- Đấy là chuyện bình thường. Đang ở một đất nước phát triển và văn minh như vậy, đến đây làm sao tránh khỏi sốc trước cảnh giao thông nhằng nhịt, nóng bức ồn ào, rác vứt bừa bãi ngoài đường, người dân nói to, ngồi vỉa hè ăn uống nhồm nhoàm…
- Ông nhầm rồi, cô giáo này lại thấy “sốc” vì sự thân thiện của người Hà Nội. Cô ấy kể chuyện gặp một hành khách xách theo đồ dùng lỉnh kỉnh lên chuyến xe buýt đông nghẹt người. Khi nhân viên thu vé đến, một người khác đã đưa tay ngay ra cầm hộ đồ để hành khách đó lấy tiền trong ví. Cô giáo rất ngạc nhiên và bình luận: “Như thể họ là bạn của nhau từ trước, hoặc tất cả bọn họ là một gia đình lớn vậy”.
- Thì bên Mỹ hay các nước phương Tây, ra đường ai biết người nấy, không để ý đến nhau mà.
- Ngay cả việc người Việt Nam có thói quen ăn trưa kề cà và ngủ trưa, cô ấy cũng cho rằng đó là vì họ biết cách làm việc bình tĩnh hơn chứ không vội vàng gấp gáp để rồi bị căng thẳng quá độ như ở Mỹ.
- Đấy là vì cô giáo ấy còn trẻ, nên cái nhìn còn trong trẻo, với lại chưa va chạm, chưa gặp những cái xấu, vẫn choáng ngợp bởi một không gian hoàn toàn mới lạ, đang thích thú khám phá thôi. Ở lâu trong chăn mới biết chăn có rận.
- Trẻ là một chuyện, nhưng quan trọng nhất là cách nhìn mọi việc dưới góc độ tích cực, nên thấy được cái tốt, cái hay. Lâu nay chúng ta quen nhìn mọi sự việc hiện tượng dưới con mắt phán xét khắt khe, thành ra toàn nhìn thấy cái xấu, cái tiêu cực. Có lẽ thỉnh thoảng cũng phải tự làm mới lại mình, để nhìn đời thoáng hơn, cũng là đỡ khổ cho chính mình hơn.