- Ngành đường sắt bị bỏ quên, chẳng khác nào "con rơi"
- Nâng cao năng lực, trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt
- Luật hóa đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc
Đi trên con đường độc đạo nhưng ngành đường sắt vẫn khó tăng tốc vì nhiều lực cản
Vừa lạc hậu, vừa trì trệ
Cũng theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh, thời gian qua việc xả thẳng chất thải ra môi trường của ngành đường sắt đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, khiến người dân bức xúc. Do vậy, cần có biện pháp giải quyết triệt để vấn đề này. Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, việc sửa đổi Luật Đường sắt là cần thiết do quy định cũ đã lỗi thời, ngành đường sắt hiện đã quá lạc hậu, trì trệ không có lối ra, sự kết nối với các loại hình giao thông khác còn nhiều tồn tại.
So với Nhật Bản, năm 1879 Nhật đã có đường sắt, Việt Nam có tuyến đường sắt đầu tiên năm 1881. Song, đến năm 1964 Nhật có đường sắt cao tốc, còn chúng ta đến nay vẫn là đường sắt đơn khổ 1m với tốc độ trung bình thấp.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa phát biểu thảo luận
Sự trì trệ của ngành đường sắt còn thể hiện ở chỗ, năm 2013 khi Ủy ban Khoa học và Công nghệ (KHCN) tiến hành giám sát sau 30 năm đổi mới, ngành đường sắt chỉ có 2 ứng dụng khoa học công nghệ là phần mềm gửi nhân viên gác tàu về giờ tàu chạy qua điện thoại và cải tiến về tín hiệu còi.
Do vậy, ĐB Nguyễn Phi Thường kiến nghị, thời gian tới, định hướng phát triển đường sắt, đường sắt cao tốc là những vấn đề cần được xác định rõ. Và theo đại biểu này, Luật Đường sắt sửa đổi cần làm rõ kinh doanh kết cấu hạ tầng với quản lý Nhà nước và phải tách bạch, phải có mô hình kinh doanh, phải giao cho doanh nghiệp…
Cũng nói về sự tụt hậu của ngành đường sắt, ĐB Hoàng Bình Quân (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, “đường sắt của chúng ta không thể lạc hậu hơn được nữa vì có thể chúng ta đã đạt đến mức lạc hậu nhất thế giới rồi”.
Cũng theo ĐB Hoàng Bình Quân, Dự thảo dường như chấp nhận quy hoạch đường sắt hiện nay để rồi nâng lên, cải thiện chứ chưa tiếp cận dưới góc độ là khắc phục những tồn tại hiện nay của ngành đường sắt. “Không có luật mở đường thì không bao giờ có thể giải quyết được việc này... Phải có cách tiếp cận mạnh dạn để thay đổi, để đường sắt thực sự an toàn” - ĐB Hoàng Bình Quân nói.
Về đường ngang dân sinh, có ý kiến cho rằng, không nên đưa vấn đề này vào Luật Đường sắt (sửa đổi). Song ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng, dù có đưa vào hay không thì nó vẫn tồn tại. Hiện cả nước có 6.000 đường ngang dân sinh nhưng chỉ có 1.500 đường ngang hợp pháp.
Để đảm bảo an toàn giao thông, ngành và chính quyền các địa phương cần giải quyết cấp bách vấn đề này, trong đó vai trò của địa phương là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc phát triển đường sắt đô thị phải coi như xương sống của phát triển giao thông đô thị. Vấn đề cấp thiết là phải làm thế nào để kết nối, phát huy hiệu quả của nó.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiêu chuẩn hóa, nâng cấp hệ thống đường sắt
Cần tách bạch hạ tầng với vận tải
Phát biểu trong buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, phải tách bạch hạ tầng và vận tải. Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, đường sắt nay đang là “độc canh”. Một đơn vị quản lý tất cả, toàn diện. Hướng của Bộ GTVT là tách bạch rõ hạ tầng riêng, vận tải riêng.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) cho biết, việc cơ cấu lại đường sắt theo hướng kinh doanh hạ tầng độc lập với kinh doanh vận tải là rất phù hợp. ĐB Đinh Văn Nhã bày tỏ quan điểm: “Làm như vậy mới khách quan, chống được chuyển giá nội bộ. Tôi hoàn toàn đồng ý với dự thảo, quy định như vậy rất rõ ràng, minh bạch”.
Về việc đầu tư cho đường sắt thời gian qua, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhận định, đường sắt của chúng ta từ thời Pháp để lại đến giờ không những không làm thêm được gì, thậm chí còn phá bớt đi. Trong điều kiện hiện nay, mặc dù hạ tầng đường sắt rất lạc hậu chưa được đầu tư nhiều, nhưng thực chất, chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của hạ tầng đường sắt. Nếu đầu tư cho đường sắt, thời gian tới Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư tăng cường kết nối.