Đề cử danh hiệu “công dân thủ đô ưu tú” năm 2016:

Nghệ nhân đưa gốm Bát Tràng bay xa

ANTD.VN - Đến Bát Tràng vào một buổi sáng sớm, khi các gian hàng vẫn đang im lìm ngủ say, đã thấy ở một góc sân nghệ nhân Trần Độ đốc thúc những người thợ, nào là bình này phải làm thế nào, nào là chiếc lọ này phải bọc như thế nào kẻo vỡ… Sức vóc không còn như trước, thậm chí đã từng nghĩ đến chuyện nghỉ hưu nhưng rồi nghệ nhân Trần Độ vẫn không thể rời xa lò gốm.  

Theo nghệ nhân nhân dân Trần Độ nghề gốm là học bằng tay, bằng mắt và cả cái tâm

Ngược dòng tìm về gốm cổ

Không cần đi vào đến tận “rốn” làng, cứ thử hỏi bất cứ ai ở Bát Tràng cũng biết về nghệ nhân Trần Độ. Gốm Trần Độ nổi tiếng đến nỗi chẳng cứ riêng Hà Nội, người từ các tỉnh, thành phố, rồi cả những thương nhân nước ngoài như Anh, Canada, Pháp… đã về Bát Tràng là tìm tới tận gian hàng Trần Độ để đặt hàng.

Sản phẩm của ông được Chính phủ đặt hàng để làm quà tặng cho nhiều nguyên thủ, chính khách trên thế giới và ông cũng là người duy nhất ở Bát Tràng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Thế nhưng, trước những thành công hôm nay, ông chỉ nói một câu giản dị: “Tôi là con trai của Bát Tràng”.

Sinh ra thuộc thế hệ thứ 18 dòng tộc họ Trần làm gốm ở Bát Tràng, ông đã được chứng kiến những lúc thăng trầm, chuyển mình của ngôi làng. Ông còn nhớ y nguyên hình ảnh Bát Tràng ngày ấy, với cây cối xanh um, rồi lò bầu cổ…, những cảnh vật đẹp đẽ mà những đứa trẻ thế hệ ông mới có được.

Hồi ấy, chỉ có những nhà giàu mới mở được lò gốm, còn những người dân trong làng thường làm gia công cho các xí nghiệp. Gia đình Trần Độ cũng vậy. Cha ông là cụ Trần Văn Điều, nguyên thợ bậc 5 của xí nghiệp gốm Bát Tràng.

Từ khi lên 10 tuổi, Trần Độ được cha dẫn vào xưởng sản xuất, cho tập làm những công đoạn như vò đất, bắt vanh… Ông tự tay làm nên những vật dụng đơn giản như bát, chiêu, chén… và dần dần hoàn thiện kỹ năng nhờ sự chịu khó, không ngừng học hỏi của mình. 

 Qua thời gian, khi có điều kiện được va chạm với các sản phẩm gốm tinh xảo của nhiều thế hệ trước, cộng thêm việc được đi đến các đình, chùa, đền… Trần Độ bắt đầu mày mò làm gốm cổ. Trong lúc Bát Tràng đang phát triển mạnh mẽ dòng gốm xuất khẩu, người người chạy theo lợi nhuận thì việc phục dựng gốm cổ như Trần Độ chẳng khác nào “bơi ngược dòng nước”.

Người ta rầm rộ mua xe, mua nhà còn một mình ông lọ mọ chui vào một góc tìm đáp số cho riêng mình. “Ban đầu khi tôi thử làm những sản phẩm chưa được tròn trịa, nhiều bạn bè đồng nghiệp chê cười, thậm chí còn nói: “Làm cái này thì bán cho ai”. Lúc đấy, tôi cũng cảm thấy chạnh lòng lắm, nhưng cũng lại lấy đó làm động lực để theo đuổi công việc của mình”.

Dần dà, giới chơi cổ vật bắt đầu tìm về để đặt ông làm những mẫu vật cổ, rồi Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… cũng đưa những sản phẩm của ông về trưng bày, phục vụ du khách tham quan. 

Sản phẩm gốm Trần Độ có độ tinh xảo cao, mang dáng dấp cổ xưa

Trăn trở với nghiệp “trồng người”

“Nghề gốm là học bằng tay, bằng mắt và cả cái tâm. Hồi xưa, tôi đi học người ta vứt cho cục đất, có người bỏ đấy, có người ngồi cả buổi nhào nặn sao cho thành hình. Tôi cho rằng thành hay bại là do cái tâm của người làm gốm” - nghệ nhân Trần Độ tâm sự. Bởi thế, khi truyền nghề, ông không quan trọng trình độ của người học cao thấp ra sao, mà nhìn vào cái tâm của họ, có tha thiết, có muốn gắn bó với nghề hay không.

Đến nay, ông đã truyền nghề cho hơn 200 học viên, nhiều người đã trở thành những thợ giỏi, nghệ nhân dân gian, có tay nghề uy tín được nhiều nơi công nhận. Trăn trở với nghiệp trồng người, Trần Độ tâm niệm, sinh ra Bát Tràng đã cho một nghề gốm, ông chỉ mong các con, rồi những người từng được ông truyền dạy, có cái nghề thì lao động tử tế, tự đi lên bằng sức của mình.  

Ở cái tuổi 59, khi sức lực đã không còn như trước, nhiều lần nghĩ đến việc nghỉ hưu, nhưng rồi nghĩ đến việc rời xa lò gốm, để lại công việc ngổn ngang, ông lại không đành. Bởi thế, nhìn lại quãng thời gian phụng sự cho nghề gốm, ông lại thấy trân trọng bởi “Lúc khó khăn nhất chính là lúc con người ta thành công nhất”. 

Gần 50 năm làm nghề, điều Trần Độ tự hào nhất không phải là gốm Trần Độ, mà gốm Bát Tràng được đại diện cho Việt Nam làm quà tặng cho nhiều chính khách. Trong đó có quà lưu niệm tặng các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị cấp cao ASEM5 năm 2004, Hội nghị cấp cao APEC 2006 đều tổ chức tại Hà Nội…

Bên cạnh đó là những lần được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng đặt hàng làm những sản phẩm dành tặng các chính khách trong những chuyến công du. Đó là một vinh dự lớn lao cho riêng cá nhân Trần Độ, nhưng ông cũng nghĩ rằng, ông cũng đang góp sức lực của mình để đưa thương hiệu gốm Bát Tràng bay xa.

Ông tâm sự: “Điều này không chỉ tôi đâu, mà nhiều người dân Bát Tràng đều mong mỏi, đó là có một bảo tàng gốm sứ. Đây sẽ là nơi trưng bày những sản phẩm tinh hoa của Bát Tràng, chứa đựng giá trị văn hóa của các triều đại Việt Nam, để các thế hệ sau cũng như du khách có cơ hội được thưởng lãm”.