.

Đồng thời, các cán bộ của chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phân loại cơ bản và phân loại chi tiết các loại hình di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, từng bước giải mã các khía cạnh về đời sống, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, xã hội và giao lưu kinh tế, văn hóa của Kinh đô Thăng Long dưới các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng.

Những kết quả nghiên cứu được công bố trong dịp này mới là thành quả nghiên cứu ban đầu trong chặng đường dài khoa học, nhưng được xem là một bước tiến rất dài trong nghiên cứu khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn 18 năm khai quật. Những thành quả nghiên cứu này đã và đang góp phần quan trọng trong việc giải mã những bí ẩn về Hoàng cung Thăng Long, đưa giá trị nghiên cứu khoa học đến gần hơn với công chúng, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử nghìn năm văn hiến của Kinh đô Thăng Long hoa lệ.

Những phát hiện mới gây bất ngờ trong giới nghiên cứu

- Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long, Viện Nghiên cứu Kinh thành cũng đã tiến hành khai quật khảo cổ học tại nhiều địa phương và có nhiều phát hiện mới. Ông có thể chia sẻ về một trong những phát hiện mà ông cho là “đặc biệt quan trọng”?

- Đó là, phát hiện Hành cung Lỗ Giang tại Hưng Hà, tỉnh Thái Bình năm 2014. Đây là phát hiện hoàn toàn mới, gây bất ngờ cho giới nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử. Kết quả khai quật năm 2014 - 2017, đã cung cấp nhiều tư liệu quý hiếm, độc đáo về nghệ thuật xây dựng kiến trúc thời Trần mà hiện nay chưa thấy ở di tích nào có được, kể cả Thăng Long. Hành cung Lỗ Giang được đánh giá là một viên ngọc quý giá vào bậc nhất trong kho tàng di sản văn hóa thời Trần hiện nay.

Khai quật di chỉ sản xuất gốm Chămpa ở Bình Định trong những năm 2014 - 2017, phát hiện được nhiều vấn đề khoa học mới trong việc giải mã về chủ nhân và niên đại của các trung tâm sản xuất gốm, góp phần làm sâu sắc hơn các giá trị của di sản văn hóa Chămpa tại Bình Định - vùng đất kinh đô Vijaya của Vương quốc Chămpa, một vương quốc có lịch sử phát triển rực rỡ trong lịch sử cổ trung đại ở Đông Nam Á, thế kỷ XI - XV.

Nghiên cứu tái hiện Rồng bay thời Lý

Nghiên cứu tái hiện Rồng bay thời Lý

- Từ năm 2012 đến 2016, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức thành công Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”. Đó được xem như một bảo tàng khảo cổ học hiện đại, đẳng cấp và đạt chuẩn quốc tế. Ông có thể bật mí thêm về trưng bày này được không?

- Đây là dự án có quy mô lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng rất đặc biệt về chính trị và khoa học, đồng thời cũng là dự án rất khó, bởi chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Nhưng trong suốt 5 năm tổ chức thực hiện, từ năm 2012 đến năm 2016, lịch sử vàng son của Kinh đô Thăng Long hoa lệ được diễn giải sinh động, với phong cách trình diễn công nghệ mapping, media, hologram, đồ họa và ánh sáng, âm thanh hiện đại, tạo ấn tượng sâu sắc và đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.

Không gian trưng bày dưới hai tầng hầm Nhà Quốc hội được cấu trúc theo lát cắt địa tầng khảo cổ học, diễn giải lịch sử từ xưa lại gần và trưng bày lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật. Trong đó, di tích là hồn cốt, di vật là điểm nhấn của các không gian trưng bày. Kết nối không gian giữa hai tầng hầm là hình ảnh Rồng bay thời Lý được tái hiện từ huyền thoại lịch sử và từ di vật khảo cổ học, được trình chiếu bằng công nghệ 3D và Mapping, phản ánh về sự tiếp nối truyền thống của Trung tâm Quyền lực trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đưa lại cảm xúc tự hào về Kinh đô Thăng Long - Kinh đô Rồng bay.

Khu trưng bày được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước công trình Nhà Quốc hội đánh giá rất cao, bởi lẽ: “Đây là một bảo tàng xuất sắc và hiệu quả; là bảo tàng nằm trong tốp đầu bảng hiện nay của châu Á và của thế giới, rất đáng tự hào; đây không chỉ là hình mẫu về bảo tàng khảo cổ học ở nước ta mà ở cả các nước tiên tiến trên thế giới; dự án xứng đáng với kỳ vọng không chỉ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam mà cả Chính phủ Việt Nam”.

Năm 2017 - 2018, mặc dù chưa chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan, nhưng Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội đã đón tiếp 13.780 khách tham quan với 315 đoàn khách trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia. Các đoàn khách tham quan trong và ngoài nước đều đánh giá rất cao khu trưng bày và nhận xét rằng, đây là một bảo tàng độc đáo nhất ở Việt Nam hiện nay và là bảo tàng hiện đại hàng đầu ở châu Á và trên thế giới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Trong những năm 2011-2014, khi tổ chức tái điều tra, khai quật nghiên cứu khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phát hiện thêm được rất nhiều vấn đề khoa học mới, làm sáng rõ hơn tính chất, niên đại và chức năng các loại hình di tích kiến trúc đã xuất lộ từ năm 2004. Trên sơ sở tư liệu đó, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã thiết lập hệ thống bản vẽ tổng thể mặt bằng kiến trúc cung điện thời Lý rất có giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hình thái kiến trúc. Từ đó, công cuộc nghiên cứu giải mã về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý bắt đầu được triển khai... ”.

PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành)