Người đầu tiên xử lý thành công vụ buôn lậu trái phép vảy tê tê

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gặp mặt Đại úy Phương Văn Thành - cán bộ Đội kiểm tra, hướng dẫn chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CATP Hà Nội), ít ai ngờ chàng trai có nụ cười thân thiện ấy lại là mũi chủ công sắc sảo trên mặt trận phòng chống tối phạm. Anh cũng là người đầu tiên tạo ra điểm đột phá, khám phá xử lý vụ buôn bán trái phép vảy tê tê…

Trả lời thấu đáo mọi câu hỏi

Đại úy Phương Văn Thành quê ở xã Tản Hồng, huyện Ba Vì (Hà Nội). Từ nhỏ, cậu bé Thành đã luôn ước mơ được khoác lên mình bộ sắc phục Công an nhân dân. Không ngừng học tập, phấn đấu, Thành được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ công an năm 2008, và sau đó thi đỗ Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2010.

Đại úy Phương Văn Thành luôn tìm tòi học hỏi để hoàn thiện bản thân

Đại úy Phương Văn Thành luôn tìm tòi học hỏi để hoàn thiện bản thân

Nhận nhiệm vụ tại Đội kiểm tra, hướng dẫn chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra - đơn vị đòi hỏi cao về chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật, cán bộ trẻ Phương Văn Thành phải nỗ lực rất nhiều. “Tôi luôn bám sát các thế hệ đi trước để học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ thời gian mọi lúc mọi nơi, sau giờ làm việc thì ở lại cơ quan để đọc, cập nhật các luật mới, thông tư, nghị định, hướng dẫn trong hoạt động tố tụng. Kiến thức phải được kết hợp nhuần nhuyễn với kinh nghiệm thực tế thì công tác chuyên môn mới có hiệu quả”, Đại úy Thành nhớ lại.

Chỉ trong năm 2022, Đại úy Phương Văn Thành đã tham mưu Giám đốc CATP và Ban Chỉ huy đơn vị xây dựng 5 chương trình, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, thanh tra, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra. Đặc biệt, Đại úy Phương Văn Thành đã tham mưu với Ban Giám đốc CATP ký ban hành các quy trình, quy định lớn trong CATP, góp phần đưa công tác chấp hành pháp luật trong hoạt động tố tụng của lực lượng Cảnh sát điều tra CATP ngày càng đi vào nền nếp, quy củ, giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tố tụng.

Cùng với các đồng đội, Đại úy Phương Văn Thành đã góp sức vào kết quả nổi bật của CATP năm 2022: Trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, kiềm chế, kéo giảm tội phạm 18,1%, tạo môi trường xã hội ổn định, an ninh, an toàn. Tỷ lệ điều tra khám phá án chung đạt 87,3%, án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,8%. Triển khai nhiều biện pháp, giải pháp đánh trúng, đánh đúng vào các loại tội phạm nổi lên, điều tra khám phá được nhiều vụ án nghiêm trọng, gây tiếng vang.

Đại úy Phương Văn Thành cũng trực tiếp điều tra, trinh sát, khám phá nhiều vụ án nhạy cảm, phức tạp được dư luận quan tâm do Ban Giám đốc CATP chỉ đạo như: Vụ án Nguyễn Phương Hồng can tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại quận Hà Đông; vụ án Phi Duy Chung cùng đồng phạm can tội đánh bạc xảy ra tại huyện Thạch Thất; trực tiếp trinh sát và đề xuất Ban Giám đốc CATP duyệt kế hoạch bắt giữ, khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì; tham gia thực hiện điều tra vụ án Lê Thanh Giang can tội tham ô tài sản xảy ra năm 2002 tại Công ty hóa chất Hà Nội; tham gia điều tra vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty ICC liên quan đến thực hiện dự án tại số 317 đường Trường Chinh…

“Tôi luôn đặt nhiều câu hỏi với mỗi vấn đề để tìm cách trả lời thấu đáo nhất, không để lọt tội phạm. Sáu nguyên tắc của tôi là: Nắm vững tình hình, nghiên cứu tốt, phân tích sâu, tổng hợp đầy đủ, dự báo đúng và trúng, tham mưu kịp thời…” - Đại úy Phương Văn Thành trả lời về bí quyết thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Đại úy Phương Văn Thành giải lao sau những giờ phá án căng thẳng

Đại úy Phương Văn Thành giải lao sau những giờ phá án căng thẳng

Những đêm chong đèn phá án…

Từng thụ lý nhiều vụ án nhưng Đại úy Phương Văn Thành đặc biệt ấn tượng quá trình điều tra vụ tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép vảy tê tê - sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm. Đây là vụ án đầu tiên trong cả nước xử lý hình sự đối tượng buôn bán vảy tê tê.

Đại úy Thành nhớ lại: “Đầu năm 2021, theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị, tôi được giao nhiệm vụ phối hợp cùng cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường nắm di biến động của đối tượng Nguyễn Thị Chính (SN 1988, trú tại Tam Dương, Vĩnh Phúc) và các mắt xích khác trong đường dây buôn bán vảy tê tê. Lúc đó chưa tỉnh/thành nào xử lý được vụ việc xác định vảy tê tê là hàng cấm. Mình phải chứng minh được vảy tê tê là hàng cấm thì mới xử lý được” - Đại úy Thành kể. Trong quá trình điều tra, hàng chục tập tại liệu pháp luật liên quan được Đại úy Thành hàng đêm chong đèn tìm hiểu.

Hàng trăm gạch đầu dòng, những tấm giấy ghi nhớ được dán khắp nơi. Sau nhiều đêm căng mắt, cuối cùng anh đã tìm ra căn cứ: Những dòng đánh máy nhanh chóng được nêu ra: Vảy của loài tê tê cây bụng trắng có tên khoa học là Manistricuspis (Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES ban hành kèm theo Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27-11-2019 của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và được định giá trị là hơn 1,3 tỷ đồng.

Căn cứ khoản 5, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định; điểm C, khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 quy định các hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm; khoản 7, Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Điểm đột phá đã hình thành, Đại úy Thành cùng các đồng đội nhanh chóng phá án.

Sau một thời gian theo dõi, ngày 29-3-2021, tổ công tác của 2 đơn vị phối hợp phát hiện 2 chiếc xe ô tô nghi vấn tại khu vực xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội. Xác định đây là thời điểm phá án thích hợp, trinh sát đã tiến hành kiểm tra, đưa các đối tượng có liên quan về trụ sở gồm: Nguyễn Văn Sự (SN 1980, trú tại thị trấn Hợp Hòa, Tam Dương, Vĩnh Phúc); Gu Hoang Fei (SN 1984, quốc tịch Trung Quốc); Nguyễn Thị Chính và Hoàng Thị Hiền Phương (SN 1984, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội).

Ngay sau khi bắt giữ đối tượng, Đại úy Thành đã trực tiếp đấu tranh với Chính và Sự để khai thác triệt để, làm rõ nguồn gốc số vảy tê tê và địa điểm cất giấu hàng. Từ lời khai của đối tượng, anh đã đề xuất tiến hành lệnh khám xét khẩn cấp đối với nơi ở của gia đình ông Vũ Văn Tám, lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Hà (SN 1988, trú tại Hợp Hoà, Tam Dương, Vĩnh Phúc), đối tượng có hành vi giúp sức cho Chính trong việc thực hiện cất giấu vảy tê tê tại nhà ông Vũ Văn Tám. Sau khi về trụ sở, Hà có thái độ không hợp tác, không khai báo bởi cho rằng cơ quan điều tra không có tài liệu, chứng cứ để buộc tội.

Khi ấy, Đại úy Thành đã không quản vất vả để tìm hiểu hoàn cảnh của Hà. Cùng với việc giáo dục, thuyết phục, anh đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng. Cuối cùng thì Hà cũng phải khai nhận mọi hành vi phạm tội. Vụ án khép lại với 4 đối tượng bị truy tố về tội danh buôn bán hàng cấm; 1 đối tượng về tội danh vận chuyển hàng cấm. Vụ án gây tiếng vang trong cả nước, tháo gỡ điểm nghẽn trong các vụ việc tương tự. “Tôi hạnh phúc với đóng góp nhỏ của mình. Công sức, thành tích là của tập thể, của đồng chí đồng đội” - Đại úy Phương Văn Thành, người vừa được tôn vinh “Gương mặt trẻ công an xuất sắc tiêu biểu năm 2022” khiêm tốn chia sẻ…