Chuyển đổi số có thể góp 1.000 tỷ USD vào GDP của ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN đang tăng tốc để bứt phá trong chuyển đổi số mà nếu áp dụng thành công, chương trình có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm tới, giúp Hiệp hội vươn lên dẫn đầu về khả năng cạnh tranh toàn cầu với vị thế là một trong những trung tâm sáng tạo số hàng đầu thế giới.
Việc đã cấp gần 72 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử đã góp phần tích cực vào chuyển đổi số quốc gia

Việc đã cấp gần 72 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử đã góp phần tích cực vào chuyển đổi số quốc gia

Hướng tới mục tiêu 5 nền kinh tế số hóa trên thế giới

ASEAN có những điều kiện, cơ sở để hiện thực hóa sự kỳ vọng về chuyển đổi số cũng như tham vọng về phát triển kinh tế số khi khu vực có tới hơn 90% số người trẻ dưới 30 tuổi tiếp cận với Internet. Thị trường Internet ASEAN là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.

Với 125.000 người dùng mới truy cập Internet mỗi ngày, nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN dự kiến sẽ phát triển đáng kể, bổ sung ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD vào GDP khu vực trong 10 năm tới. Trong đó, số người lên mạng trên điện thoại di động lên đến 3,6 giờ mỗi ngày, cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Thời gian sử dụng Internet và tỷ lệ người sử dụng Internet cao sẽ được nâng lên khi ASEAN có chính sách và hành động nhằm giảm giá thành, tăng tốc độ và tăng độ phủ sóng Internet băng thông rộng đáng tin cậy đến các khu vực chưa được phục vụ.

Trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 đang tái định hình môi trường kinh tế số năng động của thế giới, khu vực ASEAN với hơn 400 triệu người dùng Internet sẽ là môi trường giàu tiềm năng mang lại cơ hội đặc biệt cho phát triển kinh tế số. Chuyển đổi số ASEAN được xem như cách thức thoát khỏi khủng hoảng Covid-19, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tăng cường kết nối, nâng cao vị thế của ASEAN.

Xét về dư địa, kinh tế số có tiềm năng phát triển rất lớn với khu vực bởi hiện nay kinh tế số mới chỉ chiếm tỷ trọng 7% GDP trong khu vực ASEAN, so với mức 16% ở Trung Quốc, 27% ở châu Âu và 35% ở Mỹ. Nền kinh tế số ASEAN sẽ rút ngắn được khoảng cách với những thị trường phát triển hơn về tỷ lệ đóng góp vào GDP.

Hơn nữa, phát triển kinh tế số sẽ giúp cộng đồng ASEAN gắn kết chặt chẽ hơn, là cơ hội để các quốc gia ASEAN thay đổi vị thế, tăng năng suất lao động và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2025, Đông Nam Á có tiềm năng trở thành một trong 5 nền kinh tế số lớn nhất thế giới. Hiện nay tất cả quốc gia thành viên đã ký kết nhiều thỏa thuận nhằm thúc đẩy khu vực hướng tới cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo báo cáo của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Kearney, các quốc gia thành viên ASEAN đang tích cực thực hiện từng bước vững vàng trong hành trình chuyển đổi số. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng chưa từng thấy trong nhu cầu về kỹ năng số, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái giáo dục đào tạo thuận lợi cùng khả năng phát triển nguồn nhân lực số.

Để đạt mục tiêu trở thành một trong 5 nền kinh tế số hóa trên thế giới trước năm 2025, ASEAN đang tập trung vào những giải pháp mở rộng phát triển kinh tế số. Theo đó, ASEAN thúc đẩy mở rộng kết nối không gian mạng - xương sống của nền kinh tế số. Các thành viên Hiệp hội khuyến khích thanh toán số, là một trong những trụ cột căn bản để tạo nên nền kinh tế số. ASEAN cũng hướng tới hệ thống giáo dục linh hoạt hơn trong việc phát triển các kỹ năng cần thiết để vận hành trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Các nước ASEAN đang tích cực đầu tư vào nhiều dự án phát triển thông tin, truyền thông. Nổi bật trong đó là các sáng kiến tạo ra một ASEAN phẳng, không chuyển vùng quốc tế, thành lập trường đại học về công nghệ thông tin và truyền thông của ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thành lập Trung tâm chia sẻ thông tin an ninh mạng ASEAN…

Đề án 06 góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

Cùng với xu thế chung, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan và đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng, hàng ngày trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước ta. Chúng ta hiện đang tăng tốc nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số để xây dựng một Việt Nam số (Digital Vietnam).

Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6-2020 đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kể từ đó, hàng loạt chính sách mới được ban hành và 2020 được xem là năm khởi đầu trên con đường chuyển đổi số quốc gia.

Nếu coi 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, thì 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch. Kết quả, chuyển đổi số Việt Nam đã ghi nhận nhiều bước tiến lớn. Trong lĩnh vực thanh toán điện tử, sau hơn một năm triển khai thí điểm, tính đến hết tháng 8-2022, tổng số người đăng ký và sử dụng tài khoản Mobile Money đạt gần 2,2 triệu người. Trong đó, số lượng người dùng tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 1,5 triệu người, chiếm gần 70%.

Công cuộc chuyển đổi số tại nước ta đến nay đã đạt kết quả quan trọng trên cả ba trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Về Chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã đạt hơn 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 67,8% và tỷ lệ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến là 43,2%. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 10,41%, tăng so với mức 9,6% hồi cuối 2021. Số lượt người dùng hàng tháng trên các nền tảng số di động Việt Nam đã tăng hơn 100 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2021.

Một trong những điểm nhấn của chuyển đổi số tại nước ta là Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Theo đó, từ 1-7-2021, Bộ Công an đã xây dựng, triển khai thành công Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chính thức đưa vào vận hành. Tính đến đầu tháng 10, hệ thống đã cấp hơn 71,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước sớm ứng dụng định danh điện tử và phổ cập danh tính số trên thế giới.

Điểm nổi bật là Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, cấp độ 4; đồng thời, mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng Công an nhân dân, trong đó việc cấp hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký ôtô, xe máy về cấp huyện, cấp xã được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Tính đến ngày 31-7-2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số Cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương.

Thông tin về giáo dục của gần 1,9 triệu công dân; thông tin hộ chiếu của trên 1,3 triệu công dân; thông tin của trên 1 triệu thuê bao di động để giải quyết dứt điểm tình trạng SIM rác... Các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp đẩy mạnh ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử; cấp trên 67 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đạt được cho thấy triển khai Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn, đã mang lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực trong quản lý, điều hành của các cấp, ngành và hoạt động kinh tế, xã hội của người dân, doanh nghiệp, qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, quản trị thông minh, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.