- UNESCO công nhận LHP châu Á Đà Nẵng 2025 là sự kiện tiêu biểu
- NTK Công Trí trước khi bị bắt vì chất cấm: Đời tư kín tiếng, nổi tiếng trong "làng mốt" quốc tế
- Ca sĩ Khánh Ly trở lại với MV đặc biệt, tiết lộ từng là hướng dẫn viên du lịch hồ Núi Cốc
Với ý nghĩa tái hiện hành trình âm nhạc – ký ức – lịch sử để tưởng nhớ và tôn vinh những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc, chương trình do Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025).
Lấy cảm hứng từ bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" của nhà thơ Lê Anh Xuân, được nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ phổ nhạc, chương trình mở màn với ca khúc cùng tên do ca sĩ Đông Hùng trình diễn. Tiếp đó, chương trình được chia làm 3 phần: "Những cái tên hóa thành huyền thoại"; "Những cái tên chưa từng gọi thành lời"; "Tên anh đã thành tên đất nước".
![]() |
Theo đó, phần 1 là những ca khúc bất hủ như: "Lá xanh" (Hoàng Việt), "Người con gái sông La" (Doãn Nho), "Đường tôi đi dài theo đất nước" (Vũ Trọng Hối)... Đặc biệt, ở phần này sẽ diễn ra màn giao lưu đặc biệt với nhạc sĩ - Đại tá Doãn Nho, tác giả của những khúc ca vang bóng một thời, người kể lại những ký ức xúc động về những cô gái Đồng Lộc và cảm hứng đằng sau những giai điệu để đời.
Năm nay, nhạc sĩ Doãn Nho đã bước sang tuổi 93. Cảm hứng để vị nhạc sĩ gạo cội sáng tác ca khúc "Người con gái sông La" bắt nguồn từ chuyến thực địa của ông tại đường 559 vào năm 1970, khi ông chứng kiến sự ác liệt tại Ngã ba Đồng Lộc và câu chuyện xúc động về những cô gái hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Sau khi hòa bình lập lại, nhạc sĩ Doãn Nho gặp lại nguyên mẫu anh hùng La Thị Tám. Ông chia sẻ: "Xúc động lắm, còn gì bằng được gặp nguyên mẫu trong tác phẩm của mình ngoài đời thật. Tuy nhiên, ngoài đời thì Tám nhỏ bé lắm, khác hẳn với hình ảnh trang nghiêm trong tưởng tượng của tôi.”
![]() |
Ở phần 2 sẽ là câu chuyện về cuộc hành trình tìm mộ liệt sĩ thông qua việc giám định ADN như trường hợp ông Tô Hạ Sỹ (Thái Nguyên), hay câu chuyện ly kỳ và đầy nhân văn về Thiếu tướng Lưu Xuân Cải – người lính "trở về từ cõi chết" trong trận Thành cổ Quảng Trị. Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, sinh năm 1954 tại Hải Phòng, nhập ngũ từ năm 1971 khi mới 17 tuổi. Trong trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị (1972), ông bị thương nặng và bị nhầm là đã hy sinh. Khi được đồng đội đưa đi chôn cất, một cơn mưa lớn bất ngờ giúp ông hồi tỉnh và được cứu sống kịp thời. Những ký ức ấy được khơi dậy qua các tiết mục như: "Màu hoa đỏ" (Nguyễn Hoàng Bão Ngọc), "Bài ca không quên" (Phạm Thu Hà)...
Cuối cùng, phần 3 sẽ khắc họa chân dung Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm – một cựu chiến binh tiêu biểu, người đã nối tiếp lý tưởng Cách mạng trong thời bình bằng những đóng góp lớn lao cho cộng đồng. Ông là minh chứng sống cho tinh thần người lính bộ đội Cụ Hồ không chỉ trong chiến tranh mà còn trong công cuộc kiến thiết đất nước.