GDP 9 tháng tăng cao nhất trong 12 năm qua

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm nay tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.
GDP quý III tăng 13,67%, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ

GDP quý III tăng 13,67%, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ

Sáng nay (29-9), Tổng cục Thống kê họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội quý III-2022 và 9 tháng đầu năm.

Theo đó, GDP quý III này ước tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, do quý III/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về sử dụng GDP quý III/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 38,21% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 8,7%, đóng góp 21,13%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,32%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,72%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 40,66%.

Tính chung 9 tháng, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.

Bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%”.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 9 tháng năm 2022 đạt 10,57%, cao nhất của 9 tháng các năm 2011-2022.

Các tổ chức quốc tế dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022

Các tổ chức quốc tế dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022

Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,26% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 44,46% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 5,59%, đóng góp 18,46%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,74%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 37,08%.

Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong Báo cáo điểm lại tháng 8/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau hai năm tổn thương, nhưng phải đối mặt với những thách thức trong nước cũng như môi trường kinh tế toàn cầu bất lợi trong ngắn hạn và trung hạn.

WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Lạm phát bình quân dự báo 3,8% trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố.

Tuy vậy, trong trung hạn, WB dự báo nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro lớn, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng như: Sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 cùng với hoạt động kinh tế gián đoạn vẫn là rủi ro chính; Áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh hơn, nhất là tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hơn nữa, nhất là vào thời điểm các hoạt động kinh tế đang chững lại;

Tình trạng giãn cách y tế ở Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế này, gây ảnh hưởng đến các chuỗi giá trị toàn cầu trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, căng thẳng và xung đột địa chính trị gia tăng càng làm tăng bất ổn trước mắt và có thể dẫn đến chuyển đổi cơ cấu dài hạn của nền kinh tế toàn cầu.

Còn theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam, ngược với xu hướng tăng trưởng chậm lại ở những quốc gia châu Á khác. IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022. Việt Nam là quốc gia duy nhất được điều chỉnh tăng trưởng đáng kể trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Trong báo cáo tháng 8/2022, Moody đánh giá rất tích cực đối với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022. Theo đó tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 8,5%, cao nhất so với các nền kinh tế trong khu vực. Ngày 6/9/2022, Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. CPI tăng chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023.

So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.