Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Sẽ quy định rõ hơn về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đó là khẳng định của bà Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL tại hội nghị, hội thảo xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và hơn 40 điểm cầu tại các địa phương.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 10 chương, 154 điều với nhiều nội dung mới lần đầu tiên được đề cập tới và đưa vào luật nhằm hướng tới giải quyết một số vấn đề bất cập trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Việt Nam trong thời gian qua.
Việc xin ý kiến dự thảo diễn ra trong bối cảnh vụ lấn biển xây dựng khu đô thị xảy ra phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh thời gian vừa qua gây xôn xao dư luận, trong đó đơn vị xây dựng khu dự án này gây bức xúc khi có hành vi đổ đất trực tiếp xuống vùng nước ở vịnh Hạ Long mà không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vịnh. Bởi vậy, bên lề cuộc hội thảo, vụ việc xảy ra ở vịnh Hạ Long trở thành vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm.

Bà Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL

Bà Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL

Chia sẻ về việc này, bà Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL bày tỏ quan điểm, di sản văn hóa trong thời gian qua đã khẳng định được vai trò là tài sản đóng góp tích cực, góp phần trở thành nguồn tài nguyên vô tận trong việc phát triển kinh tế, xã hội, du lịch trong phát triển bền vững theo quan điểm phát triển đã được UNESCO quy định rõ từ năm 2015.
Theo quy định này thì 4 trụ cột để di sản văn hóa phát huy vai trò này chính là phát triển bền vững về môi trường, phát triển bền vững về xã hội cho mọi người, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng – an ninh. Người đứng đầu Cục Di sản thì di sản văn hóa của Việt Nam đã khẳng định được theo đúng quan điểm phát triển này của UNESCO, cụ thể là vừa bảo tồn các giá trị di sản văn hóa mà cha ông để lại, đồng thời vẫn thể hiện được vai trò của di sản trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, qua đó thúc đẩy, tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Các địa phương cũng đã phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ VHTT&DL, các bộ ngành để triển khai tốt việc này và được Tổng Giám đốc UNESCO cũng như Giám đốc Trung tâm di sản thế giới ghi nhận, bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục hteer hiện, chia sẻ kinh nghiệm trong việ vừa quản lý, bảo vệ, phát triển di sản, vừa phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ được môi trường.” – bà Lê Thị Thu Hiền cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng, tuy nhiên việc thực hiện này phải trên cơ sở bảo vệ di sản trên nguyên tắc bảo tồn di sản, đảm bảo giữ gìn được yếu tố gốc, cảnh quan môi trường sinh thái của di sản.

Dự án khu đô thị tại khu 10B bị UBND tỉnh Quảng Ninh xử phạt sau phản ánh của báo giới và dư luận (Ảnh: P.C)

Dự án khu đô thị tại khu 10B bị UBND tỉnh Quảng Ninh xử phạt sau phản ánh của báo giới và dư luận (Ảnh: P.C)

Trở lại với sự việc liên quan đến dự án xây dựng tại vịnh Hạ Long, đại diện Cục Di sản cho biết, dự án này được thực hiện ở khu vực đất đồi núi, đầm lầy, không có người dân sinh sống, cũng không có di sản hay di tích, cũng không phải khu vực quy hoạch du lịch, cụ thể nằm ở đoạn cuối của vịnh Bái Tử Long đổ ra biển, thuộc vùng đầm lầy…tuy nhiên việc triển khai vẫn phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật. Thời gian vừa qua, báo chí cũng phản ánh về việc thực hiện dự án này để xảy ra việc đổ đất trực tiếp xuống vịnh Hạ Long. Điều này không đảm bảo nguyên tắc bảo tồn yếu tố gốc của di sản và những giá trị tạo nên vẻ đẹp của di sản đó, trong khi phát triển thế nào thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc này.

“UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành thanh tra, rà soát, có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời, dừng thực hiện dự án sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ VHTT&DL về việc này. Chúng tôi đánh giá đây là biện pháp kịp thời, đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật cũng như văn bản của Cục Di sản, Bộ VHTTD&DL ban hành.” – bà Lê Thị Thu Hiền nhận định và khẳng định, ô nhiễm môi trường ở đây không chỉ nhìn nhận ở vấn đề rác thải, chất thải mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh tháio của động thực vật và hệ sinh thái chung của di sản.

Về việc này, trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định về điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới. Trong đó nêu rõ khu vực bảo vệ I của di tích, di sản chỉ được điều chỉnh khi có phương án điều chỉnh đảm bảo việc bảo tồn nguyên vẹn yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. Cùng với đó, vùng II (vùng đệm) của di tích chỉ được phép điều chỉnh khi phương án điều chỉnh bảo đảm được việc ngăn chặn các yếu tố có thể tác động, làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. Đặc biệt dự thảo cũng quy định biện pháp xử lý đối với các trường hợp di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam sau khi được đưa vào các danh sách của UNESCO không thực hiện đúng chương trình hành động bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO.

Đặc biệt, Cục trưởng Cục Di sản cho biết, dự thảo Luật Di sản (sửa đổi) sẽ quy định rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm cũng như trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương các cấp có di sản cũng như các cộng đồng chủ thể của di sản trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.

Một vấn đề khác được quan tâm trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này là chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân. Theo Luật Di sản hiện hành thì chính sách đãi ngộ với các nghệ nhân, những người nắm giữ và thực hành di sản văn hoá phi vật thể còn nhiều hạn chế như việc chi trả chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được thực tiễn, vẫn còn thiên về danh hiệu hơn.

Theo đó, dự thảo đề xuất bổ sung các quy định về chính sách đãi ngộ để tạo điều kiện cho các nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hoá phi vật thể có thể đóng góp hơn nữa vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng thông qua các hoạt động như: tôn vinh, hỗ trợ kinh phí thực hành, mở lớp truyền dạy… hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các nhóm, câu lạc bộ, cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Căn cứ tình hình của địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành chế độ đãi ngộ quy định trên để thực hiện trên địa bàn. Trường hợp nghệ nhân sau khi được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước mà sau đó có cơ sở xác định không đủ tiêu chuẩn thì Bộ trưởng Bộ VHTTDL trình Chủ tịch nước quyết định rút danh hiệu. Đối với các nghệ nhân chưa đủ tiêu chuẩn trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu, Chính phủ quy định thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố có hình thức khen thưởng phù hợp.

Xung quanh sửa đổi này, bà Lê Thị Thu Hiền chia sẻ, thời gian qua nhận thức của xã hội và chính quyền địa phương các cấp đã có sự chuyển biến rõ nét, quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ, phát huy các hoạt động này. Nhiều nơi có các đề án trực tiếp để ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp

“Di sản văn hóa phi vật thể thuộc về cộng đồng chủ thể và thuộc về vài trò nắm giữ của các nghệ nhân. Hiện nay chúng ta đã có Nghị định của Chính phủ quy định về chính sách, chế độ đối với nghệ nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế về phạm vi và đối tượng xác định, vì vậy chính sách chưa đến được hết với những nghệ nhân đang nắm giữ di sản, nhiều loại hình di sản đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền khi nghệ nhân mất đi, nên đây cũng là một vấn đề rất cần quan tâm.” – đại diện Cục Di sản khẳng định.

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, hiện nay Luật cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập... Mục đích xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành. Từ đó đề xuất chính sách đảm bảo phân định rõ: Các chính sách có tính chất kế thừa; các chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan; tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và phát huy được những giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đầy tâm huyết, trách nhiệm. Theo Thứ trưởng, kết quả của cuộc hội nghị, hội thảo lần này sẽ củng cố thêm cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để Bộ VHTTDL nghiên cứu, tiếp thu, từng bước hoàn thiện quy định trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội thời gian tới.