Dự thảo nghị định về các hoạt động triển lãm văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao: Sửa lần thứ tư vẫn xa rời thực tế

ANTĐ - Thời gian không còn nhiều và đã sửa đến lần thứ tư nhưng dự thảo Nghị định về hoạt động triển lãm văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao dự kiến trình Thủ tướng vào tháng 10-2016 vẫn loại bỏ hầu hết lĩnh vực cần điều chỉnh của ngành văn hóa. Từ mỹ thuật, nhiếp ảnh đến di vật, cổ vật, bảo vật, xuất bản phẩm đều bị gạt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của nghị định này. 

Triển lãm đũa Nhật Bản diễn ra vào tháng 12-2015 tại Hà Nội không thuộc quy định nào về hoạt động triển lãm 

Lúng túng ngay từ việc xác định đối tượng

Trái ngược với tên gọi mang tính rộng lớn, bao trùm - “Nghị định về hoạt động triển lãm văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao”, dự thảo do Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) thực hiện đã làm không ít người thắc mắc về đối tượng thật sự cần được điều chỉnh. Nếu gạt bỏ các hoạt động triển lãm thương mại, khoa học, công nghệ, xuất bản phẩm, mỹ thuật, nhiếp ảnh, di vật, cổ vật, bảo vật sang một bên thì những triển lãm nào sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của nghị định? Do phạm vi điều chỉnh không rõ ràng và quá bó hẹp nên các ý kiến đóng góp đều cho rằng, dự thảo “Nghị định về hoạt động triển lãm văn hóa” nghệ thuật, du lịch, thể thao ít tính thực tế và quá xa rời hoạt động triển lãm hiện nay. 

Hơn nữa, từ thực tế xin và cấp phép các hoạt động triển lãm văn hóa nghệ thuật, các nhà quản lý còn cho biết, một triển lãm nhiều khi lại không riêng rẽ từng lĩnh vực mà bao gồm nhiều hoạt động như các gian hàng trưng bày hình ảnh, bày tượng, giới thiệu thành tựu của ngành… Nếu theo dự thảo mới, không lẽ một cuộc triển lãm sẽ cần tới 2 đến 3 giấy phép.

Thế nên, đa phần ý kiến đều thống nhất với quan điểm, thay vì loại trừ các hoạt động triển lãm đã có nghị định, quy chế ra đời trước đây như Nghị định 113 về hoạt động mỹ thuật, Quy chế hoạt động nhiếp ảnh, Quy chế hoạt động triển lãm mỹ thuật và gallery… dự thảo nên gộp tất cả các hoạt động triển lãm văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể thao lại tại nghị định này. Văn bản quy định của Nhà nước về các hoạt động triển lãm sẽ giảm xuống, đơn vị quản lý cũng như đơn vị tổ chức sẽ bớt vướng mắc trong quá trình thực hiện. 

Điều chỉnh hoạt động cấp phép

Một nội dung khác rất đáng quan tâm của dự thảo này liên quan đến thủ tục, tiếp nhận và xử lý văn bản xin cấp phép hoặc văn bản thông báo tới cơ quan quản lý về kế hoạch triển lãm. Cho đến nay, nhiều đơn vị tổ chức than phiền rằng quá trình thẩm định và cấp phép của các cơ quan quản lý thường chậm trễ và phiền hà. Để điều chỉnh hoạt động này, dự thảo ghi: Hồ sơ xin cấp phép cũng như thông báo xin triển lãm phải gửi về cơ quan có thẩm quyền chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc.

Với nội dung như vậy, đại biểu đến từ tỉnh Thái Nguyên  cho rằng, dự thảo cần nâng cao vai trò của cơ quản lý nhiều hơn và nên ghi rõ, nếu trong vòng 10 ngày, đơn vị tiếp nhận hồ sơ không trả lời phía tổ chức thì triển lãm vẫn diễn ra bình thường. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, các triển lãm đã nhận được giấy phép của cơ quan quản lý cấp Trung ương như Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thì không cần phải xin cấp phép tại địa phương nếu triển lãm được trưng bày lần thứ hai. 

Về việc phân cấp, phân quyền trong cấp phép, do đây là nghị định nên phân quyền thực hiện ở tuyến dưới sẽ chỉ đến UBND tỉnh và mặc nhiên các địa phương cần hiểu, Sở VH-TT&DL các tỉnh sẽ là đơn vị cấp phép hoạt động triển lãm. Tuy nhiên, thực tế không ít  triển lãm lại do UBND các tỉnh cấp phép. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định: “Khi trình Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT&DL) trước khi trình Thủ tướng, chúng tôi sẽ bảo vệ tới cùng việc phân cấp, phân quyền thực hiện dự thảo này bằng việc khẳng định đơn vị thực hiện sẽ là các Sở VH-TT&DL”. 

Ông Vi Kiến Thành cũng tán đồng việc gộp các hoạt động triển lãm từ mỹ thuật, nhiếp ảnh, di vật, cổ vật… trong cùng dự thảo Nghị định về hoạt động triển lãm văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao. Sau hội thảo diễn ra vào ngày 28-6 tại Hà Nội, ban tổ chức sẽ thống nhất các nội dung trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10-2016.