Đua nhau “thay áo mới”

(ANTĐ) - Không hẹn mà gặp, thời gian gần đây một số nhà hát đều đồng loạt xốc vai chuyển mình và rậm rịch trình làng nhiều mô hình hoạt động sân khấu mới.

Đua nhau “thay áo mới”

(ANTĐ) - Không hẹn mà gặp, thời gian gần đây một số nhà hát đều đồng loạt xốc vai chuyển mình và rậm rịch trình làng nhiều mô hình hoạt động sân khấu mới.

Đây được xem là nỗ lực nhằm kéo khán giả quay trở lại với bộ môn nghệ thuật này giữ lại đốm lửa nhỏ trước thực trạng khó khăn của sân khấu hiện nay.

Khán giả nhỏ có nhiều cơ hội

Châm ngọn đuốc đầu tiên trong cuộc thay đổi trên phải kể tới Nhà hát Tuổi trẻ với dự án “Ngôi nhà của bé” dành riêng cho các em thiếu nhi trong độ tuổi từ ba đến sáu. Một phòng họp lớn được cải tạo thành sân khấu khép kín và trang hoàng lộng lẫy như xứ sở của những câu chuyện cổ tích, là bối cảnh chính để nhà hát thực hiện ý tưởng “không khoảng cách”. Trong không gian ấy, khán giả nhỏ của chúng ta được tiếp xúc trực tiếp với những tiểu phẩm được xây dựng theo lối kịch đồng thoại thông qua người dẫn chuyện và cả các nhân vật minh họa ngộ nghĩnh đáng yêu. Không phải mất quá nhiều thời gian công sức dàn dựng hoành tráng, các nghệ sỹ sẽ ngồi trò chuyện thân mật gần gũi với các em như người trong gia đình, và ngược lại chính các em cũng sẽ được mời lên sân khấu để biểu diễn hay thể hiện những thắc mắc suy nghĩ của mình về nhân vật.

Cảnh trong chùm hài kịch mới dàn dựng của Nhà hát Tuổi trẻ
Cảnh trong chùm hài kịch mới dàn dựng của Nhà hát Tuổi trẻ

Mạnh dạn khởi đầu với “Giáng sinh đầu tiên của chuột tí tẹo” của đạo diễn Lê Khanh vào cuối tháng 9 vừa qua, nhà hát Tuổi trẻ đã gặt hái được thành công nhờ bước đi mới này. Khán phòng nhỏ tràn ngập những ánh nhìn thân thiện và tiếng cười đùa của bé thơ. NSND Lê Hùng, Tổng đạo diễn chương trình cho biết: “Mục đích lớn nhất của chúng tôi là tạo ra sự hòa đồng kéo các em đến gần hơn với nghệ thuật sân khấu. Chương trình sẽ biểu diễn hàng tháng với nhiều câu chuyện khác nhau do các nghệ sỹ uy tín đảm nhiệm như: NSND Lan Hương, NSND Lê Khanh, NSƯT Anh Tú...”.

Cũng hướng đến đối tượng thiếu nhi, song Nhà hát múa rối Trung ương lại có hướng sáng tạo riêng với việc đưa vào sử dụng hội trường sân khấu rộng tới 600 chỗ để biểu diễn bộ môn rối cạn vào các buổi sáng chủ nhật hàng tuần kể từ 14-10.

Người lớn cũng không nằm ngoài “cuộc chơi”

Nhà hát kịch Việt Nam sắp khởi động một mô hình sân khấu hoàn toàn mới mẻ và độc đáo sau gần 2 năm chuẩn bị. Khán phòng nhỏ với hơn 150 chỗ ngồi được cải tạo thiết kế thành sân khấu không có cánh gà, diễn viên biểu diễn không dùng míc để người xem cảm nhận được sự ấm cúng nhưng vẫn rất sang trọng thiêng liêng của sân khấu. Các vở kịch sẽ được diễn thường kỳ vào tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần bắt đầu từ 5-10. NSƯT Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc nhà hát còn nói rằng sẽ chấp nhận bù lỗ ít nhất từ một đến hai năm. Trước mắt, nhà hát vẫn chọn dựng những vở chính kịch để giữ vững phong cách truyền thống từng làm nên danh hiệu “anh cả đỏ” của mình. Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ ý định sẽ thuê hoặc mở thêm một sân khấu khác chỉ dựng những vở hài kịch hoặc kịch kinh dị ăn khách để phục vụ công tác xã hội hóa: “Thậm chí nhà hát có thể sẽ thành lập hẳn một câu lạc bộ chuyên làm những vở ăn khách chứ không nhất thiết phải mang nặng phong cách chính kịch”.  

Trước mắt trong 2 tháng đầu sẽ có 8 kịch mục từng làm nên tên tuổi của nhà hát được trình diễn như: Ngụ ngôn năm 2000, Hàng xóm chung cư, Chia tay hoàng hôn... và đặc biệt là vở kịch chống tham nhũng “Trên cả trời xanh” của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. “Chúng tôi còn hy vọng có thể mang mô hình sân khấu mới này phục vụ nhân dân các tỉnh và cả lực lượng quân đội ở miền hải đảo xa xôi”, NSƯT Anh Dũng tâm sự.

Dương Cầm