Giá được quan tâm đúng mực hơn

ANTĐ - Từng là một hộ lý trước khi nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Bàn (63 tuổi, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thấy trăn trở trước thông tin có liên tiếp 5, 6 ca tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh tại một số BV phụ sản chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng qua.

- Trong 6 ca tai biến sản khoa mới đây, thấy BV nào cũng lý giải nguyên nhân tử vong sản phụ là khách quan, bất khả kháng? 

- Tôi biết sản khoa luôn là lĩnh vực có tỷ lệ tử vong cao nhất trong ngành y tế. Do đó, việc có gần 10 ca tử vong tại các BV được báo cáo trong gần nửa tháng vừa qua, về lý thuyết không có gì là nhiều. Điều tôi cảm thấy bứt rứt, băn khoăn hơn là trong số những ca tử vong nói trên có những ca mà nếu được y bác sĩ quan tâm đúng mực hơn, xử lý nhạy bén hơn thì biết đâu họ đã có thể qua khỏi.

- Nghĩa là có những sản phụ, trẻ sơ sinh tử vong “oan” vì y bác sĩ “vô cảm”?

- Tai biến sản khoa có thể diễn ra rất nhanh nhưng phần nhiều có thể phòng ngừa được. Điều quan trọng nhất là người y bác sĩ có trình độ, có tâm thì phải tiên lượng được diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân để đưa ra chỉ định kịp thời, chẳng hạn không đẻ thường được thì cho đẻ mổ, khó hơn thì cho chuyển viện. Đằng này có những ca tử vong chỉ vì bác sĩ bắt bệnh nhân chờ đẻ thường, bất chấp người nhà bệnh nhân khẩn thiết xin đẻ mổ, lại có ca sau khi tử vong thì BV tuyến trên đổ lỗi cho BV tuyến dưới chuyển lên muộn còn BV tuyến dưới đổ lỗi cho tuyến trên không mổ kịp thời… Quả là hết sức đau lòng.  

- Tình trạng này khiến các bà mẹ khi nằm lên bàn đẻ hết sức lo âu?

- Trình độ y học đã tiến bộ rất nhiều, điều kiện chăm sóc sức khỏe khi mang thai của các sản phụ cũng đã được cải thiện rất nhiều nhưng sự yên tâm của người bệnh khi giao phó tình trạng của mình cho y bác sĩ trong lúc vượt cạn vẫn chưa được cải thiện. Dù từng công tác trong ngành y nhưng bản thân tôi suy nghĩ rằng, đó có cả lỗi của ngành y.