Được thế, dân mừng

ANTĐ - Ngày 12-3, thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng tình. Văn phòng Chính phủ cũng đồng ý với phương án này. Dự thảo Luật Căn cước công dân sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII tới đây để xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo đúng quy trình.

Theo đó, cơ quan soạn thảo Luật (Bộ Công an) đề xuất đổi chứng minh thư nhân dân thành thẻ căn cước của công dân Việt Nam - là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân để sử dụng trong giao dịch, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam. 

Theo dự án Luật thì cơ sở dữ liệu căn cước công dân được quy định theo hướng đó là một cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý phục vụ công tác cấp, đổi, cấp lại thẻ và quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự. Thẻ căn cước được cấp trùng với số định danh cá nhân. Do cơ sở dữ liệu căn cước công dân có một số trường hợp thông tin trùng với một số trường hợp thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên dự thảo Luật được quy định theo hướng: Đối với những trường hợp thông tin mà 1 trong 2 cơ sở dữ liệu này đã có thì không cần thu thập nữa để giảm bớt thủ tục và tránh gây phiền hà cho người dân.

Thẻ căn cước công dân là căn cứ pháp lý vô cùng quan trọng để chứng minh một con người có quốc tịch của một đất nước (ở đây là Việt Nam); để người dân thực hiện các quyền của mình (quyền giao dịch, đi lại…); bảo đảm cho Nhà nước quản lý được dân cư, xã hội và phòng chống tội phạm. Nhiều nước hiện nay đều đã sử dụng Thẻ căn cước. Khi cần sử dụng cho mọi mục đích, chỉ cần mã số đó kích hoạt là ra.

Theo dự thảo Luật, để bảo đảm đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số thẻ căn cước công dân sẽ được quy định là số định danh cá nhân, đây chính là “chìa khóa để mở“ các thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước, cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không phải yêu cầu công dân xuất trình nhiều giấy tờ không cần thiết khi làm các thủ tục hành chính. Theo tờ trình của Chính phủ, trên thẻ căn cước có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó về lâu dài, có thể nghiên cứu tiến tới dùng thay cho sổ hộ khẩu. Bộ Công an kỳ vọng, đó là bước đầu để sau này khi có một cơ sở hạ tầng dữ liệu đầy đủ về công dân thì bỏ hộ khẩu là hợp lý để giảm bớt giấy tờ cho người dân.

Một điểm mới được nhấn mạnh là trong trường hợp đổi, cấp lại khi di chuyển đổi hộ khẩu từ tỉnh này sang tỉnh khác, số thẻ căn cước công dân vẫn giữ như cấp lần đầu. Đáng chú ý là dự thảo Luật không hạn chế người làm thủ tục cấp thẻ, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chấp hành án phạt tù, giáo dưỡng… 

Đây cũng là một nội dung nằm trong Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ về dân cư mà Thủ tướng đã phê duyệt. Về các vấn đề trên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, hiện có 356 thủ tục liên quan đến CMND có thể giảm được bao nhiêu thủ tục, có thuận lợi gì cho các giao dịch hiện có, phải có mục tiêu để dân thấy thẻ căn cước thuận lợi hơn và mang lại nhiều niềm vui hơn. Nhưng cũng cần thấy mã 12 số không đủ dùng vì vài chục năm tới dân số Việt Nam sẽ lên hơn 100 triệu, trong khi Thái Lan có 63 triệu dân mà nước bạn đã xây dựng số định danh có 13 số. Nếu bỏ bớt được nhiều thủ tục hành chính thì người dân sẽ rất mừng.