Dừng thu phí đường bộ với xe máy là hợp lý

ANTĐ - TP Hà Nội đã triển khai thu phí sử dụng đường bộ với xe máy từ năm 2013 nhưng số tiền thu được không đáng kể so với số lượng xe trên địa bàn. Thế nên, nhiều quận, huyện đồng tình với kiến nghị dừng thu phí sử dụng đường bộ với xe máy vì không mang lại hiệu quả.

Dừng thu phí đường bộ với xe máy là hợp lý ảnh 1Tiền phí sử dụng đường bộ với xe máy thu về không đáng kể so với lượng xe trên địa bàn 

Phí thu giảm qua từng năm

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Hà Nội cho biết, từ năm 2013, TP Hà Nội đã có Nghị quyết và kế hoạch giao cho các quận, huyện chịu trách nhiệm, chỉ đạo các xã, phường tổ chức thu phí sử dụng đường bộ với xe máy. Năm 2013, toàn TP thu được 55 tỷ đồng, năm 2014 chỉ thu được 36 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm 2015 số kinh phí thu về còn ít hơn.

Hơn 2 năm triển khai thu, số kinh phí thu được chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng số xe máy trên địa bàn TP. “Qua kiểm tra thực tế cũng như phản ánh từ các quận, huyện cho thấy, việc thu phí sử dụng đường bộ với xe máy gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta chưa có chế tài xử lý đối với người không nộp, nên tạo ra sự không công bằng giữa người chấp hành và người không chấp hành. Biên lai thu phí cũng không nằm trong số các giấy tờ mà người dân bắt buộc phải cầm theo khi lái xe. Vì vậy, lực lượng chức năng cũng không nắm được xe nào đóng phí rồi, xe máy nào chưa đóng”, ông Nguyễn Đức Nghĩa nhận xét.

Việc Bộ GTVT quyết định đề xuất Chính phủ dừng thu phí sử dụng đường bộ với xe máy nhận được sự đồng tình của người dân cũng như các cấp chính quyền ở Hà Nội. Ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm bày tỏ, quận Hoàn Kiếm đã triển khai thu phí từ năm 2013 nhưng lượng thu không nhiều. Ông Đào Quang Tâm, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm thông tin, năm 2013 quận thu được 2,8 tỷ đồng tiền phí sử dụng đường bộ xe máy, năm 2014 chỉ còn 1,3 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2015 chỉ được 22 triệu đồng.

Trong khi đó, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có khoảng 45.000 xe máy.  Theo UBND các phường, số thu mỗi năm một giảm do việc thu rất khó khăn, lại không có chế tài xử lý người không nộp. “Cá nhân tôi cho rằng nên tạm dừng thu phí này. Vì điều kiện kinh tế còn khó khăn trong khi cơ chế, chính sách cũng chưa hoàn thiện”, ông Đào Quang Tâm nêu quan điểm.

Đâu cũng kêu khó

Là phường thực hiện thu phí sử dụng đường bộ với xe máy từ khá sớm, ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cho hay, mỗi năm số tiền thu được chỉ vài chục triệu đồng nhưng lại nhiều thủ tục, mất thời gian, công sức. Theo lãnh đạo UBND phường Trần Hưng Đạo, Chính phủ nên xem xét bỏ loại phí này vì cấp xã, phường phải tổ chức bộ máy để đi thu phí, rồi lại phải phân bổ kinh phí để duy trì hoạt động.

Thành thử, số kinh phí còn lại để sử dụng vào công tác ATGT cũng không được là bao. “Với người có điều kiện thì mức thu 100.000 đồng/xe máy/năm cũng không đáng gì, nhưng với những gia đình chỉ có chiếc xe máy để mưu sinh thì cũng thêm phần khó khăn”, ông Phạm Ngọc Long nhìn nhận.

Đáng chú ý, huyện Ứng Hòa cũng đã có kế hoạch đến các xã triển khai thu phí sử dụng đường bộ với xe máy nhưng đến nay vẫn chưa thu được đồng nào. Ông Lê Hồng Hà, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa bày tỏ: “Huyện cũng đã triển khai thu, giao cho các xã nhưng chưa thu được. Xã nào cũng báo cáo lên là khó khăn, trưởng thôn nhiều lần đi vận động, tuyên truyền nhân dân đóng phí mà không thu được nhà nào. Nếu đã không thu được thì dừng thu là hợp lý”, ông Lê Hồng Hà nói.

Kiến nghị dừng thu phí sử dụng đường bộ với xe máy không chỉ nhận được sự đồng tình từ lãnh đạo các địa phương mà người dân cũng cho rằng đó là việc nên làm. Anh Nguyễn Duy Hòa, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm đồng tình: “Dừng thu phí này là hoàn toàn hợp lý. Việc thu không đảm bảo công bằng, hộ gia đình chỉ có 1 chiếc xe máy thì tự giác đóng, hộ có 3-4 chiếc xe máy lại không đóng cũng chả thấy bị làm sao. Hơn nữa, kinh tế đang khó khăn, bớt được loại phí nào cho dân cũng là đáng quý…”.