Đừng biến mình thành nạn nhân của lừa đảo du lịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi các hoạt động kích cầu du lịch liên tục được đẩy mạnh để phục hồi nền công nghiệp không khói cũng là thời điểm các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực du lịch xuất hiện…

Muôn vạn kiểu lừa

Ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Công ty du lịch New World Travel nhìn nhận, sau 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khi du lịch được mở cửa trở lại, rất nhiều công ty lữ hành đã tung sản phẩm khuyến mại kích cầu du lịch. Lợi dụng điều đó, các đối tượng lừa đảo du lịch cũng “té nước theo mưa”, đánh vào tâm lý những khách hàng thiếu kinh nghiệm, ham rẻ… “Thời gian trước, trong giới bán “combo” (trọn gói) du lịch rộ lên thông tin về voucher 1 triệu đồng/người/chiều bay. Bên cạnh mức giá rẻ bất ngờ, voucher này còn hấp dẫn nhờ việc có thể bay mọi chặng, chỉ cần trả tiền trước. Các đối tượng lừa đảo đã đánh vào tâm lý ham rẻ của chủ đại lý mới vào nghề và khách hàng thiếu kinh nghiệm. Không thể nào có mức giá rẻ hơn từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/combo/người, nhất là cao điểm với cùng dịch vụ tương đương” - anh Tùng nhìn nhận.

Hãy cảnh giác trước các “combo” du lịch, đừng tự biến mình thành bị hại của du lịch lừa đảo

Hãy cảnh giác trước các “combo” du lịch, đừng tự biến mình thành bị hại của du lịch lừa đảo

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội, để thuận tiện cho việc tránh bị lừa đảo hoặc có chứng cứ khi bị lừa đảo, người mua cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình mua “combo” như thanh toán, mail, tin nhắn... Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp “combo” làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé, các chi phí phát sinh khác (nếu có), trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý. Nếu có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Chị Dương Thị Ngọc Anh (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một nhân viên bán vé có thâm niên của Công ty du lịch A.L cho hay, nhiều năm qua, cứ mỗi mùa du lịch là tình trạng lừa đảo lại rộ lên. Không chỉ có trường hợp giả danh nhân viên bán vé, đợi khách chuyển tiền cọc là chặn mọi liên lạc, mà còn có cả trường hợp giả làm khách để giao dịch và thông báo cho đại lý đã chuyển tiền thành công. Khi không thấy tiền về, đại lý hỏi lại khách thì được chuyển cho 1 đường link và yêu cầu nhấn vào đó để nhận tiền. Nhưng đường link đó là trò lừa đảo để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Chị Ngọc Anh cho biết chính mình cũng suýt thành nạn nhân của trò lừa đảo này. “Cũng may là tôi còn tỉnh táo nên đề phòng, chứ nhiều người không tiếp xúc quen với các giao dịch trên mạng sẽ rất dễ bị lừa, đặc biệt là khách mua tour. Tốt nhất, nếu mua bán qua mạng, mọi người nên kiểm tra kỹ uy tín của người bán trước khi chuyển tiền. Nếu được thì yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, cung cấp thông tin của công ty bán tour để tránh trường hợp mất tiền oan” - chị Ngọc Anh chia sẻ.

Nhiều năm qua, cứ mỗi mùa du lịch là tình trạng lừa đảo lại rộ lên

Nhiều năm qua, cứ mỗi mùa du lịch là tình trạng lừa đảo lại rộ lên

Mới đây nhất trên diễn đàn của những người làm du lịch rộ lên thông tin một công ty du lịch có địa chỉ tại Hà Nội đã có “quả bom lừa đảo” khi chiếm đoạt 70 tỷ đồng của khách mua “combo” du lịch rồi bỏ trốn. Fanpage của công ty cũng đã bị khóa sau cú lừa bạc tỷ này. Không chỉ có lừa bán “combo”, hình thức mua bán kỳ nghỉ cũng đã bị nhiều công ty lợi dụng chiếm đoạt tiền của khách hàng. Anh P.Đ.T - một nạn nhân từng bị lừa chia sẻ, ngày 24-9-2022, anh tham gia một buổi sự kiện về du lịch nghỉ dưỡng, do Công ty P tổ chức.

Tại đây, anh được nhân viên tư vấn đưa ra một loạt tiện ích mà khách hàng được trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ mua thẻ du lịch trả trước của công ty như nghỉ dưỡng 5 sao, trao đổi dịch vụ tiện ích… thông qua việc trở thành hội viên của công ty. Kết thúc buổi hội thảo, anh T đã bỏ ra số tiền 70 triệu đồng để sở hữu tấm thẻ Paday hạng Ngọc trai với thời gian sử dụng lên đến 5 năm, mỗi năm được hưởng 7 đêm nghỉ dưỡng dành cho 2 người lớn và 2 trẻ em tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao. Tuy nhiên, ngày 28-2-2023, anh P.D.T sử dụng ứng dụng Paday do Công ty P cung cấp mới biết công ty này đã “tạm dừng cung cấp dịch vụ” với lý do: “Công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, suy thoái nền kinh tế, lạm phát, nên tạm hoãn các dịch vụ du lịch từ ngày 13-2-2023 đến 13-2-2024”.

Khó khăn khi xử lý hành vi lừa đảo du lịch

Về chế tài, theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, tùy thuộc vào việc có hành vi bỏ trốn hay không, đối tượng có thể bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo đánh giá của đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội, thời gian qua các vụ lừa đảo “combo” du lịch chưa bị các cơ quan pháp luật xử lý nhiều. Nguyên nhân chính do việc đặt “combo” du lịch, thanh toán tiền đều trên môi trường mạng xã hội. Người mua không biết tên, biết mặt hay địa chỉ liên hệ của người bán là khá phổ biến. Do đó, khi bị lừa đảo, nếu người mua trình báo với cơ quan chức năng thì cũng mất nhiều thời gian để xác định danh tính, thông tin đối tượng lừa đảo cũng như chứng minh hành vi lừa đảo của đối tượng. Mặt khác, nhiều khách hàng cũng có tâm lý ngại trình báo cơ quan pháp luật do số tiền bị chiếm đoạt không lớn. Điều này khiến các vụ lừa đảo “combo” du lịch giá rẻ diễn ra nhiều hơn.

Điển hình như vụ việc trên diễn đàn Tổng hội vé máy bay. Ngày 17-5-2022, một tài khoản có tên Sabrina Hien đã đăng thông tin: “11000 anh chị em cho em hỏi VNA mới tung gói nào 29 triệu 10 vé khứ hồi bay ngày giờ nào cũng được với. Khách quen hỏi mà em không có, khách nói em cập nhật chậm quá, cả chi nhánh Agri của khách ai cũng mua 2 gói để dành rồi”. Sau khi tin này được tung ra, nhiều người đã mua 3 - 4 gói cho gia đình và bạn bè. Sau đó, tài khoản Sabrina Hien đã cập nhật thông tin “gói này đã bùng”. Trong khi đó, nhiều người đã mua gói hỏi chủ tài khoản là có nên đi trình báo công an không và có thể giải quyết được không.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội, để thuận tiện cho việc tránh bị lừa đảo hoặc có chứng cứ khi bị lừa đảo, người mua cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình mua “combo” như thanh toán, mail, tin nhắn... Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp “combo” làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé, các chi phí phát sinh khác (nếu có), trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý.

Nếu có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, thông qua công tác nắm tình hình cũng cần kiểm tra, xác minh tổ chức, cá nhân cung cấp combo du lịch giá rẻ bất thường để phát hiện, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo. Nếu đặt với cá nhân trên mạng xã hội, hãy kiểm tra thông tin người đó. Nếu đối tượng lừa đảo, thông tin của chúng sẽ có ít cập nhật và bạn bè. Tiếp đó, hãy hỏi người bán làm cho công ty nào, hoặc cộng tác viên của bên nào để gọi xác minh. Trong trường hợp làm việc với công ty, nên làm việc với các bên có email chính thức của công ty chứ không phải các loại email miễn phí.

Du lịch là hành trình trải nghiệm thú vị của mỗi người, giúp giảm stress sau những bộn bề công việc. Trước khi lựa chọn các “combo” du lịch, cá nhân cần có sự tìm hiểu kỹ về chi tiết được hưởng thụ theo “combo”, nếu mức giá quá chênh lệch, đó có thể là lừa đảo. Hãy cảnh giác trước các “combo” du lịch, đừng tự biến mình thành bị hại của du lịch lừa đảo.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam: Tránh bị cám dỗ bởi các khuyến mại, voucher du lịch phi thực tế

Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, một số ngành nghề đã có tín hiệu phục hồi khả quan, nhưng ngành du lịch vẫn phải đối mặt với vô số những khó khăn. Quan điểm, cách thức, thói quen về du lịch của nhiều người đã thay đổi… An ninh Thủ đô Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam về vấn đề này.

Xu hướng đi du lịch của người Việt đã thay đổi từ sau đại dịch Covid-19

Xu hướng đi du lịch của người Việt đã thay đổi từ sau đại dịch Covid-19

- Phóng viên: Thưa ông, sau dịch Covid-19, quan điểm về du lịch và đi du lịch đã có rất nhiều thay đổi. Thay vì đi xa, nhiều người chọn đi gần. Thay vì đi đoàn đông, người ta đã chọn nhóm nhỏ và chủ yếu là gia đình. Vậy, những thay đổi này liệu có mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch trong những năm tới không?

- Ông Phạm Hải Quỳnh: Sẽ là một khó khăn đối với lữ hành và cũng là khó khăn cho các điểm đến du lịch. Khó khăn cho các quy chuẩn và uy tín của điểm đến dịch vụ. Khi khách hàng chủ động mọi dịch vụ thì vai trò của lữ hành sẽ là thứ yếu hoặc thành cầu nối để đặt dịch vụ giúp. Những hành trình, những cái hay, những dịch vụ uy tín… không có cơ hội được chia sẻ hay giới thiệu cho du khách. Đối với điểm đến thì lượng xe cá nhân tăng vọt gây ùn tắc, mất an toàn, các trải nghiệm của du khách không đủ, không chất lượng hoặc gặp sự cố không thể giải quyết sẽ gây mất lòng tin, làm ảnh hưởng đến điểm đến. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng.

- Khi mạng xã hội phát triển, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt kênh thông tin quan trọng này để kết nối với du khách. Và cùng với xu hướng du lịch sau dịch Covid-19 đã thay đổi thì cách thức liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ lữ hành phải chăng cũng đã thay đổi?

- Mạng xã hội là một công cụ vô cùng hữu ích, đặc biệt là sau dịch. Câu chuyện số hóa hay áp dụng công nghệ vào phục vụ du lịch cũng như quản lý hệ thống kinh doanh, chăm sóc khách hàng chính thức được chấp nhận ở mức độ cao. Vì thế, phương thức tiếp cận khách hàng, chăm sóc khách hàng hay quản lý hoạt động công ty cũng trên nền tảng số hóa đã giúp cho các đơn vị giảm đi rất nhiều chi phí.

- Nhưng cũng chính từ mạng xã hội đã nảy sinh rất nhiều hệ lụy, những “cơn lên đồng tập thể” đôi khi chỉ bắt nguồn từ một vài tấm ảnh được cho là “điểm check in không thể bỏ qua”?

- Công nghệ luôn hữu ích nhưng cũng là con dao 2 lưỡi đối với chúng ta. Đôi lúc có những thông tin không chính xác, đã gây nhiều câu chuyện bi hài. Vài bức hình, video cắt ghép, chỉnh sửa để câu like, câu view cũng làm các du khách hoang mang và mất thời gian tiền bạc oan.

- Là CEO của một đơn vị lữ hành có tiếng, lại cũng là người đang định hướng cho nhiều địa phương phát triển du lịch, theo ông, để tránh được những rủi ro trong quá trình đặt tour, du khách cần phải biết và tránh những điều gì?

- Du khách hãy là khách hàng thông thái, biết phân tích và tìm hiểu thông tin khi đặt các dịch vụ, không bị cám dỗ bởi các khuyến mại, voucher phi thực tế. Hãy tìm hiểu thông tin của đơn vị mình đang đặt tour một cách chi tiết. Nếu là đơn vị quen cũng cần xác minh lại thông tin chuẩn xác, tránh bị các đối tượng giả danh công ty du lịch, giả danh đại diện trang web du lịch, mạo danh cả “đường dây nóng” của đơn vị lữ hành để chiếm đoạt dịch vụ khách đặt. Đối với những đơn vị mới, du khách cần kiểm tra chi tiết mọi thông tin doanh nghiệp và mua tour cũng thông qua doanh nghiệp đó, tuyệt đối không mua dịch vụ qua giao dịch cá nhân. Sau khi đặt dịch vụ cần tìm hiểu, xác thực hành trình, dịch vụ mình đặt đã được chốt chưa? Có vướng mắc hay sự cố gì trong quá trình hướng tới triển khai không? Hãy tìm hiểu và đặt dịch vụ qua các đơn vị lữ hành quen biết hoặc uy tín và xác thực lại thông tin chuẩn xác để an tâm cho hành trình của mình. Cuối cùng, khách hàng cần hiểu rõ các đơn vị lữ hành hoạt động dựa trên các hợp đồng nguyên tắc đáp ứng tiêu chí về số lượng khách với đối tác như nhà xe, khách sạn, dịch vụ... để có những phần giá riêng thấp hơn với giá quy định bán ra và là phần lãi của các đơn vị lữ hành. Chính vì vậy, khách hàng hãy lấy những đơn vị lữ hành làm trung gian giúp cho hành trình của mình được trọn vẹn.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Quỳnh Vân (Thực hiện)

Cách nhận biết các tour lừa đảo qua mạng

Tam Cốc Ninh Bình (ảnh minh họa)

Tam Cốc Ninh Bình (ảnh minh họa)

Mùa hè - mùa du lịch cao điểm đã đến. Đây cũng là lúc nhiều chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo tinh vi núp dưới bóng combo (trọn gói), tour du lịch giá rẻ ra đời. Đã có nhiều khách hàng, nhiều tổ chức bị sập bẫy, thiệt hại từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, thậm chí lên tới cả tỷ đồng. Vậy làm thế nào để không trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo?

Trao đổi cùng An ninh Thủ đô Cuối tuần, đại diện lãnh đạo của Flamingo Red Tour đã đưa ra 5 quy tắc để có thể tránh gặp phải những rủi ro khi đặt tour du lịch trên mạng xã hội, trong điều kiện mạng xã hội phát triển và dần trở thành một kênh thông tin và giao dịch thương mại.

1. Chọn mặt gửi vàng: Lựa chọn book dịch vụ của công ty uy tín để tránh bị lừa đảo, có đầu mối để phản ánh, khiếu nại khi có vấn đề.

2. Kiểm tra lại các thông tin : Du khách chủ động kiểm tra thông tin của đối tác bán tour hoặc combo. Có thể kiểm tra 2 lần, 3 lần thậm chí nhiều lần để thấy sự trùng khớp giữa các thông tin. Nếu là lần đầu tiên giao dịch, nên yêu cầu xem giấy phép đăng ký kinh doanh để kiểm tra đối chiếu với số điện thoại, địa chỉ website, trụ sở công ty...

3. Đọc kỹ chương trình và so sánh chất lượng dịch vụ trong đó có chi phí bao gồm và không bao gồm.

4. Tham khảo ý kiến, nhận xét của những người đã từng sử dụng dịch vụ trên các diễn đàn, bạn bè, người thân…. để có đánh giá thực tế và chính xác trước khi quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ.

5. Cẩn trọng với những chiêu trò quảng cáo combo “giá rẻ giật mình” so với mặt bằng chung. Cần nắm chắc quy luật giá tour rẻ chỉ khi có sự trợ giá của các nhà cung cấp dịch vụ nhằm kích cầu thị trường; khi công ty du lịch tung ra các sản phẩm mới để truyền thông quảng bá.

Những tour lừa đảo chủ yếu đánh vào tâm lý của du khách tức là giá “siêu rẻ”, thường là các tour kết hợp (combo) giữa vé máy bay + dịch vụ khách sạn 4-5 sao + một vài bữa ăn chính. Có thời điểm, những combo du lịch Phú Quốc kiểu này được giao bán có 1,2 triệu đồng bao gồm cả vé máy bay và khách sạn 4 sao. Các chuyên gia du lịch khẳng định, dù có trợ giá thế nào và nằm trong chương trình kích cầu kiểu gì đi nữa thì cũng không thể có giá đó. Không có bất cứ đơn vị lữ hành nào có đủ năng lực để kích cầu như thế được. Vì thế, giá rẻ giật mình thì nhất định là… có vấn đề. Du khách cần sáng suốt nhận định và nhất định phải là “người tiêu dùng thông thái”.

Yên Vân