Du lịch Hà Nội hút khách phương Tây từ thời Pháp thuộc

ANTD.VN - Ngay sau khi Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa năm 1888, một công ty du lịch của Pháp đã mở tour du lịch từ trung tâm thành phố lên chợ Bưởi, làng giấy dó Yên Thái, Hồ Khẩu, làng dệt lụa Bái Ân, làng Nghi Tàm, Quảng Bá… bằng xe ngựa.

Xe ngựa du lịch của Pháp trên phố Hàng Thêu (nay là Hàng Trống), ảnh của Pierre Dieulefils chụp

1. Dẫu nhiều thắng cảnh nổi tiếng quanh hồ Tây thời Lê không còn, nhưng khung cảnh thiên nhiên, mặt nước bao la với sen đã thu hút khách du lịch Pháp. Khi các phong trào chống Pháp quanh Hà Nội lắng xuống, chính quyền  đã cho họ mở thêm các tour mới. Để có chỗ cho khách du lịch nghỉ ngơi, năm 1889, Grand Hotel (nay là Intimex ở phố Lê Thái Tổ) được xây dựng bên hồ Gươm thay cho khách sạn tường đất lợp lá trước. 

Khách sạn đầu tiên này cao 2 tầng với 50 phòng, có bàn bi a, phòng tắm có vòi hoa sen, ban đêm thắp đèn măng xông sáng trưng. Họ có thuyền chở du khách dạo chơi trên hồ Gươm, làm chòi lá trên bờ cho khách ngắm cảnh chiều. Các  báo tiếng Pháp xuất bản ở Hà Nội cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 như: “Tương lai Bắc Kỳ” (Avenir du Tonkin), Độc lập Bắc Kỳ (Indépendance Tonkinnoise) “Thức tỉnh kinh tế Đông Đương” (L’Eveil économique de L’Indochine)... phát hành ở xứ Đông Dương số nào cũng có quảng bá tuyến du lịch từ trung tâm thành phố ra ngoại ô như: Hà Nội - Sơn Tây, Hà Nội - Bát Tràng, Hà Nội - Tam Đảo... Và số báo nào cũng có bích chương rất bắt mắt quảng cáo du lịch. Khách sạn Metropole Hà Nội còn sử dụng hình ảnh các cô gái Ngọc Hà mặc áo tứ thân ngồi bán hoa bên hồ Gươm để  thu hút khách du lịch từ Pháp và châu Âu. 

Nhưng có một sự kiện thúc đẩy du lịch Hà Nội phát triển lên một tầm cao mới, đó là triển lãm các sản phẩm thủ công, sản phẩm công nghiệp mới nhất và lớn chưa từng thấy diễn ra cuối năm 1902. Triển lãm với gần 100 gian của các quốc gia thuộc địa Pháp, các nước châu Á và châu Âu mở cửa ngày 3-11-1902.

Theo báo “Thức tỉnh kinh tế Đông Đương” (số 88) đã có gần 1.000 người nước ngoài bao gồm quan chức các nước, nhân viên, các nhóm nghệ thuật và khách du lịch sang dự lễ khai mạc. Số lượng người Việt Nam từ các tỉnh đổ về Hà Nội xem triển lãm cũng  rất lớn. Trước đó, dù dân chúng các tỉnh đã “lai kinh” khi Thăng Long còn là kinh đô của Đại Việt, nhưng chỉ là những nhóm lẻ tẻ, thì từ triển lãm này đã mở ra du lịch nội địa. 

Bưu thiếp du lịch chụp ga Hàng Cỏ của Pierre Dieulefils với lạc khoản hình chiếc lư đồng dưới góc ảnh

2. Pierre Dieulefils là nhiếp ảnh nổi tiếng ở Pháp và trên thế giới. Trước khi trở thành nhà nhiếp ảnh, ông đi lính và đóng quân ở Hà Nội. Sau khi giải ngũ, năm 1894 ông mở cửa  hiệu chụp ảnh số nhà 53 phố Jules Ferry (nay là phố Hàng Trống). Năm 1901, nhận thấy khách du lịch từ Pháp, châu Âu tăng dần hàng năm, nên ông đã chuyển qua làm bưu ảnh. Người ta gọi ông là “Nhà nhiếp ảnh thám hiểm và sản xuất bưu ảnh”. Năm 1905, ông mở cửa hàng mới chuyên bán bưu ảnh tại số 42 và 44 phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền). Trong món quà mang về từ xứ Đông Dương của khách du lịch phương Tây không thể thiếu những tấm bưu ảnh của ông chụp như Nhà hát Lớn, hồ Gươm, chùa Một Cột, phố Tràng Tiền, đền Quán Thánh... 

Năm 2010, người cháu ngoại của ông là  Lionel Labastire sống ở trung tâm thành phố Manosque (Pháp) đã sưu tầm hơn 2.500 tấm ảnh gốc và bưu ảnh với cảnh vật chủ yếu ở Đông Dương. Labastise nói rằng đó chỉ là một phần rất nhỏ vì ông không đủ tiền mua lại hết những tấm bưu ảnh của ông ngoại. Sở dĩ Labastire sưu tầm được là nhờ Pierre       Dieulefils luôn đóng lạc khoản hình chiếc lư đồng nhỏ kèm theo mã số và địa danh. Căn cứ vào số bưu thiếp và  ảnh mà cháu ngoại Dieulefils mua được cũng có thể hình dung ra số du khách phương Tây đến Hà Nội trong thập niên đầu thế kỷ 20 thế nào. 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

3. Thực ra không phải cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khách du lịch phưong Tây mới đến Hà Nội mà họ đã đến từ thế kỷ 16. Năm 1523, một phái bộ người Bồ Đào Nha đi thuyền trên biển rồi theo sông đến Thăng Long. Chuyến thám hiểm du hành được P.Y Manguin ghi chép và lưu trong thư tịch. Theo Manguin, phái bộ do Duarté Loelho dẫn đầu đã “tiếp xúc với triều đình vương quốc Cachao (Kẻ Chợ)”.

Do vậy có thể khẳng định phái bộ người Bồ Đào Nha này là những khách du lịch phương Tây đầu tiên đến Thăng Long. Thế kỷ 17, các nhà truyền giáo châu Âu đến Đàng Ngoài, các nhà thám hiểm hàng hải và các nhà buôn Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan, Pháp cũng đến Đại Việt và Thăng Long. Rất nhiều người đã ghi chép và in thành sách. Nhờ những cuốn như: “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài”, “Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài”, “Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài”... đã gây tò mò cho người  phương Tây. 

Thời đó việc đi lại không hề dễ dàng, một con tàu buôn Hà Lan từ Nhật Bản đến Thăng Long phải mất tới 3 tháng. Tuy nhiên những nhóm du khách ưa  khám phá bất chấp khó khăn để đến kinh đô của Đại Việt. Trong nửa đầu thế kỷ 20, du lịch Hà Nội phát triển khá mạnh. Tháng 4-1936, khách sạn Metropole đón một vị khách đặc biệt, đó là vua hề    Charlie Chaplin.

Sau khi làm lễ cưới minh tinh Holywood là Paulette Goddard ở Thượng  Hải, Charlie Chaplin đã đưa cô vợ trẻ sang hưởng tuần trăng mật ở Hà Nội. Trong thời gian ở đây, hai người đã đi thăm nhiều thắng cảnh trong thành phố. Trong báo cáo hàng năm của Toàn quyền Đông Dương các thời kỳ về tình hình kinh tế Đông Dương, họ luôn đánh giá Hà Nội là điểm đến hấp dẫn, thú vị của du khách phương Tây trong nửa đầu thế kỷ 20.