Đừng quá hoang mang

ANTĐ - Thông tin thêm 1 bệnh nhân tử vong vì “amip ăn não người” khiến nhiều người dân hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, bạn Nguyễn Thùy Linh, ở Cầu Giấy, Hà Nội lại cho rằng, sự việc không có gì đáng ồn ào.

- Vừa thêm một trường hợp tử vong vì “amip ăn não người” đấy!

- Em đã đọc thông tin này. Như vậy, đây là bệnh nhân thứ 2 tại Việt Nam tử vong vì nhiễm loại amip này. Bệnh nhân đầu tiên 25 tuổi, bệnh nhân vừa rồi 6 tuổi, cùng chung các triệu chứng là sốt cao, nhức đầu, đau gáy, lơ mơ. Cả hai bệnh nhân đều tử vong sau vài ngày nhập viện.

- Em nắm thông tin về loại bệnh này chắc nhỉ?

- Ngay sau khi có thông báo về trường hợp tử vong đầu tiên em đã lên mạng, tìm các tài liệu, đọc rất kỹ. Phải nắm rõ bệnh thì mới có cách phòng tránh cũng như không phải lo lắng, hoang mang theo tâm lý đám đông.

- Phải chăng em thích bơi lội nên mới quan tâm vậy?

- Cái này thì đúng, em thường xuyên đến bể bơi, một tuần 2-3 lần. Tuy nhiên, theo các tài liệu và các bác sỹ chuyên ngành, thì “amip ăn não người” chỉ sống ở nước ngọt tự nhiên như ao, hồ, sông, suối, ở vùng có khí hậu nóng. Đặc điểm nước ở các bể bơi sử dụng rất nhiều thuốc sát khuẩn, không phải môi trường lý tưởng cho loại amip này sinh sống.

- Tức là không nên quá lo lắng?

- Việc lo lắng nhiễm amip là không cần thiết, ngay cả khi bơi trong vùng nước nhiễm amip thì khả năng nhiễm cũng rất thấp, do xác suất hít phải nước có chứa amip rất thấp, và do cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, khi bị sặc nước, phản xạ hắt hơi, ho, chảy nước mũi, hỉ mũi đã tống amip ra ngoài.

- Mà đường lây truyền của loại amip này cũng khác đấy chứ!

- Phương thức lây truyền là xâm nhập qua niêm mạc mũi rồi vào xoang sàn, vào não thất. Do đó nếu nguồn nước có chứa “amip ăn não người” nhưng chỉ dùng để ăn uống đơn thuần thì khó lây nhiễm, vì amip chỉ có thể xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc mũi.