- Ngần ngơ ngắm nhìn ngôi đền chênh vênh trên đỉnh núi cao gần 2.000 m
- Phát hiện xác ướp 1.000 năm gần như nguyên vẹn
- Nghệ nhân đưa gốm Bát Tràng bay xa
Đường nước lớn thời Lý tiếp tục được tìm thấy
Ngày 28-12, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành Hội thảo Khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, thăm dò khảo cổ học khu vực chính điện kính thiên năm 2016”. Với diện tích khoảng 1.000m2, thuộc khu vực Bắc Đoan Môn, cuộc khai quật đã làm rõ tầng văn hóa dày xấp xỉ 4m với nhiều lớp kế tiếp nhau có niên đại kéo dài hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ VIII-IX đến XIX-XX) ở trục Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.
Lại tìm thấy “đường nước” bí ẩn
Năm 2013, trong lần khai quật ở khu vực chính điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một dấu tích kiến trúc lạ. Nhận định ban đầu được đưa ra, đây là đường thoát nước, chạy theo chiều Đông-Tây, dài hơn 16m, lòng rộng 35-50cm, sâu 1,5m. Trước đó, trong cuộc khai quật vào năm 2012, một đường nước thời Lý, với kích thước khổng lồ cũng đã được tìm thấy.
Nơi rộng nhất của đường nước này lên tới 2m, cao 2m xây bằng gạch vuông, gạch bìa và cọc gỗ. Trước đó, kiến trúc gạch khổng lồ này chưa từng được tìm thấy trong bất cứ di tích khảo cổ học nào ở Việt Nam, kể cả khu vực 18 Hoàng Diệu. Tiếp đến, trong các cuộc khai quật liên tục năm 2014-2015 đều tìm thấy dấu tích khá rõ nét về đường nước này.
Trong quá trình nghiên cứu mở rộng diện tích khai quật, các nhà nghiên cứu tiếp tục phát hiện những minh chứng về một đường nước lớn thời Lý ở Hoàng Thành, được sử dụng qua nhiều triều đại. Dấu tích này xuất lộ ở phía Nam hố khai quật.
Với phát hiện mới, đường thoát nước thời Lý đoạn Bắc-Nam tiếp tục chạy ra ngoài tường thành thời Nguyễn khu vực Đoan Môn, nhiều khả năng đổ ra sông Tô Lịch.
Hiện trạng cho thấy thành gạch bị phá hủy nhiều, kích thước rộng 2m, còn lại một số hàng gạch chữ nhật bó thành và hệ thống cọc gỗ gia cố phía trong. Với phát hiện này, đường nước thời Lý đoạn Bắc-Nam tiếp tục chạy ra ngoài tường thành thời Nguyễn khu vực Đoan Môn. PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ trì khai quật cho biết, nhiều khả năng đường thoát nước này đổ ra sông Tô Lịch.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thêm 2 di tích cống nước thời Lê sơ. Dấu tích cống nước nhỏ, chạy theo chiều Bắc-Nam đổ vào cống nước lớn. Hiện trạng khi xuất lộ chỉ còn lại phần vật liệu lát đáy cống, bao gồm gạch chữ nhật xám (48x28cm), gạch vuông xám đỏ (35-27x35-38cm), đá trắng và đá xanh, kích thước đáy cống là 0,4m.
Dấu tích cống nước lớn chạy dọc theo chiều Đông - Tây và song song theo hai tường bao phía Tây và Đông thời Lê sơ đổ ra ngoài tường thành Đoan Môn. Hiện trạng còn lại phần nền gạch vuông và gạch chữ nhật gia cố phần đáy cống và một phần nhỏ thành cống hai bên. Dấu tích có niên đại Lê sơ.
Vật liệu kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt các thời đại phát lộ qua cuộc khai quật
Nhận diện kiến trúc tổng thể
Mặc dù hố đào không lớn, các di tích chồng xếp, cắt phá rất phức tạp nhưng cuộc khai quật khảo cổ học năm nay đã tiếp tục làm rõ thêm một phần không gian chính điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng và Lê sơ. Xác định không gian kiến trúc quan trọng của Hoàng Thành thời Lý, các phát hiện mới này ngoài việc khẳng định kết luận sơ bộ của nghiên cứu trước vừa gợi mở thêm các nghiên cứu trong thời gian sắp tới.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết, ông từng tiến hành khai quật tại nhiều di chỉ ở Huế, Lam Kinh nhưng chưa đâu thấy mức độ phức tạp như Hoàng Thành. Điều này cho thấy Thăng Long xưa có nhiều biến động. Có một số ý kiến khẳng định, Hoàng Thành tồn tại 2 đường cấp và thoát nước, tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân cho biết chỉ có đường thoát nước.
Ví dụ như Lam Kinh, đường thoát nước cũng kiểu này nhưng nông, thấp hơn nền một chút. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, phần vừa khai quật tuy nhỏ nhưng độ phức tạp lại lớn hơn rất nhiều các cuộc trước. Ông kiến nghị, cần có nghiên cứu so sánh với bên Di chỉ 18 Hoàng Diệu ngay để tăng độ kết nối giữa các điểm khai quật.
“Đã 13 năm rồi, tích luỹ tư liệu của chúng ta cũng khá cao. Đề nghị nhóm khai quật với Hội đồng cần nghiên cứu liên ngành ngay lúc này. Nếu chỉ dựa vào các chỉ dấu của khảo cổ học sẽ rất lãng phí. Đường nước chúng ta thấy rõ rệt thì lý giải thế nào? Rõ ràng ta phải xem lại đường nước bên Di chỉ 18 Hoàng Diệu. Bên đó có nhưng nó không đóng thành quách như ở bên này”- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo bày tỏ quan điểm. Ông cũng đề nghị, tăng tốc độ khai quật lên chứ mỗi năm đào 1.000m2 thì rất lâu mới kết luận được.
Trong thời gian tới, việc mở rộng diện tích khai quật sẽ được tiếp tục. Một điều dễ dàng nhận thấy qua các nghiên cứu tiếp nối đó là dấu tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long với các tiêu chí nổi bật toàn cầu tiếp tục được minh chứng rõ thêm nhưng vẫn còn nguyên các bí ẩn dưới lòng đất đòi hỏi phải nghiên cứu kiên trì, tổng thể, lâu dài.