GDP cả năm tăng 8,02%, cao nhất giai đoạn 2011-2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tăng 8,02% nhờ tăng trưởng mạnh vào quý II và quý III năm nay. Đây là mức tăng GDP cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
GDP năm 2022 tăng mạnh nhất giai đoạn 2011-2022

GDP năm 2022 tăng mạnh nhất giai đoạn 2011-2022

Sáng nay (29-12), Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế- xã hội quý IV-2022 và cả năm 2022. Theo đó, GDP quý IV-2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019.

Như vậy, cùng với mức tăng 5,05% trong quý I; 7,83% trong quý II và 13,71% trong quý III, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước.

Bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Về sử dụng GDP năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021, đóng góp 49,32% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,75%, đóng góp 22,59%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,16%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 28,09%.

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2022 giảm 0,01% so với tháng trước nhưng tăng 4,55% so với tháng 12-2021. CPI bình quân quý IV-2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.