Dự án Luật Hộ tịch: Tránh gây phiền phức cho dân

ANTĐ - Ngày 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch. Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về báo cáo Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, trong số những điểm mới của dự thảo Luật Hộ tịch có việc lập Sổ bộ hộ tịch và cấp sổ hộ tịch cá nhân cho công dân. Sổ bộ hộ tịch được lập và quản lý tại nơi công dân đăng ký khai sinh - đồng thời cũng là nơi quản lý hộ tịch gốc của công dân. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người dân, các sự kiện hộ tịch phát sinh sau khi đăng ký khai sinh (kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch…) không bắt buộc phải đăng ký tại nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch, mà người dân có thể yêu cầu đăng ký tại nơi cư trú. 

Sau khi đăng ký, Hộ tịch viên phải thông báo về nơi quản lý hộ tịch gốc (nơi đăng ký khai sinh) để ghi vào Sổ bộ hộ tịch, đồng thời tích hợp vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Như vậy, mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân cho dù được đăng ký ở các nơi khác nhau, đều được quy tụ vào nơi lưu giữ Sổ bộ hộ tịch. Đây là những tiền đề quan trọng để hình thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, phục vụ công tác quản lý dân cư theo hướng hiện đại. Để tránh gây xáo trộn lớn trong đời sống nhân dân, các loại Sổ hộ tịch từ trước tới nay hiện đang lưu giữ tại UBND các cấp và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn có giá trị pháp lý và là cơ sở để cấp giấy tờ hộ tịch theo yêu cầu của cá nhân; các giấy tờ hộ tịch của cá nhân được cấp trước ngày Luật có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý để chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân.

Một điểm mới quan trọng khác là xây dựng số định danh công dân. Số định danh dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Tuy nhiên, để tránh gây xáo trộn, sẽ chỉ cấp số định danh cho công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh theo quy định của Luật mới. Nhiều thành viên UBTVQH đặc biệt quan tâm đến vấn đề cấp số định danh công dân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật. Bởi, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, việc cấp số định danh công dân là cần thiết, giúp xác định, truy nguyên danh tính công dân được nhanh chóng, chính xác, bảo đảm cho việc quản lý hộ tịch, quản lý xã hội được chặt chẽ, phục vụ yêu cầu quản lý. 

Ủng hộ định hướng “số hóa” công dân, song Chủ nhiệm UB VHGDTN, TN&NĐ Đào Trọng Thi góp ý: “Nếu chỉ cấp cho những công dân ra đời sau khi Luật có hiệu lực thì phải… 100 năm nữa chúng ta mới hoàn thành việc chuyển đổi sang phương thức quản lý mới! Cần có lộ trình chuyển đổi để cấp số cho toàn dân, nếu chưa làm được thì cấp cho những trẻ em dưới 14 tuổi. Nếu sử dụng sổ hộ tịch (giấy) trong khi chưa thể số hóa hoàn toàn thì phải giao cho phường xã nơi cư trú quản lý, cập nhật thông tin chứ giao nơi khai sinh là không hợp lý”. 

Chủ nhiệm UB KH, CN và MT Phan Xuân Dũng đồng tình: “Chính phủ phải làm rõ việc mỗi người dân hiện nay đang phải giữ hơn chục loại sổ, áp dụng quy định mới thì sẽ còn mấy loại? Cần có lộ trình đổi hết sang phương thức mới, ví dụ sau 5 năm, 10 năm, có thể ưu tiên đổi cho những người trẻ tuổi trước”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, dù làm cách nào, những quy định của dự án Luật Hộ tịch cần đơn giản, dễ áp dụng, tránh tình trạng “mỗi luật ra là thêm một sổ, mỗi nghị định thêm một giấy”, gây thêm phiền phức cho dân.