Không khó để lý giải vì sao vũ khí lại “rơi” vào tay thanh niên, học sinh bởi những người trong độ tuổi này chưa “chín” về suy nghĩ, tính cách và điều đặc biệt là tâm lý hành động thường theo lối bốc đồng. Khi được hỏi vì sao lại mang theo dao kiếm giấu trong cốp xe, một học sinh đã “thẳng thắn” đến sởn gai ốc: Bạn bè có thì mình cũng phải có cho khỏi… lạc hậu. Nhắc tới bố mẹ, gia đình, cậu học sinh này vừa cười vừa thừa nhận “có ai biết mà quản lý”.
Rõ ràng, hành động, suy nghĩ và việc làm của số thanh thiếu niên trên đúng hay sai được quyết định khá nhiều bởi công tác quản lý của gia đình. Bố mẹ “lỏng” khâu giám sát, giáo dục con cái, điều này đã dẫn tới con em họ bập vào những thói hư tật xấu khá nhanh. Mà thói hư tật xấu thì dễ mắc nhưng khó bỏ nếu không có ý chí, sự quyết tâm của người vi phạm và định hướng, giúp đỡ của gia đình, xã hội.
“Không thể có chuyện con cái vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường cứ tối tối lại đi chơi đêm đến 2-3h sáng mới về; đi vào quán bar, mang theo dao kiếm và sử dụng thuốc lắc, súng tự chế... mà gia đình, bố mẹ không hề hay biết”, Giám đốc CATP Hà Nội đã khẳng định như vậy. Trong những vi phạm này có thể xuất hiện các trường hợp sau: một là gia đình bố mẹ học sinh, thanh thiếu niên đó không biết thật vì họ mải mê công việc, bỏ rơi con cái, hai là họ biết nhưng bất lực trước những việc làm, hành động vi phạm của con em mình.
Cả hai trường hợp trên đều đáng trách bởi suy cho cùng, gia đình là tế bào của xã hội mà con cái chính là tài sản quý giá nhất của mỗi gia đình. Việc chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ con em trước tiên phải là trách nhiệm của phụ huynh, các gia đình. Không thể lấy bất cứ lý do gì bào chữa cho những hành vi sai trái của con em mình cũng như đổ thừa trách nhiệm của bản thân cho xã hội. Đành rằng những quy định của pháp luật có đủ căn cứ, hướng dẫn để xử lý nhưng tất cả đều là điều chỉnh hành vi của người vi phạm theo tính cưỡng bức. Những quy định, điều chỉnh của hệ thống pháp luật cũng không thể thay thế được trách nhiệm, tình yêu thương từ phía cha mẹ, gia đình.