Gia đình cố nhà văn Sơn Tùng trao tặng hơn 1.000 bức ảnh, tư liệu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 1000 bức ảnh, tư liệu vừa được gia đình cố nhà văn Sơn Tùng trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III vào sáng ngày 9/3 tại Hà Nội.

Đây là lần thứ hai Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tiếp nhận khối tài liệu lớn của nhà văn Sơn Tùng do gia đình trao tặng.

Các tư liệu gồm rất nhiều hình ảnh về hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong đó có khối tư liệu, hình ảnh về quê hương, gia đình, cuộc đời và quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổng Bí thư Lê Duẩn; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng... cùng nhiều tư liệu, hình ảnh về các nhà chí sĩ yêu nước tiền bối. Bên cạnh đó, trung tâm cũng tiếp nhận khối tài liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp và đời sống của nhà văn Sơn Tùng.

Những tư liệu chân thực, sinh động, đa dạng cùng với những tác phẩm được viết từ chính ngòi bút của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - nhà văn Sơn Tùng đã khắc họa cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của dân tộc; những đóng góp của đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Gia đình cố nhà văn Sơn Tùng trao tặng tư liệu

Gia đình cố nhà văn Sơn Tùng trao tặng tư liệu

Đây là nguồn thông tin tin cậy, quý giá về các chặng đường lịch sử của dân tộc. Ngoài ra, thông qua những tư liệu được gia đình trao tặng Trung tâm lần này để hiểu rõ hơn về đóng góp của nhà văn Sơn Tùng với nền văn học nghệ thuật nước nhà và với công tác lưu trữ quốc gia. Nhà văn Sơn Tùng không chỉ là một thương binh nặng, một người có công với nước mà còn là tấm gương về nhân cách và sự nỗ lực phi thường trong lao động.

Phát biểu tại lễ trao tặng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Trần Việt Hoa đã bày tỏ lòng cảm ơn đối với gia đình cố nhà văn Sơn Tùng đã tin tưởng và trao tặng cho đơn vị khối tài liệu có ý nghĩa này. Đồng thời, bà Trần Việt Hoa còn cho biết, với điều kiện bảo quản đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt, khối tài liệu của cố nhà văn sẽ được lưu trữ cẩn thận, cho con cháu mai sau hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng Lao động, nhà văn Sơn Tùng.

Con trai nhà văn Sơn Tùng, ông Bùi Sơn Định chia sẻ, trong số các tài liệu trao tặng lần này, có nhiều bức ảnh rất quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh được bố anh sưu tầm trong quá trình tìm hiểu về cuộc đời của Bác.

Ông Bùi Sơn Định cho biết, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh là viết về một con người vĩ đại nên tư liệu phải chuẩn xác và dày dạn. Quá trình này được nhà văn Sơn Tùng tích lũy từ thời trẻ cho tới năm 1982 mới bắt tay vào viết tác phẩm "Búp sen xanh".

Theo ông Bùi Sơn Định, đó là một quá trình đổ bằng máu, nước mắt và mồ hôi. Đặc biệt là khoảng thời gian nhà văn Sơn Tùng là một thương binh nặng, gia cảnh khó khăn nhưng vẫn quyết tâm lên đường vào Nam, tới những nơi Bác và gia đình đã sống và làm việc để gặp lại những nhân chứng, tìm kiếm thông tin và ghi chép cẩn thận rồi xâu chuỗi các sự kiện một cách chính xác. Trong hành chính đó, vợ nhà văn là người trợ lực đắc lực để ông hoàn thành tâm niệm của mình.

Cũng theo ông Bùi Đăng Định, trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục trao tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III bản thảo viết tay "Búp sen xanh" rất có giá trị của cố nhà văn Sơn Tùng.

Nhà văn Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Tùng (sinh năm 1928 tại Nghệ An, mất ngày 22/7/2021 tại Hà Nội). Ông là nhà văn Việt Nam với nhiều tác phẩm về lãnh tụ Hồ Chí Minh và các danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết "Búp sen xanh" viết về cuộc đời Hồ Chí Minh.

Tư liệu do gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng

Tư liệu do gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng

Nhà văn Sơn Tùng có 10 năm (1944-1954) hoạt động cách mạng ở quê nhà, như: Làm giao thông mật cho hai huyện Diễn Châu và Yên Thành; Bí thư đoàn thanh niên Cứu quốc xã Diễn Kim; Bí thư huyện đoàn Thanh niên cứu quốc huyện Diễn Châu và tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Nghệ An.

Cuối năm 1967, ông xung phong vào chiến trường Đông Nam Bộ (B2) thành lập báo Thanh niên Giải phóng thuộc Trung ương cục miền Nam, Bí thư Chi bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đoàn Thanh niên miền Nam. Từ thực tế chiến trường, ngoài viết tin bài, Ông còn làm thơ, viết ký, truyện ngắn gửi ra Bắc đăng trên báo Tiền Phong. Ông miệt mài ghi chép tài liệu với ý thức chuẩn bị cho các tác phẩm sau này.

Ngày 15/4/1971, máy bay Mỹ bắn phá vào căn cứ mới sơ tán của Trung ương Cục, Sơn Tùng bị thương rất nặng do mảnh đạn M79 găm vào người. Ông bị 14 vết thương, 3 mảnh trong đầu không lấy ra được và 1 mảnh ở vai trái; bàn tay phải co quắp, chỉ có 2 ngón cử động được; mắt phải còn 1/10, phải đưa ra Bắc điều trị, mất 81% sức khỏe, nhà nước xếp hạng 1/4 và có người chăm nuôi suốt đời.

Sau khi kết thúc chiến tranh (1975), Bắc Nam thống nhất một nhà, ông cùng vợ là bà Phan Hồng Mai lặn lội vào Sài Gòn, Cao Lãnh, Phan Thiết, Huế tìm đến những nơi mà một thời Bác và gia đình Bác đã sống và làm việc để hỏi han ghi chép lại những câu chuyện về Bác và gia đình...

Nhà văn Sơn Tùng không chỉ là một chiến sĩ tham gia hoạt động trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ông là một phóng viên, một nhà tuyên truyền và hơn hết, Ông còn là một nhà văn với nhiều sáng tác thuộc các thể loại khác nhau: tiểu thuyết, truyện, kịch bản phim... Một trong những đề tài được ông tâm huyết và dày công sáng tác đó là đề tài viết về Bác Hồ và các danh nhân văn hóa của dân tộc.

Dù trong công tác, làm báo hay khi đã vào chiến trường, rồi khi hòa bình lập lại, mặc dù bị thương tật, thị lực kém, ông vẫn luôn nhiệt huyết, viết, tìm gặp nhân chứng liên quan đến đề tài để viết. Ông đã viết rất nhiều tác phẩm về chủ đề Bác Hồ và các danh nhân, trong đó có 16 đầu sách viết về Bác Hồ, nổi bật với tác phẩm "Búp sen xanh" là cuốn sách nằm lòng của nhiều lớp thiếu niên và thế hệ người dân Việt Nam...

Cuối tháng 6/2010, nhà văn Sơn Tùng lâm bệnh nặng do vết thương sọ não tái phát làm chảy mãu não, liệt toàn thân. Hơn 10 năm nằm bất động trên giường bệnh, ông không còn sáng tác được nữa. Ngày 22/7/2021 ông trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng trong Ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Thi hài ông được đưa về quê nhà an táng.

Ghi nhận công lao đóng góp của nhà văn Sơn Tùng về đề tài Hồ Chí Minh và danh nhân cách mạng thời kỳ cứu nước, nghị lực phi thường của một thương binh nặng “Tàn nhưng không phế”, ngày 14/7/2011 Nhà nước Việt Nam phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lao động (Quyết định số: 1083- QĐ/CTN).

Một số bức ảnh được trao tặng lần này: