"Em cho anh đôi mắt của em" trên sân khấu Hà Nội

(ANTĐ) - Nhà hát kịch quốc gia Việt Nam và Công ty Biểu diễn Nghệ thuật Quốc tế (FEI), với sự hỗ trợ của Viện Sân khấu Nghệ thuật và Âm nhạc Tây Ban Nha, Bộ Văn hóa Tây Ban Nha, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam và Bộ Văn hóa Việt Nam, sẽ giới thiệu vở kịch “Em cho anh đôi mắt của em”, được chuyển thể sân khấu từ bộ phim cùng tên, trên sân khấu Nhà hát Lớn HN.

"Em cho anh đôi mắt của em" trên sân khấu Hà Nội

(ANTĐ) - Nhà hát kịch quốc gia Việt Nam và Công ty Biểu diễn Nghệ thuật Quốc tế (FEI), với sự hỗ trợ của Viện Sân khấu Nghệ thuật và Âm nhạc Tây Ban Nha, Bộ Văn hóa Tây Ban Nha, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam và Bộ Văn hóa Việt Nam, sẽ giới thiệu vở kịch “Em cho anh đôi mắt của em”, được chuyển thể sân khấu từ bộ phim cùng tên, trên sân khấu Nhà hát Lớn HN.

Vở kịch sẽ được công diễn vào ngày 5/11/2009 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và trình diễn hai buổi nữa vào các ngày 8 và 9/11/2009, dành cho các sinh viên đang học tiếng Tây Ban Nha tại Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bộ phim gốc do Iciar Bollain đạo diễn, với phần kịch bản do chính đạo diễn phim và Alicia Luna biên soạn, được công chiếu lần đầu tại Tây Ban Nha năm 2003 và đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía công chúng và các nhà phê bình. Bộ phim đã nhận được 7 giải thưởng Goya, trong đó có giải dành cho bộ phim hay nhất và giải đạo diễn hay nhất. Bộ phim cũng nhận được sự công nhận của các Liên hoan Phim, trong đó có thể kể đến Liên hoan phim Quốc tế San Sebastian, với hai giải thưởng dành cho diễn viên nam chính và diễn viên nữ chính hay nhất.

Vở kịch này được đạo diễn vùng Valencia của Tây Ban Nha Carme Portaceli chuyển thể sân khấu, với sự tham gia của nữ diễn viên Gabriela Flores và họa sĩ phối cảnh sân khấu Paco Azorin (về phía Tây Ban Nha) và dàn diễn viên và kỹ thuật viên của Nhà hát Kịch Việt Nam như Mai Hương, Minh Hiếu, Thái An, Phương Nga, Quỳnh Hoa, Văn Quan, Thu Thêu, Huy Hoàng, Hồng Quang, Lâm Tùng...

Em cho anh đôi mắt của em là một câu chuyện về bạo lực gia đình, một hình thức bạo lực đầy tính gia trưởng như hàng nghìn hình thức bạo lực khác. Nó cũng là một câu chuyện về tình yêu, về sự sợ hãi, về sự kiểm soát và về quyền lực. Câu chuyện kể về mối quan hệ giữa Pilar và Antonio, cũng như về những người xung quanh họ, về một người mẹ đã vờ như không hề hay biết và chấp nhận mối quan hệ đó, về một người em gái muốn chấm dứt những đòn roi giáng xuống chị mình nhưng lại không biết phải làm thế nào, về những người bạn đã giúp đỡ Pilar và về một xã hội đã cụp mắt xuống trước một sự thực hiển nhiên.

Em cho anh đôi mắt của em tìm cách tiếp cận nỗi sợ hãi dai dẳng, nỗi sợ hãi thiêu hủy hoàn toàn khả năng phát triển của mỗi cá nhân . Vở kịch nói về những quyết định đúng đắn, về sự thiếu niềm tin trong những thời điểm khủng hoảng, về sự yếu ớt của kẻ mạnh và về sức mạnh của những kẻ yếu. Câu chuyện đề cập tới vấn đề bạo lực giới  và vượt lên trên cả là hành vi ứng xử của toàn xã hội, nó bao quát chủ đề này trên phương diện tổng thể phức hợp và đưa ra một cá nhìn đa diện về các nguyên do và cách hành xử của những nhân vật chính cũng như những người sống xung quanh họ.

Nhằm nâng cao nhận thức về một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, bộ phim đưa ra những giải pháp có thể giúp thay đổi dần sự thống trị của  nam giới thông qua một quá trình xây dựng và giành lại vị thế của người phụ nữ, xóa bỏ những định kiến văn hóa và từ đó thúc đẩy sự tự giải phóng của nữ giới. Đối với đạo diễn Carme Portaceli, chuyển thể sân khấu vở kịch này quả là một thử thách và nó mang lại cơ hội đưa đến một đất nước xa xôi với một nền văn hóa khác lạ “một  đề tài quan trọng đến vậy với tất cả mọi người, một đề tài đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn tại đất nước của chúng tôi: đề tài về bạo lực giới.” Một vấn đề mà chúng ta cần trực tiếp đối mặt để tìm lại sự công bằng mà mọi con người đều có quyền được hưởng.

Đây là một vở kịch được dàn dựng độc đáo dành cho tất cả mọi người, có phụ đề tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt và tiếng Anh. Một cơ hội để nhìn những thứ được giấu trong những cái nhìn, những bí mật được cất kín, một cơ hội để tra vấn điều đã được xác lập.

Phú Duy