Đừng lên truyền hình dạy giới trẻ... thói vô lễ

ANTĐ - Hãy khoan nói về chuyện các cuộc thi dạy cho các bạn trẻ có đàm mê ca hát những điều gì, giúp đỡ họ ra sao trong hành trình cải thiện bản thân cũng như mang họ đến gần với khản giả mỗi tuần, hãy nói về chuyện họ - những người lớn - đang "quên" dạy cho họ cách ứng xử như một người văn minh...

"Tiên học lễ - Hậu học văn" là câu mà tất cả các trường từ tiểu học đến các bậc cao nhất đều được kẻ ngay ngắn rõ ràng. Đó là bài học đầu tiên làm người, không ai nghi ngờ về giá trị của nó. Nhưng, có vài người quên hoặc cố tình quên điều đó và buồn thay, đó là những nghệ sỹ tương lai - những người mang "sứ mệnh" giao giảng và truyền cái đẹp đến với công chúng.

"Trẻ con" thì không nên...vô lễ

Mới đây nhất, Quán quân cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn - Nguyễn Đình Thanh Tâm - đã ca thán trên facebook về chuyện hai thí sinh của đội ca sỹ Hồng Nhung sử dụng ca khúc độc quyền của anh có tên "Chạy mưa" (tác giả: Toàn Thắng) trong phần thi Đối đầu của cuộc thi Giọng hát Việt 2013 mà không xin phép. Ngược dòng mới nhớ, đây không phải lần đầu tiên cuộc thi này vướng chuyện như vậy. Ở mùa đầu tiên, ca khúc "Nơi tình yêu bắt đầu" do nam thí sinh Bùi Anh Tuấn biểu diễn (sáng tác: Tiến Minh) cũng bị tác giả phản ứng. Một cuộc thi gặp liên tiếp các vấn đề về bản quyền với tác giả ca khúc (hay còn gọi là quyền sở hữu trí tuệ) thì hẳn nhiên là có vấn đề về công tác tổ chức.

Trở lại với dòng cảm thán của Nguyễn Đình Thanh Tâm, nhiều người để lại ý kiến đồng tình và nhiều người cho rằng "chuyện bé xé ra to" và Thanh Tâm đang muốn "đánh đu" để được nổi tiếng. Thế mới thấy niềm tin và quan niệm của số đông thật kì lạ về cái gọi là ý thức. Không nói chuyện ca khúc hay hoặc dở mà nói chuyện ý thức của người trong cuộc thì rõ ràng thí sinh cuộc thi đã sai khi không chịu "hỏi" tác giả cũng như người đang nắm quyền biểu diễn độc quyền ca khúc.

Hãy thử tưởng tượng, một ngày đẹp trời, có ai đó ghé qua nhà bạn lúc bạn đi vắng và hồn nhiên dắt chiếc xe máy bạn đang sử dụng để đi chơi mà quên không xin phép bạn thì phản ứng của bạn sẽ như thế nào? "Quên hỏi mượn" là một từ nhẹ nhàng chứ nếu xét về bản chất vấn đề có thể coi đó là một hành động ăn cắp. Mà ăn cắp thì rõ ràng là điều không nên tồn tại trong cuộc sống này rồi, chứ đừng nói là trong một cuộc thi đang đào tạo và mang những tài năng đến với cuộc sống.

Có thể cũng bởi danh tiếng và độ nóng của cuộc thi quá lớn nên những thí sinh lẫn những người tổ chức cho rằng việc một thí sinh biểu diễn một ca khúc trong khuôn khổ cuộc thi là một "đặc ân" với tác giả, nếu như ca khúc đó có đen đủi là không được nổi tiếng. Giống như cách mà người hâm mộ của thí sinh Trúc Nhân tại cũng cuộc thi này năm trước bày tỏ thái độ với nhạc sĩ Giáng Son - tác giả ca khúc "Thu cạn"; phổ thơ Ý My - khi chị bày tỏ ý kiến rằng chị thích nữ ca sĩ Nguyên Thảo thể hiện ca khúc hơn. Người hâm mộ Trúc Nhân nói rằng nhờ có Trúc Nhân mà họ mới biết ca khúc đó và tác giả nên cảm ơn nam thí sinh thay vì chê anh ta hát không hay.

Điều nực cười ở đây là thái độ trịch thượng của những người trẻ khi lên án cả một ý kiến cá nhân của một người thuộc hàng đàn chị của Trúc Nhân. Chẳng cần nói về khía cạnh tác giả ca khúc, chỉ cần xét là một khán giả bình thường, nhạc sĩ Giáng Son cũng hoàn toàn có quyền được nói lên quan điểm cá nhân thích hay không thích (chứ không phải chê) một ai đó hát một ca khúc. Hơn nữa, nếu xét vai trò người sáng tác ca khúc thì rõ ràng "quyền" của chị càng lớn hơn. Sự hâm mộ bong bóng làm cho những ứng xử giữa người với người, ngày càng "có vấn đề" hơn và tất nhiên, Trúc Nhân không lên tiếng cứ như thể đó không phải việc của mình.

Ca khúc độc quyền có tên "Chạy mưa" trong phần thi Đối đầu của cuộc thi Giọng hát Việt 2013

Nói về ý kiến của đám đông để thấy rằng sự thiếu mạnh mẽ, minh bạch và rõ ràng trong cách nhìn nhận của những khán giả hâm mộ có thể là một động lực để nuôi dưỡng sự thiếu nghiêm túc ở những người đang mon men bước chân vào thế giới giải trí. Một cuộc thi chưa nói được gì nhiều và càng không thể là sự nghiệp cả đời của một người nghệ sĩ, cuộc thi chỉ là nơi bạn thể hiện mình và điều bạn thể hiện mình thông qua những hành động "vô lễ" như vậy thì quả thật là những ứng xử không thông minh của những người có chút tài nhưng gặp nhiều vấn đề về nhận thức cũng như... nền tảng văn hóa.

"Người lớn" cũng... vô tâm

Trách thí sinh một thì có lẽ "người lớn" là những huấn luyện viên, thành viên ban tổ chức và đặc biệt là VTV nhiều hơn. Trách họ là bởi họ là những tên tuổi lớn trong giới giải trí nước nhà, là cơ quan đại diện cho cả một đài truyền hình quốc gia và là người tổ chức cuộc thi đang mang lại hàng chục tỉ mỗi năm lại "vô tình" quên đi quyền lợi thuộc về người khác. Và nói rõ hơn nữa, những cuộc thi như "Giọng hát Việt" là những show truyền hình thương mại, phát sóng để kiếm tiền, tại sao lại quên đi quyền của tác giả và nghệ sỹ?

Hồng Nhung hẳn nhiên là một nghệ sĩ uy tín trong nền âm nhạc đương đại. Được xếp hàng một trong bốn diva với thành tích và sự nghiệp thành công nhưng sự thiếu chỉn chu và cẩn thận trong công tác của chị cũng là điều đáng để nói. Bên cạnh đó, chương trình còn có vị trí giám đốc âm nhạc - được hiểu nôm na là người duyệt và lên các nhạc mục cho các thí sinh trong cuộc thi - là Phương Uyên thì không thể nói họ vô can trong những trường hợp như thế này.

Phương Uyên cũng là nhạc sĩ và Hồng Nhung là ca sĩ, vậy hãy thử đặt họ vào trường họp tương tự như Toàn Thắng và Thanh Tâm thì không biết họ sẽ xử trí sao? Đừng nói rằng họ không quan tâm và cảm thấy hoàn toàn thoải mái, khi để ai đó vô danh tự do sử dụng ca khúc của mình mà không được một lời xin phép.

Giọng hát Việt cũng chỉ là một trong hai cuộc thi lớn hiện nay, cuộc thi còn lại là Sao Mai Điểm Hẹn cũng gặp phải điều tương tự với ca khúc "Ngây thơ" của nhạc sĩ trẻ Tạ Quang Thắng. Những lùm xúm quanh ca khúc này cũng đã được báo chí nói nhiều, nhưng rõ ràng với vị thế của VTV thì việc xử lí nó quá đơn giản, thậm chí đơn giản hơn nhiều nếu như họ dành chút bận tâm cho những người làm công tác sáng tạo, hơn là chạy theo các show diễn với đầy ắp các quảng cáo lợi nhuận.

Thậm chí, có nguồn tin còn cho rằng "Ngây thơ" không phải trường hợp duy nhất nhưng vì những nhạc sĩ khác phần vì cả nể phần vì ngại ngần không dám lên tiếng, nên mọi chuyện mãi mãi chìm trong bóng tối. Chưa biết thực hư chuyện đó ra sao nhưng rõ ràng nếu đã có một sự việc như "Ngây thơ" thì chắc chắn cũng sẽ chẳng ngạc nhiên nếu có những sự vụ tương tự như vậy.

Hãy khoan nói về chuyện các cuộc thi dạy cho các bạn trẻ có đàm mê ca hát những điều gì, giúp đỡ họ ra sao trong hành trình cải thiện bản thân cũng như mang họ đến gần với khản giả mỗi tuần, hãy nói về chuyện họ - những người lớn - đang "quên" dạy cho họ cách ứng xử như một người văn minh - điều mà đa phần các cuộc thi thích rao giảng đạo đức cho thí sinh. Văn minh ở đâu chưa thấy chỉ thấy cách ứng xử của những thí sinh với những người làm công tác sáng tạo có vấn đề.

Họ không được chỉ bảo một cách cặn kẽ từ những người đi trước, họ không được dạy cách phải "trên kính dưới nhường" với những bậc tiền bối, với những người, với những ca khúc đang mang họ đến gần với khán giả. Hơn ai hết, những người ngồi ghế huấn luyện viên là những người "đức cao vọng trọng" trong mắt số đông, thì họ phải biết cách dạy thí sinh của mình như thế nào. Hay bởi chính một trong số họ cũng đang dính vào những lùm xúm mang tên "bản quyền và sở hữu" nên mọi chuyện cũng được cho qua một cách nhẹ nhàng.

The Voice, một cuộc thi có nhiều vấn đề về bản quyền âm nhạc


Nổi tiếng là một nhu cầu và nhu cầu đó mang lại tiền tài danh vọng cho những ai theo đuổi. Nhưng nổi tiếng để làm gì khi mọi thứ không được xây trên một cái nền vững chắc. Nổi tiếng để làm gì khi tiếng hát của những thí sinh "gây bão" không sống được qua số năm chỉ bằng một bàn tay. Mà sự nghiệp thì nên tính ít nhất phải từ hai bàn tay trở lên và con đường dài đó chỉ nên được chuẩn bị và gây dựng từ một cái nền vững chắc, còn nếu xác định đi hát chỉ để vui, làm nghệ sĩ chỉ để được sống trong giây phút hào quang phù phiếm thì có lẽ cũng không nên cần làm những việc cầu kì như vậy. Đơn giản vì, nếu có chán sự phù phiếm đó, thì với cái nền tảng đó họ không khó để kiếm được những công việc tương xứng với những gì họ có. Cuộc sống là vậy mà!

Luật sư Nguyễn Vân Nam

Độc quyền và toàn quyền khai thác kinh doanh tác phẩm không phải là một quyền thuộc quyền tài sản theo quy định tại khoản 1, điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) 2005. Nói một cách khác, khi chỉ căn cứ vào hợp đồng độc quyền của bên A và bên B, khó có thể nói thí sinh này đã vi phạm quyền tác giả trong ý nghĩa của Luật SHTT 2005 được cho là đã chuyển cho bên B.

Vì hợp đồng giữa bên A và bên B không phải là hợp đồng chuyển các quyền thuộc quyền tài sản theo Luật SHTT 2005 của bên B cho bên A. Tuy nhiên, thí sinh có thể đã xâm phạm độc quyền và toàn quyền khai thác kinh doanh tác phẩm âm nhạc (ở đây là bài hát thí sinh sử dụng trong cuộc thi) trong các chương trình công diễn của bên A căn cứ theo hợp đồng giữa bên A và bên B.

Cuộc thi ca nhạc có truyền hình chắc chắn là một chương trình công diễn tác phẩm âm nhạc. Đây là một chương trình có thu tiền quảng cáo. Biểu diễn bài hát trong một chương trình như vậy cũng là một hình thức khai thác kinh doanh tác phẩm. Vì vậy bên A có quyền buộc thí sinh phải xin lỗi, chấm dứt không được tái phạm sử dụng bài hát và bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được bên A bị thiệt hại. Ngoài ra, độc lập với bên A, tác giả bài hát cũng có quyền buộc thí sinh này xin lỗi và nộp một khoản phí biểu diễn vì đã không xin phép tác giả để biểu diễn bài hát, vi phạm mục b, khoản 1, điều 20 Luật SHTT 2005 (quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng).