Gia súc, gia cầm nhập lậu tràn về nước: Địa phương kiểm soát còn hạn chế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, nhập lậu gia súc, gia cầm đang là vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của thị trường trong nước, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực này.

Buôn lậu gia súc, gia cầm tăng mạnh

Tại Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 17/10, ông Phạm Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT thừa nhận, hiện nay rất khó khăn để kiểm soát tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm và cũng không có được con số thống kê cụ thể.

Trong khi đó, số liệu gia súc, gia cầm và các sản phẩm bị lực lượng chức năng các địa phương bắt giữ trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng rất mạnh so với cùng kỳ các năm trước.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện hơn 45.000 quả trứng gia cầm nhập lậu, 160.000 con gia súc, gia cầm và 116.000 kg sản phẩm động vật.

“Số liệu trên cho thấy, mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ NN&PTNT thường xuyên, liên tục ban hành rất nhiều văn bản, tổ chức các Đoàn công tác, các hội nghị quán triệt nhưng việc triển khai của các địa phương còn rất nhiều hạn chế, số liệu báo cáo không phản ánh đúng thực tế, dẫn đến việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn”- ông Minh nhìn nhận.

Cũng theo ông Minh, tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu 9 tháng đầu năm 2023 có chiều hướng gia tăng rất mạnh. Trong đó, một số tỉnh trọng điểm về buôn bán, vận chuyển, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật như Lạng Sơn đã phát hiện 31 vụ với101.800 con gia cầm giống; 4.000 gia cầm thịt; 8. 532 kg/sản phẩm động vật;

Tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 41 vụ, 14.795 gia cầm giống, 27.900 quả trứng giống, 16.695 kg/sản phẩm động vật; Tỉnh Cao Bằng đã phát hiện 59 vụ, 39.000 gia cầm giống, 347 gia súc, 16.012 quả trứng giống, 31.351 kg/sản phẩm động vật…

Lực lượng chức năng bắt giữ 1 vụ vận chuyển giống gia cầm nhập lậu ở Lạng Sơn

Lực lượng chức năng bắt giữ 1 vụ vận chuyển giống gia cầm nhập lậu ở Lạng Sơn

Theo đánh giá của Cục Thú y, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không được đánh giá nguy cơ dịch bệnh trước khi nhập khẩu, không được lấy mẫu xét nghiệm sạch bệnh và không tuân thủ các quy định về kiểm dịch nhập khẩu, dẫn đến nguy cơ các bệnh động vật mới xâm nhập vào trong nước; các biến chủng virus ngoại nhập vào nước ta.

Do đó, gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh động vật nguy hiểm do chưa có vaccine hay các biện pháp phòng bệnh cho các bệnh/chủng virus ngoại lai, gây thiệt hại về kinh tế cho đàn gia súc, gia cầm nuôi trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người là rất cao.

Ngoài ra, theo Cục Thú y tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi - thú y - gia cầm, số vụ việc bắt giữ gia súc, gia cầm nhập lậu báo cáo là quá ít so với thực tế.

Ông Dương cho rằng không kiểm soát tốt nhập lậu, không thể kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm; phần lớn bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay đều do truyền nhiễm từ nước ngoài vào. Không kiểm soát được nhập lậu thì không kiểm soát được an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa.

Buôn lậu gia súc, gia cầm tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2023

Buôn lậu gia súc, gia cầm tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2023

Đối tượng vận chuyển lậu rất manh động

Đại diện Sở NN&PTNT Quảng Ninh thông tin, trong 9 tháng qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã bắt giữ, tịch thu 780 kg cá tầm; 1.610 kg chân gà; 1.080 kg lưỡi lợn; 954kg lòng lợn sấy khô; 11.940 kg sản phẩm động vật đông lạnh (thịt dê, chân dê, sườn dê, lòng dê, nội tạng lợn, thịt trâu, nầm lợn; lòng lợn); 67 kg thịt lợn sống; 1.044 kg xúc xích thịt lợn; 27.900 quả trứng gà; 14.795 con giống gà.

“Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng các điểm tiếp giáp, điểm thông quan tiểu ngạch, đường mòn để vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam và ngược lại. Thủ đoạn vận chuyển ngày càng tinh vi, các đối tượng vi phạm rất manh động, liều lĩnh, cản trở, sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ…”- đại diện Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho hay.

Thông tin tại Hội nghị, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết địa phương này xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm giống qua biên giới tại huyện Lộc Bình.

Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng đêm tối, giờ giao ca của lực lượng chức năng để mang vác nhỏ lẻ qua các khu vực hàng rào biên giới về các thôn, bản thuộc địa bàn các xã biên giới. Sau đó, các đối tượng vận chuyển bằng xe máy, ô tô về các tỉnh nội địa tiêu thụ.

Các đối tượng vận chuyển gia cầm, gia súc nhập lậu bằng xe máy, xe ô tô rất manh động, thậm chí cử người theo dõi lực lượng chức năng, điều khiển phương tiện giao thông luồn lách, chạy xe tốc độ cao nhằm trốn tránh lực lượng chức năng.

"Có đối tượng sẵn sàng đâm xe vào các lực lượng chức năng gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý", ông Quỳnh nói.

Địa phương chống buôn lậu kiểu cao trào

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, nhập lậu gia súc, gia cầm đang là vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của thị trường trong nước, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực này. Việt Nam là đất nước chăn nuôi nhưng lại để xảy ra tình trạng nhập lậu từ gà, vịt, lợn, trâu, bò... thì ngành chăn nuôi trong nước không thể phát triển được.

"Công tác ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu lâu nay các địa phương vẫn làm chủ yếu kiểu "ném đá ao bèo". Khi báo chí vào cuộc phản ánh thì làm cao trào nhưng sau đó lại bỏ đấy thì không ăn thua"- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thẳng thắn nhìn nhận.

Bởi vậy, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, công an phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, không nói chung chung, hàng năm có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả buôn lậu gia cầm, gia súc.