Gạo trắng quá cũng không tốt

ANTĐ - Hầu hết mọi người bây giờ thích ăn “gạo trắng” nhưng không để ý rằng sau quá trình xay xát và đánh bóng gạo, lớp vỏ rất mỏng của cám gạo đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và protein đã bị mất đi.

Vì thế, hàng tỷ người dân châu Á hàng ngày ăn cơm mà không ý thức được sức khỏe phần nào bị ảnh hưởng vì gạo trắng.

3 tác động lớn đến sức khỏe

Trong ba tác động tiêu cực lớn đến sức khỏe, đầu tiên là gạo trắng bóng đã bị loại bỏ hầu hết các vitamin và khoáng chất vốn rất quan trọng cho sức khỏe. Trong chiến tranh thế giới II, tại trại tù Cabanatuan ở Nueva Ecija, một tỉnh thuộc miền Trung Luzon, Philippines, các tù nhân Mỹ bị bệnh tê phù do thiếu vitamin B1. Đến khi họ thuyết phục cai ngục Nhật Bản để cho họ nấu cám gạo bỏ đi trong quá trình xay xát, căn bệnh khỏi hẳn. Tại sao? Vì cám gạo có chứa vitamin B và thiamine, chìa khóa để ngăn chặn có tên khoa học beriberi.

Thứ hai liên quan đến bệnh tiểu đường, một căn bệnh âm thầm nhưng có tốc độ phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Chính lớp vỏ cám bị loại bỏ trong quá trình xay xát gạo có chứa chất dinh dưỡng giúp bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường. Thêm vào đó, gạo trắng quá góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bởi nó làm lượng đường trong máu tăng nhanh hơn so với gạo nâu (xát rối).

 Nhiều người vẫn quan niệm gạo càng trắng càng ngon

 Nhiều người vẫn quan niệm gạo càng trắng càng ngon

Theo tờ New York Times, một nghiên cứu của Đại học Harvard năm 2010 cho thấy những người ăn gạo trắng ít nhất năm bữa một tuần có thể có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn 20% so với những người ăn ít một tháng một lần. Vì thế, nhiều người đã chuyển sang ăn gạo nâu, gạo lứt theo khuyến nghị của bác sỹ do lo ngại về bệnh tiểu đường.

Cuối cùng, xát hay đánh bóng gạo còn làm giảm hàm lượng protein của nó, vì thế có thể tăng độ chênh giữa chế độ đầy đủ dưỡng chất với suy dinh dưỡng.
Điểm mấu chốt của cả 3 khía cạnh tác động trên là: Gạo càng trắng bóng, càng không có lợi cho sức khỏe.

Chiến dịch trở lại với gạo xát rối

Có một sự thực là hầu hết chế độ ăn của người châu Á từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam… đều dùng gạo trắng đã xát kỹ và được đánh bóng. Tác giả bài viết này gồm một giáo sư Đại học Hoa Kỳ và một chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách Philippines đã khảo sát hầu hết những người bạn khắp  Philippines, mọi người đều rất quan tâm nhưng hầu hết chưa đủ động lực để chuyển sang ăn gạo lứt (cũng gọi là gạo lức). Lý do được đưa “Trẻ con ăn gạo trắng dễ tiêu hóa hơn” hay “gạo trắng vị ngon hơn” hoặc “Khó mà tìm được gạo chưa xát bây giờ”.

Hai chuyên gia trên cũng đã tìm hiểu sách lịch sử và phát hiện ra rằng 150 năm trước, người dân trên khắp châu Á ăn gạo lứt với số lượng lớn. Khi người phương Tây xây dựng các nhà máy xay xát gạo lớn, người dân ở đây cảm giác gạo trắng có vị lạ hơn và dần dần họ đã quen với nó. Thương nhân xuất khẩu gạo yêu cầu gạo xuất đi phải là gạo trắng bóng nên gạo trắng ngày càng phổ biến. Thậm chí sau nhiều năm, một quan niệm được hình thành, gạo lứt được coi như gạo “bẩn” và chỉ hợp với người nghèo, còn ăn gạo trắng mới là hiện đại.

Vì vậy, có lẽ đã đến lúc mở chiến dịch lớn để người tiêu dùng trở lại với gạo lứt. Có thể nói chắc chắn hiện tỷ lệ không nhỏ các bà nội trợ chưa hiểu hết giá trị của gạo lứt và bản thân gạo lứt trong đời sống hiện đại cũng có một số hạn chế: Đó là khi bảo quản, nếu để lâu, chất dầu trong lớp cám sẽ bị hư, gạo sẽ có mùi, khó sử dụng được. Trước khi nấu, phải ngâm gạo từ 25 đến 30 phút để làm mềm lớp cám bên ngoài, thời gian chín cơm cũng lâu hơn. Sau khi nấu chín, cơm gạo lứt không nở như gạo trắng, vì nó hầu như vẫn giữ được cấu trúc nguyên hạt.

Khi ăn, bạn sẽ có cảm giác hơi sạn, không mịn như cơm gạo trắng. Về mặt mỹ quan: hạt gạo xay xát, đánh bóng thì bắt mắt hơn gạo lứt nhiều lần... Điều cần lưu ý nhất là gạo lứt chứa lượng calo cao hơn gạo đã xay xát 10% nên ăn ít, no lâu.