Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch 2023

“Du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay, 15/3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển” đã được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Hội nghị diễn ra sau đúng một năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.

Ngày 15/3/2022 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19. Đến tháng 3/2023, một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa.

Việc nhanh chóng mở cửa trở lại ngày 15-3 cách đây tròn một năm của Việt Nam đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới.

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022). Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.

Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.

Tại Hội nghị “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển” các đại biểu đã cùng thảo luận về thực trạng ngành du lịch, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp để ngành du lịch "cất cánh".

Vượt qua khó khăn, biến nguy thành cơ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngày 15/3/2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát khá vững chắc, chúng ta đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm. Đây là bước ngoặt ý nghĩa, giúp chúng ta thành công trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là đúng đắn.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển” (ảnh VGP/Nhật Bắc)

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển” (ảnh VGP/Nhật Bắc)

Nhìn lại những năm phòng, chống dịch vừa qua, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù là nước đông dân, đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, song Việt Nam là nước chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa sớm. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị này được tổ chức nhằm nhìn lại việc phát triển ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và của ngành du lịch so các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị (ảnh VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị (ảnh VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra câu hỏi: Nguyên nhân chủ quan nào khi du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số? Việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa?

Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá như thế nào? Cùng với đó là vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa…

Thủ tướng khẳng định cần phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch không thể phát triển một mình, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển, du lịch không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh, bền vững.

Tập trung nghiên cứu, tháo gỡ điểm nghẽn khó khăn về cơ chế, chính sách

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có bản báo cáo kết quả sau một năm mở cửa du lịch, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho ngành du lịch.

Theo đó, Bộ VHTTDL đề xuất, triển khai thực hiện chính sách thị thực điện tử với tất cả thị trường khách quốc tế, tăng thời gian miễn thị thực đối với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực.

Tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến quy trình, thủ tục cấp thị thực điện tử. Cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan tại cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng báo cáo kết quả sau một năm mở cửa du lịch, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho ngành du lịch (ảnh VGP/Nhật Bắc)

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng báo cáo kết quả sau một năm mở cửa du lịch, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho ngành du lịch (ảnh VGP/Nhật Bắc)

Chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam; tăng thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các phương thức vận tải quốc tế như đường không, đường biển…

Rà soát, kiến nghị các chính sách tài chính, thuế, hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, nâng cao năng lực, thu hút khách du lịch quốc tế. Hướng dẫn triển khai hiệu quả phương án sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến du lịch tại nước ngoài.

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu chính sách về an sinh xã hội; chính sách về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, thành lập Hội đồng chứng nhận nghề du lịch.

Điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất. Nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện cho hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Tập trung nghiên cứu để tháo gỡ các điểm nghẽn khó khăn về cơ chế, chính sách nhằm tại điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch của quốc tế vào Việt Nam, đồng thời đề cao vao trò của du lịch nội địa, coi du lịch nội địa là bệ đỡ trong bối cảnh từng bước tiếp cận với thị trường khách quốc tế.

Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng

Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng

Ngoài tháo gỡ về cơ chế, tiếp tục thực hiện các chính sách hướng tới giúp đỡ các doanh nghiệp du lịch trong vấn đề tiếp cận vốn, chính sách hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch và các chính sách khác về tiền điện, nước, tiền thuê đất đai trong các cơ sở lưu trú nhằm tạo điều kiện để chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tính toán lại thị trường khách

Về các hạn chế, tồn tại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thứ nhất, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế.

Nguyên nhân là bởi, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiền năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.

Thị trấn Hoàng Hôn ở Phú Quốc

Thị trấn Hoàng Hôn ở Phú Quốc

Thứ ba, về sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên văn hoá. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách.

Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.

Thứ năm, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.

Về các giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về phát triển Vùng, trong đó, tập trung:

Định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá, bao gồm các lĩnh vực: Du lịch Văn hoá, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng.

Lễ hội truyền thống cũng là một trong những điểm mạnh thu hút du khách ở Việt Nam (ảnh Phạm Quang Vinh)

Lễ hội truyền thống cũng là một trong những điểm mạnh thu hút du khách ở Việt Nam (ảnh Phạm Quang Vinh)

Cơ cấu lại thị trường du lịch; nhất là tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.

Các địa phương chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái-nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 06/1/2023), trong đó huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn về du lịch để cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một "Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển" đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.