Đừng để người tài…cô đơn

ANTD.VN - Ngày 12-9, “hai lúa” Bùi Hiển (62 tuổi, ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã chính thức công bố chiếc máy bay tự chế thứ hai mang tên “Giấc mơ” với khả năng bay khá ổn định ở độ cao thử nghiệm khoảng 2m, khiến nhiều người thán phục, ái mộ. 

Trước đó, ông Bùi Hiển là nhân vật được nhiều người biết đến với sáng chế máy bay trực thăng Bùi Hiển 1, sau đó ông đã tiếp tục bổ sung những công nghệ hiện đại và cải tiến những điểm còn hạn chế trên chiếc máy bay đầu tiên để cho ra đời “Giấc mơ”.

Ông cho biết, thực tế chiếc máy bay lần này vẫn chưa đạt yêu cầu mà ông đề ra và hy vọng sẽ được cơ quan chức năng cho phép nhập động cơ và đĩa điều khiển từ các công ty chuyên sản xuất linh, phụ kiện cho ngành hàng không để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh hơn. 

Để có được chiếc máy bay này, ông Hiển đã phải vượt qua không ít khó khăn, trở ngại. Ông cho biết, trong quá trình bay thử nghiệm “Giấc mơ”, ông đã bị cơ quan chức năng lập biên bản ít nhất một lần. Cũng phải nói, dù chiếc máy bay ông Hiển thử nghiệm đã khá trơn tru, nhưng đối với một thiết bị đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt như máy bay, thì việc các cơ quan quản lý khắt khe trong việc cho phép bay thử nghiệm trên bầu trời khi chưa được kiểm nghiệm về độ an toàn là cần thiết. 

Dù vậy, qua trường hợp ông Hiển, một lần nữa chúng ta lại vẫn thấy “chạnh lòng”, vì hình như những người có khả năng, đam mê, nhiệt huyết thực sự đang rất… cô đơn. Cũng giống như hàng loạt sáng chế của những nông dân khác ở nước ta mà báo chí đã nêu, họ miệt mài theo đuổi giấc mơ của mình mà hầu như không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan Nhà nước.

Trong khi đó, ở nước ngoài, những cá nhân có ý tưởng, có đam mê luôn được trân trọng, săn đón. Như trường hợp ông Hiển, có thể chiếc máy bay của ông chưa thể ứng dụng thực tế, nhưng quan trọng, năng lực và đam mê của ông là có thực, chắc hẳn hơn rất nhiều lần những nhà khoa học, cán bộ phòng lạnh, bàn giấy. Tại sao không có một cơ quan, doanh nghiệp nào “tận dụng” ông. Thế nên, cái lý của các cơ quan chức năng là đúng, nhưng hình như có gì đó thật thờ ơ với người tài.

Liên tưởng vấn đề này tới trường hợp của nhà sáng chế không bằng cấp khác ở Tây Ninh là ông Bùi Quốc Hải, người cũng đã sáng chế nhiều chiếc máy bay. Ở trong nước, khi ông gõ cửa các cơ quan khoa học ở địa phương để tìm sự hỗ trợ, thì nhận lại sự “khó dễ”. Dù được cử đi dự Hội nghị tôn vinh những Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhưng các sáng chế máy bay sau đó của ông đều bị xếp xó, vì theo các cơ quan chức năng chúng không đạt tiêu chuẩn an toàn. 

Trong khi đó, với đóng góp của mình cho đất nước bạn Campuchia, ông đã được Quốc vương Campuchia tặng thưởng Huân chương Đại tướng quân, một căn nhà ngay tại Thủ đô Phnôm Pênh, 18 ha xoài và một chiếc xe du lịch. Con trai ông, một người tài giỏi cũng được nước Mỹ mời sang học tập và nghiên cứu khoa học, Hiệp hội Hàng không Texas đã hai lần mời gia đình ông sang định cư, các phái đoàn khoa học từ Trung Quốc, Canada cũng mời sang nghiên cứu khoa học.

Có điều, ông đã từ chối hầu hết những lời mời hấp dẫn đó để ở lại Việt Nam đóng góp cho đất nước, dù các cơ chế ưu đãi thua rất nhiều. Con trai ông Hải đã nói rằng: “Trong nước thực ra chỉ thua nước ngoài ở cơ chế, một cơ chế không tạo điều kiện cho cá nhân và nhân tài được phát triển. Chứ còn trình độ tôi không nghĩ là Việt Nam thua bất kỳ nước nào”.

Vâng, người tài ở ta không thiếu, xin đừng để họ… cô đơn. “Dù nhân tài ở bìa rừng, góc núi cũng phải được trân trọng với tinh thần cầu hiền” - hãy hiện thực hóa một cách thiết thực nhất tinh thần của Thủ tướng Chính phủ.